Quảng Nam:

Nức lòng với cậu bé xương thủy tinh đạt 27,75 điểm khối A

(Dân trí) - Bị khuyết tật từ nhỏ, cậu bé xương thủy tinh Nguyễn Trọng Tín vẫn vượt khó học giỏi. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, điểm thi 3 môn khối A của Tín đạt 27,75 điểm, trong đó Toán 8,75, Lý 9,5 và Hóa 9,5.

Mấy hôm nay, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Hoàng và bà Võ Thị Thìn ở thôn Phú Mỹ (xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đón nhiều người hàng xóm, bạn bè và thầy cô đến chúc mừng hai vợ chồng khi hay tin cháu Nguyễn Trung Tín đạt điểm cao trong kỳ thi vừa qua.

dsc-0072-2d23d

Cậu bé xương thủy tinh Nguyễn Trọng Tín học giỏi, đạt 27,75 điểm khối A.

Hỏi đường đến nhà, ai cũng biết cậu bé Tín học giỏi nhưng bị khuyết tật từ nhỏ và tận tình chỉ đường. Gặp Tín ở nhà, hỏi bố có nhà không, Tín bảo bố đi làm, chỉ có mẹ ở nhà. Bà Thìn đang tay thoăn thoắt vừa tráng bánh tráng (bánh đa) vừa trò chuyện với PV.

Bà kể, gia đình có 2 đứa con, anh của Tín đang học một trường Cao đẳng ở Đà Nẵng. Để có tiền cho con ăn học, hai vợ chồng bà Thìn phải bươn chải đủ nghề, ai kêu gì làm nấy. Chồng thì đang đi làm thợ hồ, còn bà thì mỗi ngày phải tráng bánh tráng đem bỏ mối. Một ngày phải tráng hết 10kg gạo mới đủ bán cho khách.

Kinh tế gia đình khó khăn lại gặp khó hơn khi mới sinh được vài tháng tuổi, gia đình phát hiện Tín bị bệnh xương thủy tinh, gia đình phải vay mượn khắp nơi để chạy chữa cho Tín nhưng căn bệnh quái ác không thể chữa được.

dsc-0079-31937
Công việc hàng ngày của bà Võ Thị Thìn – mẹ của Tín – là tráng bánh tráng đi bỏ cho khách hàng

“Lúc nhỏ, cháu nó cứ bị gãy chân, gãy tay suốt. Mỗi lần cháu bị nạn, hai vợ chồng phải bồng bế cháu xuống Tam Kỳ bó bột. Khổ trăm bề, giờ chân tay cháu không được lành lặn như người ta, đi đứng cũng khó khăn, muốn đi đâu cũng phải chở...”, ngồi bên lò tráng bánh nóng hầm hập, bà Thìn quệt mồ hôi trên trán kể.

Đến tuổi đi học, thấy bạn bè trang lứa đến trường gia đình cũng cố cho cháu đi học. Nhưng để đến trường, bố mẹ phải thay nhau cõng hay chở đi chở về hàng ngày. Cứ như thế, suốt 12 năm học, khi thì bố phải cõng, khi thì chở bằng xe đạp thế mà cậu bé xương thủy tinh vẫn đứng đầu lớp.

Căn bệnh xương thủy tinh cũng không làm Tín chùn bước. Mỗi lần bị nạn, lại phải đi băng bột nhưng không vì thế mà việc học hành của Tín bị ảnh hưởng. Bằng chứng là trong 12 năm học phổ thông, Tín đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen và học bổng của trường và các tổ chức, đoàn thể trao tặng vì nổ lực vượt khó. Riêng năm học lớp 12 ở trường THPT Trần Văn Dư vừa qua, tổng kết điểm Toán của Tín trên 9 phẩy, cao nhất toàn trường khiến mọi người đều nể phục.

Bà Thìn kể, năm Tín học lớp 8, một tổ chức quốc tế đã đưa Tín đi Hàn Quốc chữa bệnh suốt ba tháng, từ đó căn bệnh xương thủy tinh của Tín mới tạm yên để cháu học hành. “Thấy cháu ham học nên vợ chồng tôi cũng vui lắm nhưng cũng lo lắm bởi không biết với bệnh tật của cháu thì sau này sẽ như thế nào. Dù sao vợ chồng tôi cũng cố gắng lo cho cháu học đến nơi đến chốn dù có khó khăn đến đâu”, bà Thìn tâm sự.

Trong căn nhà cấp bốn phía trước là quán bán hàng và lò tráng bánh, bên trong một căn phòng sạch sẽ nhất được vợ chồng bà Thìn bố trí cho Tín để tiện việc học hành. “Còn vợ chồng tôi thì ngủ đâu cũng được, miễn cháu có chỗ học và ngủ cho đàng hoàn là được”, bà Thìn nói.

Chúng tôi trò chuyện với Tín nhưng em rất ít lời. Tín bảo không thích kể lể về mình. Hỏi về ước mơ khi biết tin điểm thi của mình cao. Tín cho biết, em chọn trường ĐH Bách khoa TPHCM ngành Khoa học máy tính vì đây là ngành thích học và phù hợp với mình. Tín đã nộp hồ sơ vào trường và chờ kết quả.

Để chuẩn bị hành trang cho con vào ĐH, bà Thìn cho hay vợ chồng đã tính toán một người ở quê, một người vào TPHCM vừa làm vừa nuôi con. “Hoàn cảnh bắt buộc vậy chứ biết làm sao. Thôi thì vợ chồng tôi đành phải hy sinh để cho cháu được học hành. Có vất vả mấy cũng phải lo cho cháu thôi”, bà Thìn tâm sự.

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Võ Quang Tư - giáo viên chủ nhiệm lớp Tín - không khỏi tự hào khi một cậu học trò giỏi của mình lại có hoàn cảnh rất đặc biệt. Thầy Tư nói: “Tín là một học sinh giỏi và ngoan. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật nhưng em đã rất nỗ lực để vượt qua. Ngoài ra, Tín được bạn bè quý mến khi sẵn sàng giúp đỡ bạn cùng học tập. Tôi cũng như nhà trường rất tự hào về Tín”.

Công Bính

(congbinh@dantri.com.vn)