Tại sao học sinh Trung Quốc giỏi toán?

Hà Mi

(Dân trí) - Nhiều học sinh và giáo viên ở châu Á nói rằng: "Tất cả học sinh Trung Quốc dường như đều giỏi Toán".

Quan niệm người châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, giỏi toán đã phổ biến tới mức ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Andrew Yang từng biến nó trở thành trọng tâm cho chiến dịch của mình: "Đối lập với Donald Trump là một chàng trai châu Á yêu toán học".

Tại sao học sinh Trung Quốc giỏi toán? - 1

Nhiều học sinh châu Á luôn bị gắn với định kiến giỏi toán (Ảnh: Shutterstock).

Nhiều học sinh và giáo viên châu Á cũng cảm thấy định kiến này có phần chính xác. "Em nghĩ tại các cuộc thi toán, điều này hoàn toàn đúng", Chu Cheuk-hei (15 tuổi), một học sinh Hong Kong chuyên tham gia các cuộc thi toán học cho biết.

"Học sinh Trung Quốc hoặc châu Á thường học giỏi hơn các học sinh khác". Không phải người Trung Quốc nào cũng giỏi toán, nhưng theo Alex Dutton - một gia sư vật lý và toán ở Hong Kong, nhìn chung tất cả học sinh Trung Quốc đều giỏi hơn những học sinh nước khác.

Frederick Leung, giáo sư toán học tại Đại học Hong Kong, đã nghiên cứu vấn đề này trong suốt hơn hai thập kỷ vừa qua. Cứ 4 năm, Leung lại tổ chức một bài kiểm tra toán cho học sinh 10-14 tuổi ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau đó, ông công bố xếp hạng này trên tạp chí Toán học Quốc tế và Nghiên cứu Khoa học. Năm nước/vùng lãnh thổ thường đứng đầu là Hong Kong, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Trung Quốc không tham gia nghiên cứu này.

Tại sao học sinh Trung Quốc giỏi toán? - 2
Giáo sư Frederick Leung thường xuyên tổ chức các bài kiểm tra toán cho học sinh ở nhiều quốc gia khác nhau. (Ảnh: Goldthread)

Leung tin rằng một trong những lý do tại sao học sinh ở những nước trên luôn có thành tích tốt hơn là vì văn hóa Khổng Tử tôn vinh sự chăm chỉ và trí thức.

"Văn hóa Nho giáo luôn đề cao việc giáo dục", giáo sư Leung cho biết, "Khi ở London, khi tôi phỏng vấn các bố mẹ và hỏi họ, "Ồ, con của bạn không học giỏi toán lắm. Bạn nghĩ tại sao lại như vậy?" và họ trả lời: "Nó không học giỏi toán. Bạn biết đấy, tôi cũng không giỏi toán lắm. Nhưng nó giỏi bóng rổ, âm nhạc với hội họa".

Tại sao học sinh Trung Quốc giỏi toán? - 3

Văn hóa Nho giáo coi trọng việc học hành. (Ảnh: Goldthread)

"Ở Bắc Kinh, với cùng câu hỏi, tôi nhận được câu trả lời: "Ôi, nó thật lười biếng". Đó là sự khác biệt lớn so với phụ huynh phương Tây", giáo sư Leung nói, "Họ quy rằng khả năng học giỏi hay kém môn toán là dựa vào khả năng bẩm sinh".

Trụ cột trong việc tìm kiếm nhân tài ở Trung Quốc chính là các kỳ thi quốc gia được dùng để xét tuyển đại học và vào các cơ quan nhà nước. Một trong những môn thi chính là toán học.

Tại sao học sinh Trung Quốc giỏi toán? - 4

Các kỳ thi đã có từ lâu trong lịch sử Trung Quốc. (Ảnh: Goldthread)

Các kỳ thi quốc gia có nguồn gốc từ thế kỷ 7 vào thời nhà Tùy, khi triều đình yêu cầu mọi người phải vượt qua các kỳ thi về văn bản, luật pháp và chính trị Nho giáo cổ điển.

Đó là cách duy nhất để có thể cải thiện vị trí xã hội và có việc làm trong bộ máy nhà nước. Các kỳ thi càng củng cố thêm niềm tin rằng học hành chăm chỉ sẽ giúp người ta đổi đời. "Qua nhiều thế hệ, chúng ta càng tin tưởng vào việc sát hạch", giáo sư Leung nhấn mạnh.

Ngày nay, sự ám ảnh với các kỳ sát hạch đã dẫn tới sự phát triển của ngành giáo dục tư nhân như là gia sư hay lò luyện. Ở Trung Quốc, có hơn 90% phụ huynh trả tiền cho các lò luyện, tạo nên ngành công nghiệp 383 triệu USD vào năm 2019.

Tại sao học sinh Trung Quốc giỏi toán? - 5

Số 11 trong tiếng Trung được tạo bởi việc ghép số 10 và số 1 (Ảnh: Gold Thread).

Liệu có phải toán học dễ dàng hơn ở một số ngôn ngữ? Một số nghiên cứu cho rằng có. Giáo sư Leng chia sẻ: "Hệ thống số trong tiếng Trung khá đơn giản, khiến cho đại số trở nên dễ học". Các nhà khoa học về giáo dục trẻ nhỏ cho thấy cách một ngôn ngữ miêu tả con số cũng ảnh hưởng tới tốc độ trẻ tính tổng.

Lấy số 11 làm ví dụ. Ở các ngôn ngữ như tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha, chúng ta đều có một từ riêng - eleven, onze và once. Nhưng trong tiếng Trung, con số này được đọc là số 10 và số 1. Và các chữ số là đơn âm nên dễ ghi nhớ hơn. Hệ thống số tương tự cũng được dùng trong tiếng Ả Rập, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Một trong những lợi thế của hệ thống này chính là toán học có thể được dạy bằng các cách ghi nhớ, ví dụ như qua bài hát. Giáo sư Leung tiết lộ, khi ông còn nhỏ, họ không có bảng cửu chương mà thay vào đó có một bài hát tên là "Nine Factors".

Chính những hình thức như vậy đã giúp bảng cửu chương được ghi vào bộ nhớ dễ dàng, tạo cơ sở cho toán học cao cấp hơn.

Theo www.scmp.com