Sĩ số lớp đông khiến học sinh Hà Nội bị hạn chế trong phát triển toàn diện
(Dân trí) - Sĩ số học sinh quá đông, thiếu giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy học bắt buộc 2 buổi/ngày, thiếu giáo viên môn đặc thù, cũng là một trong những khó khăn của thủ đô khi triển khai Chương trình GDPT mới.
Đó là báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trong chuyến kiểm tra tình hình dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT) và chuẩn bị triển khai chương trình đối với lớp 2, lớp 6 tại Hà Nội.
Sĩ số lớp học quá đông cản trở năng lực phát triển toàn diện của học sinh
Sau hơn 1 học kỳ triển khai chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Diệu nhận định, chất lượng dạy học lớp 1 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Học sinh cơ bản đã đọc, viết, tính toán tốt; tự chủ, tự tin hơn trong giao tiếp và tích cực tham gia hoạt động giáo dục cùng thầy cô.
Để chuẩn bị cho việc thực hiện CT GDPT mới đối với lớp 2, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, lên danh sách giáo viên dạy lớp 2 năm học 2021-2022 và ưu tiên đội ngũ này tham gia các khóa bồi dưỡng các cấp về chương trình, sách giáo khoa mới. Hiện, nhà trường đã tổ chức cho tổ chuyên môn đọc, nghiên cứu 3 bộ sách giáo khoa lớp 2 thuộc danh mục được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt để tổng hợp đề xuất lên phòng GDĐT, phục vụ việc lựa chọn sách giáo khoa của địa phương.
Cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết, giai đoạn đầu thầy và trò khá vất vả khi triển khai chương trình mới trong bối cảnh học sinh trước đó phải nghỉ học dài nên việc làm quen mặt chữ ở bậc mầm non bị hạn chế, vào lớp 1 lại không có tuần để làm quen nề nếp…
Tuy nhiên, với những ưu điểm của chương trình và sự nỗ lực của thầy cô, sự chỉ đạo - hỗ trợ kịp thời của các cấp quản lý, đến cuối học kì 1 kết quả học tập của học sinh khá tốt. "Các em học rất nhanh, hơn hẳn học sinh lớp 1 các năm trước về khả năng hiểu biết, năng lực đọc viết, tư duy toán tốt, năng động, tự tin…", nữ Hiệu trưởng nói.
Báo cáo tổng quan tình hình thực hiện CT GDPT 2018 của Hà Nội, bà Hoàng Thị Minh Hương, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GDĐT Hà Nội đánh giá: đến thời điểm này, lớp 1 thực hiện chương trình GDPT 2018 cơ bản đã thành công; nhà trường, phụ huynh đồng lòng thực hiện.
Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cũng cho biết, bên cạnh thuận lợi, thành phố cũng còn những khó khăn khi triển khai CT GDPT mới.
Nổi cộm trong đó là vấn đề sĩ số học sinh/lớp còn cao khiến việc quan tâm đến phát triển năng lực cho từng em bị hạn chế.
Việc thiếu giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy học bắt buộc 2 buổi/ngày, thiếu giáo viên môn đặc thù, cũng là một trong những khó khăn của thủ đô.
Quan trọng nhất vẫn là chất lượng
Qua kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả bước đầu triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 1 và chuẩn bị cho lớp 2, lớp 6 của ngành Giáo dục Hà Nội.
Công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng, chăm lo, quản lý điều hành, đầu tư cơ sở vật chất… được từ UBND các cấp đến ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm. "Qua dự giờ các lớp học, Bộ thấy rằng tinh thần đổi mới đã đến với từng giáo viên, học sinh; thầy cô vì học trò nên việc triển khai đã có hiệu quả rõ rệt", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Để triển khai hiệu quả tiếp CT GDPT 2018, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Hà Nội chú trọng thống nhất đổi mới từ nhận thức đến hành động. Đội ngũ từ cán bộ quản lý, hiệu trưởng, giáo viên phải nắm chắc chương trình từ quan điểm, mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Cả hệ thống chính trị, cán bộ quản lý cần cùng vào cuộc đồng bộ chứ không phải chỉ có giáo viên tiếp cận đổi mới chương trình.
"Xây dựng đội ngũ giáo viên là việc rất quan trọng khi triển khai các chương trình giáo dục nhà trường, chương trình, sách giáo khoa mới, bởi lẽ đây là những người sẽ trực tiếp quyết định chất lượng giáo dục như thế nào. Đội ngũ giáo viên cần đảm bảo được 3 yêu cầu về: số lượng, cơ cấu, chất lượng - trong đó quan trọng nhất là chất lượng", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Thứ trưởng cũng đề nghị Hà Nội tăng cường tập huấn, bồi dưỡng để có đội ngũ thầy cô vững chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết trách nhiệm với nghề. Các nhà trường cần chuẩn bị tâm thể sẵn sàng đổi mới cho giáo viên, tạo động lực để thầy cô phát huy năng lực sáng tạo trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, như vấn đề thiếu giáo viên, sĩ số học sinh đồng… Bộ GDĐT đề nghị thành phố quan tâm tháo gỡ để việc thực hiện chương trình mới được thuận lợi, hiệu quả hơn nữa.