Tâm sự giáo viên: Mong đổi mới giáo dục thực chất và hiệu quả hơn

(Dân trí) - Đọc bài viết <i>Giáo viên “toát mồ hôi” với đổi mới</i> của cô giáo Loát Trần trên báo Dân trí, tôi rất đồng cảm với những dòng tâm sự như cởi tấm lòng của người giáo viên tâm huyết trước thực trạng đổi mới giáo dục hiện nay.

Còn nhớ cách đây ít năm, các trường học rầm rộ triển khai dự án dạy học theo phương pháp “bàn tay nặn bột”. Giáo viên bộ môn Lý, Hóa… được cử đi tập huấn về triển khai kiến thức cho toàn trường và thực hiện các tiết dạy mẫu. Chúng tôi vác sổ đi dự giờ, thấy hoạt động nào cũng mới mẻ, cần bổ khuyết nhưng chỉ một thời gian sau, phương pháp này giờ chỉ là một hoạt động thỉnh thoảng lại được nhắc nhở trong các cuộc họp hội đồng.

Đề kiểm tra cũng liên tục xoay giáo viên như chong chóng. Trước kiểm tra theo hình thức tự luận ở tất cả các bộ môn, rồi tập huấn ra đề kiểm tra trắc nghiệm với yêu cầu 30% trắc nghiệm và 70% tự luận. Khi các bộ sách hướng dẫn ra đề trắc nghiệm tràn ngập trên thị trường, giáo viên quen dần với đề trắc nghiệm thì ngành yêu cầu quay lại đề tự luận 100%. Và giờ thì các bộ môn khác lại được cử đi tập huấn ra đề trắc nghiệm, ngoại trừ môn Văn.

Mẫu giáo án cũng “đổi mới” liên tục khiến giáo viên chúng tôi chạy theo bở hơi tai. Năm này tổ bộ môn yêu cầu mẫu giáo án 4 cột: thời gian, hoạt động của thầy, hoạt động của trò, ghi bảng. Năm sau lại đổi thành 3 cột, gộp hoạt động của thầy và trò, năm sau nữa lại tách hoạt động thầy và trò riêng.

Mấy năm gần đây, giáo án của chúng tôi còn bổ sung bảng mô tả các mức độ tư duy và hệ thống câu hỏi minh họa. Rồi giáo án phải tích hợp các kỹ năng và phát triển năng lực người học, tích hợp kiến thức an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, giáo dục về kiến thức biển đảo…

Và mẫu giáo án “xoay” thế nào vẫn mới chỉ là bản kế hoạch của giáo viên trên giấy. Trong khi đó, thực tế giờ dạy trên lớp mới có tính quyết định về sự thành công của tiết dạy, năng lực đổi mới của giáo viên cũng như khả năng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Thực tế là nhiều giáo viên vẫn chưa thật sự thẩm thấu tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, song song với đó là sự “bén rễ” của phương pháp dạy học truyền thống thầy đọc - trò chép khiến nhiều người thầy chưa thật sự chuyển động cùng xu hướng đổi mới giáo dục.

Dẫu biết rằng mục đích của việc đổi mới giáo dục chính là để cải thiện chất lượng nhưng khi ngành giáo liên tục đưa ra những yêu cầu mới, cải tiến mới, cải cách mới, người cầm phấn buộc phải “lột xác” liên tục để chạy theo những xu hướng, đề án, phương pháp dạy học mang tên mới toanh.

Vậy mà, chỉ một thời gian thôi, xu hướng khác, đề án khác, phương pháp dạy học khác đã xuất hiện, người thầy lại quáng quàng chạy theo “làm mới” mình, đổi mới bài dạy, cải tiến kỹ thuật dạy học. Và khi không bắt kịp xu hướng của thời đại, không ít người thầy bị “lỗi nhịp” vì nhiều lý do liên quan tuổi tác, nhiệt huyết, tâm thế cống hiến…

Trách ai bây giờ? Trách người thầy với sức ì ngại đổi mới, chậm sáng tạo ư? Hay trách ngành giáo với hàng loạt cải tiến giáo dục nhưng công tác triển khai chưa hiệu quả và đánh giá chưa thực chất?

Những câu hỏi đầy trăn trở ấy cần được nhìn nhận đa chiều, toàn diện, thẳng thắn! Năm 2020 vừa sang được ít ngày, nhà giáo chúng tôi chỉ mong đón nhận những đề án đổi mới, cải cách giáo dục thực chất và hiệu quả hơn…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!