Sợ con bị "chụp hình, bêu tên" trong group, mẹ chuyển con sang trường tư

Hoài Nam

(Dân trí) - Chị Thu Quyên bị sốc khi cô giáo chủ nhiệm của con thản nhiên nêu tên những học sinh chưa đóng học phí hoặc vi phạm nội quy ngay trong group phụ huynh.

Group phụ huynh trở thành nơi phán xét học sinh 

Đến bây giờ, đã chuyển con sang một trường song ngữ được gần 3 năm, chị Thu Quyên, ở TP Thủ Đức, TPHCM vẫn không thể giải thích nổi về những trải nghiệm khó chịu khi con học trường công lập gần nhà. 

Chị oải nhất là cảnh cô giáo thường xuyên nhắn tin, gọi điện hoặc gặp mặt phụ huynh để "mắng vốn" con đủ kiểu. Mục đích của cô có thể là góp ý nhưng cách cô nói về trẻ lại chỉ toàn chê bai, phán xét. Đến nỗi mỗi khi đến đón con là chị Quyên tìm mọi cách né tránh cho khỏi đụng mặt cô giáo. 

Sợ con bị chụp hình, bêu tên trong group, mẹ chuyển con sang trường tư - 1

Học sinh chịu nhiều áp lực khi sĩ số lớp ở trường công lập quá đông (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Nhưng điều chị ám ảnh nhất là việc cô thường xuyên công khai nhắc tên học sinh trong group lớp với gần 50 phụ huynh lớp. Hàng tháng, cô đưa danh sách những em chưa đóng học phí gửi vào nhóm. Chưa hết, học sinh có vi phạm nội quy ở trường, cô giáo cũng nêu tên, chỉ đích danh rồi gửi hết vào đây.

Có lần, hai em học sinh trong lớp xảy ra mâu thuẫn khá nhạy cảm, cô cũng đưa vào group nói công khai để phụ huynh lưu ý. Không phải con mình nhưng chị Quyên rụng rời khi những chuyện rất tế nhị của trẻ, cô đều phơi bày ra trước mọi người. 

Chị Quyên không trả lời nổi câu hỏi: Giáo viên không biết cách ứng xử tối thiểu hay biết nhưng vẫn làm theo thói quen? Có người giải thích có thể cô giáo bận không có thời gian nhắn cho từng người nhưng chị Quyên không chấp nhận lý lẽ này. 

Ngày con chuyển trường, khi ấn nhút thoát ra khỏi nhóm, chị Quyên thở phào. Vì ít nhất, chị không còn phải chứng kiến cảnh những đứa trẻ bị gọi tên giữa đông người như vậy nữa. 

Chị Nguyễn Thu Hoa, ở Gò Vấp, TPHCM cũng có nhiều trải nghiệm đắng ngắt khi chứng kiến học sinh bị "bêu tên" trong nhiều hoàn cảnh. Chị đã không ít lần thấy cảnh thứ hai đầu tuần, nhà trường đọc công khai tên những em học sinh vi phạm giữa sân trường, trước hàng trăm học sinh. 

Hồi con học tiểu học, chị chứng kiến việc cô giáo chụp hình các em học sinh bị phạt đứng trên bảng rồi gửi vào group hoặc gọi công khai tên học sinh chưa đóng tiền vào nhóm. 

Chị muốn nói với cô, có gì cô nhắc riêng phụ huynh nhưng nghẹn ở cổ không thốt ra lời. Cũng như nhiều phụ huynh khác, chị làm lơ như không thấy. 

Sợ con bị chụp hình, bêu tên trong group, mẹ chuyển con sang trường tư - 2

Học sinh bị nhắc tên trong group vì chưa đóng khoản đóng góp tự nguyện "Nụ cười hồng" (Ảnh chụp lại màn hình).

Một lần khác, chị bật khóc khi con mình bị cô bêu tên trong nhóm vì mẹ chưa đóng tiền phong trào "Nụ cười hồng". Đây là hoạt động tự nguyện, vậy nhưng em nào chưa đóng đều  bị nhắc nhở, bị gọi tên công khai. 

Sau lần đó, chị bàn với chồng chuyển con qua trường tư thục. Ở đây, chi phí gấp gần 10 lần mức cũ, ở trường công. Hai con cũng phải đi học xa hơn, lực học của con giảm đi khi bớt ganh đua nhưng đổi lại, quyền riêng tư của con luôn được bảo vệ. 

Trường công xem trọng tính "đồng phục", trường tư xem trọng riêng tư? 

Chị N.T.Th., có con học THCS tại một trường điểm ở TPHCM chia sẻ, con chị và nhiều học sinh thường bị cô giáo gọi tên trong các cuộc họp phụ huynh khi điểm kiểm tra 7-8 điểm. Cô nhắc công khai, nói các em làm ảnh hưởng đến thành tích của lớp. Mỗi lần họp, chị rất áp lực khi cô giáo nhắc tên con, công khai điểm của con giữa lớp. 

"Có lần cô giáo gọi tên cháu giữa lớp và nói, bao nhiêu năm đi dạy, tôi chưa từng có học sinh nào có điểm số như vậy", chị T. thở dài.

