Bạn đọc viết:

Phổ cập giáo dục THPT, mơ ước bao giờ trở thành hiện thực?

Nguyễn Thị Loan

(Dân trí) - Sẽ ra sao nếu con thi trượt lớp 10? Cha mẹ bi quan chán nản, chì chiết, mắng mỏ thì con suy sụp, thất vọng thậm chí tuyệt vọng, nghĩ quẩn, tự tử.

Khi tôi chia sẻ bài viết "Kiểu gì mẹ cũng nuôi con học hết cấp 3, không trường công thì trường nghề " vào nhóm Đồng hành cùng học sinh giỏi tiếng Anh Hà Nội (nhóm có hơn 120 nghìn thành viên), thật bất ngờ khi phụ huynh bình luận và đồng cảm rất nhiều.

Phổ cập giáo dục THPT, mơ ước bao giờ trở thành hiện thực? - 1

Bố mẹ luôn sốt ruột thúc ép các con học thêm càng nhiều càng tốt!

Tâm tư nhất là một số phụ huynh, con mới học lớp 6 đã "run" từ bây giờ. Không ít câu hỏi mà phụ huynh trăn trở: Tại sao thành phố Hà Nội chưa có chính sách quyết liệt với giáo dục như mở thêm trường công, tuyển thêm giáo viên để dần giảm bớt áp lực thi cử cho các con.

Ngay như mẹ tôi 73 tuổi ở quê, cũng có những thắc mắc rất thời sự: "Tại sao không phổ cập giáo dục hết cấp 3, chỉ cần thi xét tuyển vào trường chuyên lớp chọn, chứ các cháu học thêm tối ngày để lo thi cử vất vả quá. Vì cấp 1 lên cấp 2 trường công, chỉ cần nộp học bạ, trường xếp lớp theo học lực của các con, thì lên cấp 3 sao không áp dụng luôn như thế?" Tôi chỉ trả lời mẹ qua loa ậm ờ vì chính sách như thế, biết làm sao được!

Có một vấn đề mà ai cũng nhìn nhận thấy bất cập, khi thành phố càng ngày càng đông nghẹt dân số, chung cư mọc lên như nấm sau mưa thì quy hoạch trường lớp vẫn không có sự thay đổi nhiều. Mỗi năm, chỉ tiêu các trường chỉ tăng thêm mấy chục học sinh chẳng thấm tháp gì với lượng thí sinh thi vào lớp 10.

Trường công lập mà con tôi đăng ký nguyện vọng 1, được xem là may mắn khi năm nay được duyệt tăng thêm chỉ tiêu một lớp. Vào những năm đẹp, bố mẹ chọn sinh con thì năm ấy, thi cử càng thêm căng thẳng vì lượng thí sinh tăng cao.

Chúng tôi thuộc thế hệ 8X, ngày xưa thi vào cấp 3 không có gì khó khăn. Hầu hết các bạn thi vào cấp 3 đều đỗ, chỉ là xếp lớp theo mức điểm thi. Điểm cao vào lớp chọn, điểm thấp vào lớp thường.

Ngày ấy, chúng tôi đi thi cứ tự mình đạp xe tới địa điểm thi, bố mẹ vẫn bận rộn đồng ruộng, chăn nuôi, buôn bán. Chỉ có một số ít phụ huynh đưa đón con thi cử. Chỉ có cuộc đua thi vào các trường đại học, cao đẳng mới thực sự là mối quan tâm của gia đình.

Khi 18 tuổi, chúng tôi phải lựa chọn con đường cho tương lai, học đại học hoặc trường nghề. Có bạn đạt được ước mơ, thành công trên con đường học vấn. Hoặc như tôi, thi trượt thất bại và ám ảnh đến hàng chục năm sau, mỗi mùa thi về, vẫn mơ mình thi trượt và tỉnh dậy bàng hoàng, buồn bã.

Bây giờ, các con phải đối mặt với kì thi khốc liệt hơn cả kì thi đại học từ tuổi 15, cái tuổi mộng mơ, vô tư đâu còn nữa. Nhiều con phải miệt mài học thêm 3 môn văn -toán - ngoại ngữ ngay từ lớp 6, nghỉ hè 2 tháng đúng nghĩa trở thành khái niệm xa lạ.

Bố mẹ luôn sốt ruột thúc ép các con học thêm càng nhiều càng tốt. Chúng ta hẳn không thấy xa lạ khi con mình có thể giỏi sách vở nhưng ngơ ngác với đời sống thực tế, giao tiếp kém cỏi, nấu ăn vụng về hoặc không bao giờ đụng tay vào việc nhà.

Học thêm trở thành đương nhiên, nhiều phụ huynh truyền nhau thầy cô nào giỏi, mát tay luyện thi để con đăng ký sớm. Thậm chí, nhiều cha mẹ chấp nhận cảnh con quay cuồng học chính, học thêm tối ngày, học thầy cô dạy chính ở lớp vì lo con không học sẽ bị trù dập, học thêm những thầy cô mà con thích. Khi con học lớp 9, cha mẹ chỉ còn biết cố gắng hết sức đưa đón con, bồi dưỡng con ăn uống, thậm chí hạn chế hết mức việc mắng mỏ, nặng lời với con.

Sự đắm đuối vì con thi vào 10, cuộc vượt vũ môn đầy căng thẳng, áp lực! Tôi từng đùa với bạn bè: Ngày con thi tuyển vào lớp 10, các cụ cũng phải đồng hành cùng con cháu. Phần đông phụ huynh (nếu không muốn nói là tất cả) đều mua hoa quả thắp hương khấn vái kêu cầu các cụ phù hộ độ trì cho cháu thi đỗ.

Có những gia đình cẩn thận chu đáo đến mức ra chùa thắp hương, gọi điện về quê để ông bà thắp hương khấn các cụ, gia đình mình thắp hương thành tâm kêu cầu!  

Sẽ ra sao nếu con thi trượt lớp 10? Cha mẹ bi quan chán nản, chì chiết, mắng mỏ thì con suy sụp, thất vọng thậm chí tuyệt vọng, nghĩ quẩn, tự tử.

Những bi kịch sau thi cử gióng lên hồi chuông cấp thiết và tôi thiết tha mong chờ một sự vào cuộc quyết liệt, thay đổi chính sách giáo dục để các con thực sự cảm thấy, mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Bạn đọc Nguyễn Thị Loan