Bạn đọc viết:
Giáo viên “toát mồ hôi” với đổi mới
(Dân trí) - Những năm gần đây, ngành Giáo dục đã không ngừng đổi mới. Giáo viên (GV) chúng tôi cũng toát mồ hôi vì sự đổi mới liên tục của ngành. Những buổi tập huấn, chúng tôi thường được nhồi nhét bằng những cụm từ nghe mà thuộc lòng như: “Phải phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh”, “Học sinh phải tích cực chủ động trong hoạt động nắm bắt kiến thức”...
Nhiều khi chúng tôi không biết bây giờ phải dạy như thế nào mới đúng là “đổi mới” cả.
Tôi là một GV cấp 2 giảng dạy bộ môn Ngữ văn. Bản thân tôi đã nhiều lần được đi dự tập huấn về sự đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn. Từ thiết kế bài dạy theo hướng tích hợp đến giảng dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh (HS)...Thực tế, khi nghiên cứu các tài liệu, tôi nhận thấy việc đổi mới là rất hay. HS sẽ phát huy được tính tích cực chủ động trong học tập. GV chỉ là người hướng dẫn, định hướng giúp các em tự lĩnh hội, nắm bắt kiến thức. Các em hiểu gì ghi như thế ấy. Nói chung là rất hay.
Tuy nhiên khi áp dụng giảng dạy thực tế, người GV mới thấy nhiều bất cập. Từ việc GV thiết kế bài giảng theo định hướng kiến thức của HS rất cực đến việc giảng dạy sao cho có hiệu quả nữa. Với những lớp có nhiều HS khá giỏi thì không nói làm gì. Gặp lớp nhiều HS yếu kém thì tiết dạy theo hướng phát triển năng lực HS thất bại. Nhiều em không có sự chuẩn bị ở nhà. Thảo luận nhóm thì chỉ có HS khá, giỏi làm việc. Hết tiết, có em chẳng ghi được chữ nào. Cuối cùng nhiều thầy cô lại phải ghi những ý chính lên bảng để học trò chép lại mới an tâm.
Bản thân là GV trực tiếp giảng dạy bộ môn Ngữ văn, không ít lần tôi băn khoăn, trăn trở trước việc đổi mới hiện nay. Với môn Văn mà cứ giảng dạy theo kiểu đổi mới bây giờ thì trò chẳng còn nhận biết cảm xúc gì. Tiết học vì thế mà cũng nhạt nhẽo, vô vị theo.
Những năm trước, các GV Ngữ văn chúng tôi đổi mới nhưng vẫn giảng dạy theo đặc trưng của bộ môn. Tức là giảng dạy phần văn bản, GV kết hợp giữa giảng dạy truyền thống và hiện đại. Người thầy vẫn giữ vai trò "truyền lửa" cho HS. Thầy vẫn say sưa với cảm xúc của nhà văn. Dạy Văn vẫn là sự phân tích, bình giảng. Thông qua việc GV bình luận, phân tích, HS sẽ tìm ra cái hay, cái đẹp của văn chương. Một lời bình hay, đúng lúc đúng chỗ sẽ nâng cao giá trị của bài văn, bài thơ, khơi dậy ở HS tình yêu người, yêu đời. Từ đó các em cũng sẽ tích lũy thêm được vốn từ, và khi viết văn sẽ biết cảm nhận, bình luận những ý hay, ý đẹp của tác phẩm văn học.
Còn bây giờ, nhiều khi tiết dạy Văn khô khan không khác gì dạy Toán. Thầy chỉ cho trò thảo luận rồi lại hỏi và trả lời. Các trò cứ tranh luận, phản biện để làm rõ vấn đề. Đôi khi dự xong một tiết Văn, tôi cảm thấy buồn nhiều hơn vui.
Thực tế, khi thao giảng, nhiều GV say sưa giảng và nói nhiều thì bị đánh rớt. Lí do bị chê là dạy theo phương pháp cũ. Còn GV nào để trò tự điều khiển, tự tổ chức thì được khen. Nhưng cũng có giám khảo lại nhận xét ngược lại. Vì thế mà mỗi mùa hội giảng, nhiều GV lại toát mồ hôi vì sợ và lo lắng.
Cuối cùng các GV chúng tôi vẫn rối trong mớ bòng bong của sự đổi mới. Chẳng biết phải đổi mới như thế nào và ra làm sao cho phù hợp cả.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!