Kiểu gì mẹ cũng nuôi con học hết cấp 3, không trường công thì trường nghề

Nguyễn Thị Loan

(Dân trí) - Con tôi, một đứa trẻ sinh năm 2007, vừa trải qua kì thi khốc liệt tuyển sinh vào lớp 10 thành phố Hà Nội.

Tôi đã đi qua biết bao cung bậc cảm xúc trong suốt năm học lớp 9 của con, trong những tháng ngày con miệt mài ôn thi, những ngày các con gồng mình hết sức để hoàn thành kì thi vượt cấp.

Kiểu gì mẹ cũng nuôi con học hết cấp 3, không trường công thì trường nghề - 1

Thí sinh thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Để đánh giá sức học của con, tôi từng theo dõi sát sao quá trình con học tập. Quên làm sao được, những ngày con học online chểnh mảng và đối phó. Tôi thương con mình và cả các bạn học sinh cùng lớp con. Chúng đang tuổi ăn học, vui chơi, bạn bè thì bỗng chốc phải học online trong bốn bức tường nhà, giao tiếp với thầy cô và bạn bè qua màn hình máy tính, điện thoại.

Suốt cả mấy tháng, con và bạn bè không được gặp nhau. Nhu cầu giao tiếp thiết yếu và quan trọng phải dẹp sang một bên để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid -19.

Những đứa trẻ thực sự khủng hoảng, chúng học tập với gương mặt đờ đẫn và mệt mỏi, thầy cô miệt mài giảng, học trò học chiếu lệ và tranh thủ chát chít với nhau. Tôi đã rất mong ước ngày các con được đến trường học trực tiếp, ôn luyện trực tiếp với thầy cô và các bạn! May mắn, đầu tháng 4, các con được đến trường.

Các con rỗng kiến thức là có thật! Các thầy cô phối hợp cùng phụ huynh quản lý, giám sát, động viên và nhắc nhở con ôn thi thật tốt. Tôi luôn nói với con mình rằng, các con buộc phải đối mặt với kì thi vào lớp 10 đầy thử thách và nếu con không cố gắng mỗi ngày thì làm sao có kết quả thi tốt? Mẹ chỉ ví dụ đơn giản nhất với con: Để nấu một bữa ăn ngon, hợp khẩu vị của các con thì mẹ phải đi chợ sớm, lựa chọn thực phẩm tươi ngon, chế biến kịp thời và đặt tâm huyết vào căn bếp thì mới có mâm cơm hấp dẫn.

Nếu mẹ cứ mải mê ngồi nhà lướt Facebook, đến chiều tối mới ra chợ, vừa nấu ăn vừa đọc báo mạng thì cơm nước chắn chắn không ngon. Cũng như việc học của con, con phải đặt tâm trí vào bài vở, phải cố gắng mỗi ngày thì kì thi đến sẽ bớt đi áp lực. Chăm học, con sẽ bình tĩnh và tự tin khi bước vào phòng thi.

Tôi sốt ruột khi thấy các con học hành lơ là, chểnh mảng, điểm kiểm tra thấp lẹt đẹt. Không thể yên lòng, tôi đã đến lớp con vào giờ ra chơi giữa hai tiết văn, trò chuyện cùng các con 5-7 phút, tặng lớp các con mấy cuốn sách truyền nghị lực vượt qua khó khăn để học tập tốt. Món quà nhỏ tặng các bạn nữ trong lớp là dây buộc tóc màu đỏ. Các bạn ấy đón nhận quà tôi gửi một cách vui vẻ, hào hứng.

Là một người mẹ, tôi cũng giống như biết bao phụ huynh khác, sốt ruột, lo lắng, đứng ngồi không yên khi chứng kiến quá trình học tập và thi cử của con mình. Con tôi đấu tranh quyết liệt với việc mẹ quản lý giám sát giờ giấc con dùng máy tính.

Con lý luận: Giờ thời buổi 4.0, con và các bạn phải học trên máy tính mới làm được bài. Tôi đã theo dõi con học suốt 10 ngày, cả buổi tối chỉ có vài chữ viết trên giấy, các bạn ấy nói là học nhóm nhưng đua nhau chém gió, cười nói ha hả với nhau.

Khi điểm báo về thấp thảm hại, tôi đã nghiêm khắc với con không cho phép con dùng máy tính tràn lan như trước. Con chỉ được phép mỗi ngày dùng 1-2 tiếng, thỉnh thoảng cuối tuần được chơi game giải trí.

Tôi vẫn giao việc nhà cho con là đổ rác và rửa bát buổi tối, thậm chí khi thấy con có vẻ nhàn quá, tôi giao cho con nấu cơm, mẹ đi thể dục. Chỉ đến khi con thi xong học kì 2, bước vào ôn luyện 3 môn thi vào 10, con mới được giảm việc nhà.

Ngày con đăng ký nguyện vọng thi vào 10, tôi nghiên cứu phổ điểm năm ngoái, chỉ nửa tiếng lựa chọn nguyện vọng rất nhanh: Nguyện vọng 1 là trường cấp 3 gần nhà, nguyện vọng 2,3 là hai trường cấp 3 trên Sóc Sơn có điểm cách xa nguyện vọng 1 từ 3-5 điểm. Nghĩa là tôi đưa ra những lựa chọn an toàn nhất, đảm bảo việc con đủ điểm đỗ cấp 3.

Tôi trao đổi rất thẳng thắn với con rằng, nếu khả năng xấu nhất con không đủ điểm đỗ cấp 3 công lập, bố mẹ sẽ cho con đi học trường nghề gần nhà. Chỉ cần con xác định hãy tập trung học và thi hết sức mình, còn bất cứ tình huống nào xảy ra, bố mẹ cũng sẽ lo cho con học hết cấp 3.

Con thi xong, tôi thở phào nhẹ nhõm. Con tôi lực học khá, con thi đúng với năng lực bản thân. Kết quả ra sao vẫn phải chờ đến ngày Sở giáo dục Hà Nội công bố điểm chuẩn các trường. Tâm trạng tôi thoải mái vì con đã cố gắng hết sức.

Con đã rủ bạn bè đi xem phim, đi chơi một cách vui vẻ!

Thỉnh thoảng như chợt nhớ ra, con hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, nếu con không đỗ cấp 3 thì sao hả mẹ?

- Yên tâm, kiểu gì bố mẹ cũng nuôi con ăn học hết cấp 3, không trường công thì trường dân lập hoặc trường nghề!