Sinh viên ngân hàng muốn nghỉ đại học để đi học nghề cắt tóc

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Ai cũng học đại học mà không học nghề thì lấy đâu ra thợ hồ, thợ mộc, thợ may, đầu bếp giỏi, lành nghề, thậm chí là nghệ nhân? Vậy nên, hãy đam mê và biết chịu trách nhiệm quyết định của chính mình.

Thấy hạnh phúc vì bị… đuổi học

Ngày 5/10, trên fanpage confession quy tụ sinh viên của một trường đại học ngành ngân hàng ở TPHCM đăng tải tâm sự của một sinh viên về việc bị đuổi học. Chỉ trong 2 ngày, tâm sự này đã được cả ngàn lượt bày tỏ cảm xúc và hơn 200 bình luận chia sẻ.

Theo sinh viên này, trong những năm học THPT, em đã bày tỏ với gia đình nguyện vọng được đi học nghề cắt tóc ở quê, không muốn học đại học. Nhưng lời thú nhận này bị gia đình phản đối kịch liệt. Gia đình cảm thấy mất mặt, sợ những lời dèm pha "nuôi con không ra gì, không ăn học đến nơi, đến chốn"…

Sau khi vào đại học theo ý muốn của cha mẹ, sinh viên này có tâm lý bỏ bê việc học, lén lấy học phí đại học để đóng tiền học nghề cắt tóc nên ngày 5/10 đã bị trường buộc thôi học.

"Đây là quyết định đúng từ nhà trường, không có gì oan uổng. Ngược lại, tôi còn thấy hạnh phúc vì từ năm lớp 12, tôi chẳng có hứng thú gì với các ngành nghề trong nhóm kinh tế", sinh viên này chia sẻ.

Sinh viên ngân hàng muốn nghỉ đại học để đi học nghề cắt tóc - 1

Những dòng tâm sự của một sinh viên ngành ngân hàng bị đuổi học (Ảnh chụp màn hình).

Những dòng tâm sự chân thật trên đã được rất nhiều sinh viên và cựu sinh viên chia sẻ. Nhiều bạn khuyên nên cố gắng học cho xong chương trình đại học để có cái bằng, rèn luyện tư duy rồi ra trường làm nghề nào tùy thích. Nhưng nhiều bạn ủng hộ nên nghỉ để theo đuổi đam mê, vì cố học ngành mình không thích vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền bạc.

Sinh viên có nick Huỳnh Hồ cho rằng: "Thử hỏi ai cũng học đại học mà không ai học nghề thì lấy đâu ra thợ hồ, thợ mộc, thợ may, đầu bếp cho mọi người? Khi bạn này đã quyết định con đường tương lai của chính mình thì người ngoài cuộc không nên dè bỉu mà phải tôn trọng, vì chính bạn sẽ chịu trách nhiệm cho quyết định của mình".

Sinh viên Bích Ngọc động viên: "Nếu đã chọn thì hãy cố gắng mà đi tới cùng, đã làm thì hãy sẵn sàng nhận. Bản thân mình thấy chẳng việc gì phải hao tốn sức cho việc mình không thích".

Sinh viên ngân hàng muốn nghỉ đại học để đi học nghề cắt tóc - 2

Theo tâm sự của sinh viên trên, em muốn học nghề cắt tóc chứ không thích các ngành kinh tế (Ảnh minh họa: Nam Thái).

Không ai hiểu các em bằng chính các em

Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm công tác tư vấn hướng nghiệp, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho biết, những trường hợp như sinh viên trên không phải hiếm.

Theo ông, những em nhận ra ngành học không phù hợp với sở thích, năng lực bản thân nên xem xét thay đổi ngành học, hoặc có thể thay đổi cấp bậc học, từ đại học xuống cao đẳng, trung cấp…

Bởi điều quan trọng nhất trong việc chọn nghề là sự phù hợp nghề. Có những em thích nghiên cứu, có em thích sáng tạo, có em lại có năng lực hành động, thích công việc tay chân...

Sau khi chọn được nghề phù hợp, dù nghề đó chỉ là bậc trung cấp hay cao đẳng thì cũng không phải vấn đề quan trọng. Vì trong quá trình hành nghề, các em vẫn có thể học tập nâng cao kỹ năng, kiến thức, bằng cấp bằng cách học liên thông lên bậc học cao hơn theo định hướng học tập suốt đời của ngành giáo dục - đào tạo.

"Nếu học ngành nghề không phù hợp, ra trường các em phải làm trái ngành, đúng ngành thì không thấy hạnh phúc, khó phát triển lại lãng phí 4 năm ăn học, bao nhiêu tiền của cha mẹ", ông Tuấn nhận xét.

Sinh viên ngân hàng muốn nghỉ đại học để đi học nghề cắt tóc - 3

Chuyên gia khuyên bạn trẻ nên chọn nghề phù hợp với năng lực, sở thích với bản thân để theo học.

Ông Trần Anh Tuấn khuyên các bạn trẻ phải nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ trước khi lựa chọn ngành nghề để theo học. Khi đã lựa chọn được nghề mình yêu thích, phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện kinh tế gia đình thì mạnh dạn, kiên trì đi theo con đường mà mình đã chọn.

Phó Chủ tịch Hội GDNN TPHCM cho rằng, sự thành công trong nghề nghiệp không phải là kiếm được nhiều tiền mà là mình cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi làm nghề đó, có thể làm nghề suốt đời, có kinh tế để nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội.

Ông cũng dành lời khuyên cho các bậc phụ huynh khi định hướng nghề nghiệp cho con: "Cha mẹ có thể dựa vào hiểu biết, kinh nghiệm của mình để tư vấn, định hướng, góp ý cho các em nhưng nên tôn trọng quyết định của các em. Bởi vì không ai hiểu hết năng lực, sở thích, nguyện vọng của các em bằng chính các em!".