Quản lý công nghiệp, nghề của những người yêu thích khởi nghiệp

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Công việc của nhà quản lý công nghiệp là quản lý quy trình sản xuất, hoạt động kinh doanh nên khi rành nghề, họ có nhiều kiến thức và kỹ năng để lập doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cho riêng mình.

Nghề giao thoa giữa kinh tế và kỹ thuật

Theo thạc sĩ Đinh Quốc Anh - Trưởng khoa Khoa học xã hội và quản lý công nghiệp Cao đẳng Kinh tế TPHCM, ngành quản lý công nghiệp có sự giao thoa mật thiết giữa 2 lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật. Người học ngành này được cung cấp nền tảng kiến thức bao quát, có khả năng quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực (sản xuất, nhân sự, bán hàng...).

Quản lý công nghiệp, nghề của những người yêu thích khởi nghiệp - 1

Ngành quản lý công nghiệp đang thu hút rất nhiều bạn trẻ theo học (Ảnh: Tùng Nguyên).

Cụ thể, sinh viên quản lý công nghiệp được học nhiều kiến thức kinh tế và sản xuất như marketing, thương mại điện tử, nghiệp vụ kế toán, quy luật cung cầu và sự hình thành giá cả trên thị trường, phương pháp kiểm soát chất lượng, xây dựng kế hoạch bán hàng, quản trị hàng hóa, lập lịch trình sản xuất, quản trị nguồn nhân lực, kiểm soát bán hàng, phân tích kết cấu chi phí…

Thậm chí, sinh viên ngành này còn được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp kỹ thuật như vẽ bản vẽ kỹ thuật bằng máy tính, thiết kế các mạch ứng dụng thủy lực và khí nén trong sản xuất; am hiểu các vật liệu gia công sản xuất; quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị nhà xưởng; biết các kỹ năng nghề như dũa, khoan, cưa, cắt ren; biết dùng các máy tiện, phay, khoan…

Ngoài các kiến thức và kỹ năng chuyên môn, sinh viên ngành quản lý công nghiệp còn được đào tạo nhiều kỹ năng mềm dành cho các nhà quản trị như khả năng phân tích, tổng hợp và xử lý vấn đề một cách logic; kỹ năng giao tiếp trong môi trường kinh doanh; kỹ năng làm việc nhóm và quản lý nhóm hiệu quả; phong cách làm việc chuyên nghiệp…

Thạc sĩ Đinh Quốc Anh cho rằng, quản lý công nghiệp là ngành học khá mới mẻ, nghe tên rất lạ nhưng thực tế là một ngành học tổng quát, khi ra trường có thể tham gia làm việc ở nhiều bộ phận, tổ chức của công ty, doanh nghiệp với nhiều vị trí quan trọng.

Những vị trí việc làm họ thường nắm giữ là quản lý kho; quản lý chất lượng; quản lý kế hoạch sản xuất; quản lý/phụ trách sản xuất; chuyên viên hành chính nhân sự; quản lý bán hàng; quản lý cửa hàng, siêu thị...

Nhiều thuận lợi để khởi nghiệp

Theo thạc sĩ Đinh Quốc Anh, trong chương trình đào tạo có rất nhiều môn giáo dục nghề nghiệp bắt buộc thuộc nhóm kỹ thuật nên sinh viên học ngành này ở hệ cao đẳng có nhiều lợi thế hơn hệ đại học. Bởi những môn này đòi hỏi khả năng thực hành cao nên chương trình đào tạo ở hệ cao đẳng với 50% thời lượng thực hành sẽ có ưu thế.

Ngoài ra, những nhóm ngành giáo dục nghề nghiệp được sự hỗ trợ của nhà nước nên chi phí học tập cũng khá rẻ so với hệ đại học. Thạc sĩ Đinh Quốc Anh cho hay: "Tại Cao đẳng Kinh tế TPHCM, sinh viên học ngành này được đào tạo trong 2,5 năm với 87 tín chỉ, học phí mỗi tín chỉ là 260.000 đồng".

Về cơ hội nghề nghiệp, kiến thức của sinh viên ngành này khá rộng, có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc trong cả ngành sản xuất lẫn thương mại, dịch vụ nên dễ kiếm việc làm hơn so với các ngành khác.

Về mức thu nhập, Trưởng khoa Khoa học xã hội và quản lý công nghiệp Cao đẳng Kinh tế TPHCM nhận định, thu nhập phụ thuộc rất nhiều vào khả năng làm việc của từng cá nhân, người nào nổi trội hơn đồng nghiệp cùng nghề thì luôn có thu nhập tốt hơn.

Thu nhập cũng còn tùy vào vị trí công việc chuyên môn, nhưng nhìn chung thì mức lương của sinh viên mới ra trường dao động từ 8 triệu đến 10 triệu đồng/tháng; riêng đối với các sinh viên có khả năng ngoại ngữ thì mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.

Điều quan trọng nhất là người học ngành này hầu hết đều làm công việc quản lý, nắm được quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý nhân sự, tài chính… của doanh nghiệp nên kiến thức chuyên môn của họ rất phù hợp để khởi nghiệp, tạo lập cơ sở kinh doanh riêng cho bản thân khi đã rành nghề.

Theo thạc sĩ Đinh Quốc Anh, mục tiêu đào tạo của ngành quản lý công nghiệp là cung ứng những nhân sự có khả năng quản trị hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

Các kiến thức tổng quát được dạy trong ngành này là điều kiện cần thiết cho các nhà lãnh đạo và mục tiêu hướng đến của các nhà quản lý công nghiệp là trở thành người lãnh đạo.

Do đó, con đường phát triển thành nhà quản lý, chủ doanh nghiệp của người học ngành quản lý công nghiệp càng thuận lợi hơn những người phát triển từ các ngành nghề khác.

Quản lý công nghiệp, nghề của những người yêu thích khởi nghiệp - 2

5 tố chất cần thiết để học ngành quản lý công nghiệp (Ảnh: Tùng Nguyên).