Sự học ở "làng khoa bảng" bên dòng sông Mã

Thanh Tùng

(Dân trí) - Ở xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa, sự học không chỉ để thoát nghèo, mà hơn bao giờ hết là phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, của một vùng quê với hơn 20 "đại khoa".

Xã có 21 "đại khoa"

Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) chừng 2 km, xã Hoằng Quang trù phú với những ngôi nhà mọc lên san sát, trải dọc theo dòng sông Mã. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề thuần nông, buôn bán nhỏ lẻ. Thế nhưng, nhiều đời qua, vùng quê nơi đây được nhiều người biết đến bởi truyền thống hiếu học nổi tiếng ở xứ Thanh.

Dẫn chúng tôi về ngôi làng Nguyệt Viên - "làng khoa bảng" nổi tiếng Thanh Hóa, bà Nguyễn Thị Trâm Anh, Chủ tịch Hội khuyến học xã Hoằng Quang tự hào cho biết, trong lịch sử khoa bảng thời Phong kiến, ở xã Hoằng Quang có 21 người đỗ đại khoa. Riêng làng Nguyệt Viên có đến 11 người. 

Sự học ở làng khoa bảng bên dòng sông Mã - 1

"Làng khoa bảng" Nguyệt Viên nằm ven bờ tả sông Mã, nơi có 11 đại khoa thời phong kiến (Ảnh: Thanh Tùng).

Người đỗ đại khoa cuối cùng trong nền giáo dục Phong kiến Việt Nam là cụ Lê Viết Tạo - người con của làng Nguyệt Viên, làm quan dưới triều Nguyễn. Ông cũng chính là người đặt nền móng cho truyền thống hiếu học, yêu nước của các thế hệ con cháu dòng họ Lê Viết và xã Hoằng Quang về sau.  

Nhiều thế hệ ở nơi đây vẫn luôn giữ gìn và phát huy truyền thống hiếu học ấy. Trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Quang, đến nay cả xã có 21 giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ. Trong số đó có nhiều người là thế hệ sau của gia đình cụ Lê Viết Tạo. 

Sự học ở làng khoa bảng bên dòng sông Mã - 2

Nghè Nguyệt Viên, nơi lưu giữ danh sách và tôn vinh những người con đỗ đạt trong làng. Đến nay, nhiều thế hệ làng Nguyệt Viên luôn trân trọng và gìn giữ truyền thống hiếu học của cha ông (Ảnh: Thanh Tùng).

Điển hình như Tiến sĩ Lê Viết Khoa - Viện trưởng đầu tiên của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam; ông Lê Viết Lân - Tiến sĩ Hóa học; ông Lê Viết Khương - Tiến sĩ Vật lý; hay như cháu nội cụ, giáo sư Lê Viết Ly - Phó Viện trưởng Viện chăn nuôi quốc gia… 

Tiếp nối "ngọn lửa" hiếu học

Người dân xã Hoằng Quang ngày nay vẫn luôn răn dạy con cháu đời sau về truyền thống hiếu học của cha ông. Họ quan niệm học không chỉ để thoát nghèo mà còn để gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học của cha ông.

Theo bà Nguyễn Thị Trâm Anh, những năm qua thành tích học tập của con em địa phương có sự tiến bộ vượt bậc qua các năm. Thống kê của Hội khuyến học xã Hoằng Quang, chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, toàn xã có khoảng 134 em thi đỗ đại học, gần 20 em thi đỗ cao đẳng và hàng chục em học sinh có giải thưởng lớn trong các kỳ thi cấp tỉnh, hơn 200 em đạt học sinh giỏi cấp thành phố và gần 5.000 học sinh tiên tiến, học sinh giỏi.

Sự học ở làng khoa bảng bên dòng sông Mã - 3

Kế thừa truyền thống hiếu học của cha ông, em Nguyễn Thị Hoài Anh (thôn Vĩnh Trị 1) vừa xuất sắc đậu Đại học Hà Nội với số điểm cao 28,3 (Ảnh: Thanh Tùng).

Trong năm học 2020-2021, toàn xã Hoằng Quang có hơn 20 em thi đậu đại học. Trong đó có những em đạt điểm thi cao như em Nguyễn Thị Hoài Anh, thôn Vĩnh Trị 1, đậu đại học Hà Nội với 28,3 điểm hay như em Lê Thị Tú Anh, thôn Phù Quang, đậu Học viện ngoại giao với số điểm 27…

Theo bà Nguyễn Thị Trâm Anh, để có được những thành tích như ngày hôm nay là thành quả của quá trình hoạt động, thi đua trong công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương.

"Toàn xã có 7 thôn với 32 Chi hội và Ban khuyến học (trong đó Chi hội khuyến học là 10 và Ban khuyến học dòng họ là 22). Hằng năm, Ban chấp hành Hội đều tổ chức khen thưởng cho các cháu có thành tích xuất sắc và thi đỗ đại học, cao đẳng. Việc khen thưởng cho các cháu cũng góp phần không nhỏ trong việc khuyến khích các cháu nỗ lực đạt kết quả cao như vừa qua", bà Nguyễn Thị Trâm Anh cho biết.

Sự học ở làng khoa bảng bên dòng sông Mã - 4

Trường tiểu học Hoằng Quang - Ngôi trường được gia đình giáo sư Lê Viết Ly hỗ trợ hàng tỷ đồng để xây dựng (Ảnh; Thanh Tùng).

Cũng theo Chủ tịch Hội khuyến học xã Hoằng Quang, để duy trì được hoạt động khuyến học khuyến tài hiệu quả, hầu hết các Chi hội và Ban khuyến học dòng họ đều kêu gọi tự nguyện quyên góp quỹ khuyến học riêng. Tính trung bình các Chi hội đều có quỹ khuyến học từ 25-30 triệu đồng mỗi năm. 

Ngoài ra, cũng phải kể đến công lao từ những con em thành đạt của địa phương thường xuyên hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục địa phương. 

"Hằng năm xã luôn nhận được sự đóng góp to lớn của con em đã thành đạt đang làm ăn xa quê. Trong đó, đặc biệt là gia đình giáo sư Lê Viết Ly đã hỗ trợ hàng tỷ đồng để xây dựng Trường Tiểu học xã Hoằng Quang tại làng Nguyệt Viên. Ngoài ra, hàng năm gia đình cụ đều có nhiều suất học bổng trao tặng tới các em học sinh…", bà Nguyễn Thị Trâm Anh nói.