SV học kiểu kiến tạo, tuy bỡ ngỡ nhưng hiệu quả bất ngờ

Trường Thịnh

(Dân trí) - Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, sử dụng công nghệ hỗ trợ việc học theo phương pháp kiến tạo, sinh viên ĐH FPT đã có được nhiều trải nghiệm học tập đầy mới mẻ và hứng khởi.

Lớp học chẳng có đúng hay sai, chỉ có sinh viên làm trung tâm

SV học kiểu kiến tạo, tuy bỡ ngỡ nhưng hiệu quả bất ngờ - 1

Đi học phải ngồi nghe lý thuyết, ghi chép bài vở không thiếu chữ nào hay thầy cô hỏi thì phải trả lời đúng... là những "tiêu chuẩn" không còn tồn tại trong lớp học theo phương pháp kiến tạo ở ĐH FPT.

Học tập theo phương pháp này, sinh viên ĐH FPT trở thành trung tâm của giờ học. Các bạn là người chủ động nghiên cứu kiến thức dựa trên định hướng của giảng viên, nghiên cứu vấn đề cùng nhau và cùng giảng viên, trao đổi, phản biện một cách thẳng thắn và bình đẳng với nhau và với thầy cô giáo của mình. "Mọi ý kiến ở lớp học kiến tạo đều là một quan điểm cá nhân được tôn trọng. Thầy cô luôn khuyến khích chúng mình trao đổi, tương tác để hiểu bài sâu hơn. Không có đúng hay sai một cách tuyệt đối nên sinh viên chúng mình cũng chẳng lo trả lời sai bị điểm kém." Đỗ Bạch Diệp (sinh viên K15) chia sẻ về trải nghiệm học kiến tạo của mình.

Ban đầu, khi nghe đến "Constructivism" hay "học thuyết kiến tạo", Bạch Diệp bộc bạch bản thân có chút "lo lắng không hiểu phương pháp này là gì, mình sẽ phải làm thế nào để học theo một phương pháp mới mà vẫn giữ được kết quả tốt."

Tuy nhiên, khi trải nghiệm phương pháp học tập này, Diệp nhận ra, nó không quá xa lạ với những gì nữ sinh đã được làm quen ở môi trường học tập ĐH FPT. "Đó là khuyến khích sự chủ động của sinh viên qua việc tìm hiểu kiến thức trước mỗi giờ lên lớp, mạnh dạn trao đổi với thầy cô và bạn bè, không sợ sai để khám phá và tự lĩnh hội kiến thức của riêng mình", Diệp cho biết.

Ứng dụng công nghệ tạo nên trải nghiệm học hứng khởi

SV học kiểu kiến tạo, tuy bỡ ngỡ nhưng hiệu quả bất ngờ - 2

Học online trong thời gian dài do ảnh hưởng của Covid-19, lại học tập theo phương pháp đòi hỏi sự chủ động, tương tác từ phía người dạy và người học nhưng sinh viên ĐH FPT không gặp quá nhiều khó khăn. Đó là do ĐH FPT đã phát triển nền tảng công nghệ hỗ trợ học tập kiến tạo và sinh viên ĐH FPT cũng rất nhanh nhạy, hào hứng khi sử dụng ứng dụng này.

"Mình đã rất hào hứng khi biết thông tin sẽ được trải nghiệm phương pháp học kiến tạo trên nền tảng EduNext", Trần Phương Nhật Chung (sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện, ĐH FPT) chia sẻ. Theo nữ sinh này, phương pháp học kiến tạo rất hữu ích, phù hợp với cả việc học online hoặc offline. Nền tảng EduNext cho phép tạo ra những "lớp nhóm học tập" để sinh viên tương tác với nhau qua tin nhắn, video trực tuyến. Giảng viên có thể lựa chọn livestream giảng dạy và trao đổi với nhiều sinh viên cùng lúc. Các tính năng khác như đánh giá chéo, tích hợp học liệu, thưởng "sao", phát hiện chuyên gia... hỗ trợ sinh viên học một cách chủ động và được hỗ trợ, khuyến khích kịp thời trong quá trình học tập.

"Mình làm quen với phương pháp học kiến tạo trên nền tảng EduNext chỉ trong vòng hơn 1 tháng. Ban đầu còn chút băn khoăn về việc đánh giá kết quả học tập nhưng được thực hành trong thực tế, mình thấy các giảng viên hoàn toàn có thể kiểm soát, đánh giá hiệu quả học tập của sinh viên. Tính năng "vote sao" rất thú vị khi các bạn trong lớp "đua" nhau đưa ra ý kiến, đáp án để giành được nhiều "sao", tạo ra bầu không khí học tập hứng khởi, sôi nổi."

Ngoài EduNext, nhiều giảng viên ĐH FPT còn linh hoạt sử dụng các ứng dụng, platform có sẵn trên Internet như Quizizz hay Padlet để khuyến khích sinh viên tìm hiểu kiến thức, có những tương tác thú vị xoay quanh chủ đề bài học trong mỗi giờ học kiến tạo. "Học kiến tạo giúp mình và bạn bè có trách nhiệm hơn trong việc chuẩn bị bài vở trước khi lên lớp. Sự tương tác nhiều giữa sinh viên với giảng viên và sinh viên chúng mình với nhau khiến giờ học kiến tạo sôi nổi, hào hứng hơn rất nhiều", Diệp nói.

Được biết, Constructivism hay Học thuyết kiến tạo là phương pháp khuyến khích sinh viên tự học, tự nghiên cứu và xây dựng kiến thức cho mình còn giảng viên đóng vai trò tổ chức và kiểm soát quá trình tự học của sinh viên. ĐH FPT là một trong những trường ĐH sớm đưa phương pháp này vào chương trình giảng dạy, tạo ra những trải nghiệm học tập mới cho người học.

SV học kiểu kiến tạo, tuy bỡ ngỡ nhưng hiệu quả bất ngờ - 3