Theo chị Th., ở trường công xem trọng tính "đồng phục", nghĩa là mọi học sinh phải giống nhau về cách nghĩ, về điểm số. Sau đó, chị quyết định chuyển con sang học trường tư, ở đây mọi thông tin của con là bảo mật, không bao giờ con bị lôi ra nói vì điểm số, thành tích. 

Con học ở trường song ngữ, chị Thu Quyên cho hay, lớp chỉ có group phụ huynh tự kết nối để giao lưu với nhau, giáo viên không tham gia. Mọi thông tin đều liên lạc qua app, nếu thông tin chung sẽ được gửi đến tất cả mọi người, còn thông tin cá nhân em nào thì chỉ phụ huynh em đó nhận được.

Mỗi học kỳ, giáo viên đều họp riêng với từng phụ huynh. Tất cả điểm số, mọi vấn đề của trẻ đều là vấn đề riêng tư của nhà trường và phụ huynh. 

Theo chị Quyên, phụ huynh bỏ tiền, thậm chí rất nhiều tiền để con theo học mô hình giáo dục nào đó tất nhiên đều có lý do của họ. Với chị, ở đó trẻ được tôn trọng, những vấn đề cá nhân được bảo mật. Các con cũng không phải chứng kiến việc các bạn bị công khai nhắc nhở những vấn đề tế nhị... đã đủ thuyết phục chị cho con theo học trường tư. 

Với ý kiến học ở trường tư học sinh được cưng chiều, giáo viên sợ phụ huynh, chị Quyên nêu quan điểm, không phải ở đâu cũng vậy, một môi trường giáo dục tốt thì nhà trường, giáo viên luôn có vị thế của mình. 

Còn nếu có, chị Quyên cho rằng mô hình nào cũng có mặt này mặt kia. Tùy quan điểm của gia đình, bố mẹ sẽ lựa chọn phù hợp. Bản thân chị quan điểm đứa trẻ thà được cưng chiều hơn là bị chèn ép, sợ sệt, kỳ thị. 

Con đi học bố mẹ luôn mang theo những nỗi lo, chị Quyên hiểu rằng môi trường giáo dục nào cũng không bằng giáo dục gia đình. Chứng kiến các cháu của mình suốt ngày phải đi học thêm, đến ngày lễ, Tết, bố mẹ lại bàn chuyện quà cáp cho thầy cô mà chị lại xót xa.

Theo Tổng cục thống kê, những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục và đào tạo vào nhóm cao trên thế giới. Người dân rất quan tâm đến tương lai giáo dục của con em nên sẵn sàng đầu tư cho giáo dục với mức chi ngày một tăng cao.

Đầu tư cho giáo dục đã trở thành vấn đề được quan tâm và là lĩnh vực đầy tiềm năng, thu hút nhiều nguồn lực cả trong nước và quốc tế. Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020, các hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập cao có xu hướng cho con học tại các trường dân lập, tư thục cao hơn nhiều các hộ thuộc nhóm thu nhập thấp (12,3% so với 1,3%).

Chi cho giáo dục, đào tạo bình quân 1 người đi học tại trường công lập hơn 6,1 triệu đồng/người/1 năm, thấp hơn nhiều so với trường dân lập (25,3 triệu đồng/người/1 năm) và tư thục (17,8 triệu đồng/người/1 năm).

Sợ con bị chụp hình, bêu tên trong group, mẹ chuyển con sang trường tư - 3

Chi tiêu cho giáo dục của gia đình Việt ngày càng tăng (Ảnh: Tổng cục thống kê).

Việc lựa chọn học trường tư của các bậc phụ huynh cho con em mình có nhiều nguyên nhân, trong đó Tổng cục thống kê chỉ ra nguyên nhân do tình trạng đăng ký hộ khẩu. Kết quả khảo sát cho thấy, nhóm dân số không có đăng ký hộ khẩu có tỷ lệ học tại các trường tư cao hơn so với nhóm dân số có đăng ký hộ khẩu (20,4% so với 4,4%). 

Tỷ lệ học tại các trường dân lập, tư thục ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (9,6% so với 2,1%). Điều này có thể do điều kiện kinh tế của hộ gia đình ở thành thị đang ngày càng tăng lên, phân hóa giàu nghèo rõ rệt. Do vậy, việc đầu tư vào hoạt động giáo dục của các thành viên trong gia đình ở khu vực thành thị cũng tăng lên đáng kể. 

Qua kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 cho thấy, đầu tư cho giáo dục ngày càng được chú trọng hơn qua các năm. Năm 2020, trung bình các hộ dân cư phải chi hơn 7,0 triệu đồng cho một thành viên đang đi học, tăng khoảng 7,0% so với năm 2018.

Ở thành thị, các hộ gia đình chi 10,7 triệu đồng cho một thành viên đi học, gấp 2,1 lần so với mức chi ở nông thôn; nhóm hộ có mức thu nhập cao nhất chi hơn 15,4 triệu đồng/người/12 tháng, tăng 4,7% so với năm 2018 và gấp 6,2 lần so với nhóm hộ có mức thu nhập thấp nhất (2,5 triệu đồng/người/12 tháng).