Sách giáo khoa của sự... ngây thơ

Lịch sử & Địa lý 4 là cuốn sách lịch sử đầu tiên mà mỗi học sinh bắt đầu tiếp cận với bộ môn này. Sẽ ra sao khi ngay trong cái buổi chập chững ấy, những nhà biên soạn SGK cho con cháu chúng ta "ăn" những món ăn vừa khó nuốt bởi sự nhập nhằng...

...vừa khó nhai bởi quá nhiều sạn và khó tiêu hoá bởi chất "dinh dưỡng" trong đó đầy rẫy những sai lầm?

 

1. Trang 17 của SGK 4 đặt tiêu đề Hơn một nghìn năm đấu tranh giành lại độc lập trong khi thời gian thực sự là 1.117 năm (179tr.CN-938). Chữ hơn ở đây tự nó đã sai bởi vì ai cũng biết hơn một ngàn nhất thiết phải ít hơn 1.100 - chính xác là nhỏ hơn 1.050!

 

Đọc tr.12 thì không hiểu nổi khi nói rằng người Việt biết nấu xôi (còn cơm?), nấu rượu, làm mắm trong khi ở câu trên, lúa, khoai, đỗ... không hề có thứ gì có thể tạo ra mắm! Còn rượu thì, phải hiểu thế nào đây? Chẳng lẽ một trong những bài học đầu tiên của tuổi ấu thơ nhất định là/ chắc chắn là... rượu?

 

Tr.13 cho rằng thành tựu đầu tiên của nghề đúc đồng là làm ra giáo mác, mũi tên. Chẳng lẽ cha ông ta hiếu chiến vậy sao?

 

Tr.18 lại viết rằng một trong ba thành tựu lớn nhất mà dân ta tiếp thu được từ phương Bắc là làm đồ trang sức bằng vàng, bạc. Học như thế chắc học sinh nào cũng nghĩ đất nước ta được dát toàn vàng (!).

 

2. Đọc cuốn SGK này, người đọc phải có can đảm bỏ quên logic lịch sử.

Tr.34 viết rằng, nhà Tống xâm lược nước ta là để giải quyết khó khăn trong nước và gây thanh thế. Có nghĩa là nước ta chẳng có một mảy may giá trị nào!

 

Ở tr.38 có một câu hỏi không ai hiểu nổi: Em có nhận xét gì về quan hệ giữa vua với quan, vua với dân dưới thời nhà Trần?

 

Trước đó SGK không hề cho biết quan hệ vua - dân ra sao và khẳng định thật oan ức rằng vua và các quan cùng nắm tay nhau, hát ca vui vẻ. Đó là điều mà các nhà huyền sử hay nói và cũng là cảnh thường thấy ở nhà trẻ, tuy không có... vua!

 

3. Kiến thức địa lý khi trình bày lịch sử của các "nhà" viết sử cho SGK gần như bằng không. Bài 16 cho rằng quân kỵ của Liễu Thăng bì bõm vượt qua đồng lầy (tr.45) rồi phục binh ta từ hai bên sườn núi và lòng khe, nhất tề xông ra... Hình như SGK không biết thế nào là ải, còn quân giặc thì "dốt nát" đến mức không biết chỗ khe, ải không có đầm lầy. Có lẽ Bộ Giáo dục phải mở một tour du khảo cho SGK lên thăm ải Chi Lăng chăng?

 

Bài 22 - Cuộc khẩn hoang Đàng trong, Tr.56, viết như thế này: Những người khẩn hoang được cấp lương thực trong nửa năm cùng một số nông cụ, rồi chia thành từng đoàn... Đoàn người khai hoang cứ dần dần tiến vào Nam. Từ Phú Yên, Khánh Hoà đến Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đoàn người cứ tiếp tục tiến sâu vào vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

Thử hỏi với cách viết như thế thì ai mà hiểu được? Mấy đoàn người, bao nhiêu thế hệ? Công việc của cha ông ta trong suốt 500 năm lịch sử mà SGK chỉ quy lại có một đoàn người, và đoàn đó cứ khai hoang rồi bỏ đó, rồi đi khắp cả miền Nam!

 

Số lỗi về câu, chữ trong 29 bài sử của cuốn sách này nhiều hơn cả các đề mục của nó. Xin dẫn thêm ra đây một số thí dụ. Tr.22, Quân Nam Hán chết đến quá nửa... Tr.28, quân Tống ồ ạt kéo vào nước ta... Tr.45, pháo hiệu nổ vang như sấm dậy. Tr.59, Nguyễn Huệ tiến như vũ bão... Tr.42, Vua quan ăn chơi sa đoạ...

 

Học những điều trên, có lẽ học sinh sẽ rút ra những "bài học" lịch sử sau đây: Cứ quân giặc là nhất định phải chết hơn một nửa; và đã giặc là ồ ạt, còn ta bao giờ cũng là vũ bão; dù chỉ một cái pháo lệnh cũng phải thành sấm dậy; đã là vua quan bao giờ cũng ăn chơi sa đoạ, xa xỉ;...

 

Những đứa trẻ lớp 4 "được" học những bài đầu tiên về lịch sử của cha ông nhưng SGK đã biến chúng thành những cái máy hát thế hệ thứ nhất của đơn điệu và sai lầm.

 

 

Hà Văn Thịnh - Đại học Khoa học Huế

Theo Lao Động