Sáng mai, Bộ trưởng GD-ĐT sẽ trả lời 4 nhóm vấn đề nóng trước Quốc hội

M. Hà

(Dân trí) - Ngày mai 11/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn sẽ báo cáo và trả lời chất vấn tại Quốc hội 4 nhóm vấn đề nóng.

Cụ thể, dự kiến 4 nhóm vấn đề được Bộ trưởng "đăng đàn" trả lời gồm:

Việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19.

Công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.

Việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Giảm tải chương trình học cho học sinh ra sao; công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học .

Trước đó vào ngày 9/11, ở phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) bày tỏ sự lo ngại khi việc học trực tuyến kéo dài dẫn đến chất lượng dạy và học chưa được đảm bảo. Nhiều học sinh khó tiếp cận việc học do thiếu trang thiết bị học trực tuyến.

Sáng mai, Bộ trưởng GD-ĐT sẽ trả lời 4 nhóm vấn đề nóng trước Quốc hội - 1

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn.

"Việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy và người học khi phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu và không vận động trong thời gian dài, học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng khi bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè", đại biểu Hà nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên đã phải nỗ lực nhiều để đảm bảo chương trình học tập, nhất là đối với những địa phương đến nay vẫn phải kéo dài việc dạy học trực tuyến.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp cho hay, qua các cuộc làm việc của Ủy ban Văn hóa Giáo dục với Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh cho thấy, dù ngành giáo dục ở các địa phương cố gắng rất nhiều nhưng chất lượng giáo dục là khó bảo đảm.

Theo đó, đại biểu Hoa đề nghị cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập khôi phục hoạt động, nghiên cứu chính sách tiền lương hợp lý cho nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non.

Riêng phiên thảo luận tại Quốc hội vào chiều 8/11, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nhận định Bộ Giáo dục và Đào tạo còn chậm trễ, lúng túng, thiếu tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch, dù dịch Covid-19 đã kéo dài 2 năm.

"Đến ngày 4/8/2021 khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 ban hành kèm theo Quyết định số 2551 của bộ vẫn hệt như mọi năm, không có một dòng nào đề cập đến các biện pháp ứng phó với dịch để bảo đảm triển khai thực hiện được linh hoạt, hiệu quả và an toàn", đại biểu Thúy nói. 

Sáng mai, Bộ trưởng GD-ĐT sẽ trả lời 4 nhóm vấn đề nóng trước Quốc hội - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng thảo luận tại nghị trường.

Đại biểu Thúy cũng dẫn chứng gần đây việc tinh giản nội dung dạy học mới được tiến hành. Hơn nữa suốt 2 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa đánh giá khả năng thực hiện dạy học trực tuyến ở các địa phương, chưa có biện pháp vận động, hỗ trợ phương tiện dạy và học trực tuyến cho những vùng và những đối tượng gặp khó khăn.

"Đây là những hạn chế cần được rút kinh nghiệm ngay và khắc phục sớm" đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị.

Báo cáo một số nội dung liên quan đến vấn đề giáo dục gửi tới các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành Giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo chất lượng dạy và học, cũng như việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dự kiến còn có thể kéo dài, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở các lĩnh vực: Mầm non, giáo dục phổ thông và đại học.