Bến Tre:

Nở rộ phong trào khuyến học

(Dân trí) - Dân xã Lương Quới (huyện Giồng Trôm) chủ yếu làm nghề nông nhưng nhiều gia đình có từ 3 đến 7 con tốt nghiệp đại học. Xã Hương Mỹ (huyện Mỏ Cày) thành công với mô hình cho học sinh, sinh viên vay vốn đi học…

Những kì tích "đáng nể" này đã là động lực làm nở rộ phong trào khuyến học tại tỉnh Bến Tre.

Từ những ý tưởng...

"Hoạt động khuyến học của chúng tôi bắt nguồn từ chính tình yêu trường, yêu lớp, yêu quê hương, bạn bè" - bà Nguyễn Thu Nguyễn, Chủ tịch Hội khuyến học xã Lương Quới bộc bạch.

Thẳng thắn, bà tâm sự: "Nhớ trường nhớ lớp nên những cựu học sinh của trường Bàu Sấu ngày ấy (nay là trường THCS Lương Quới) tìm cách liên lạc, gặp gỡ nhau vào dịp lễ, tết. Sau vài lần họp mặt, một ý nghĩ chợt lóe lên: "Sao chúng mình không cùng góp nhặt để giúp những con em còn khó khăn trong xã được đến trường". Đây cũng chính là tiền đề cho ra đời quỹ hỗ trợ học tập đầu tiên".

Lật từng trang sổ vàng năm 1991, có những người chỉ góp được vỏn vẹn một, hai nghìn đồng, vậy mà sau hơn 15 năm, con số này đã lên đến hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ góp tiền, những cựu học sinh này còn tự nguyện đến tận nhà vận động những em có nguy cơ bỏ học, giúp khi quyển tập, cuốn sách, khi quần áo, tiền bút mực, học phí.

Tình yêu ấy, công việc ấy dần thăng hoa theo thời gian và có thể nói, Lương Quới là điểm khởi đầu cho phong trào khuyến học đang bùng phát ở khắp 160 xã phường của Bến Tre hiện nay.

Cụ thể, với một ban chấp hành hội nhiệt tình, năng động đã giúp xã Mỹ Thạnh (huyện Giồng Trôm) có được nguồn quỹ đáng khích lệ trên 400 triệu đồng, giúp hàng ngàn em học sinh bớt khó khăn trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, nhiều chương trình học bổng dành cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi ra đời cũng là động lực thôi thúc các em nỗ lực học tập tốt.

Đáng kể đến là học bổng mang tên Huỳnh Tấn Phát (xã Châu Hưng, huyện Bình Đại). Đây là học bổng được hình thành từ nguồn lãi tiết kiệm 20 cây vàng do gia đình cụ Huỳnh Tấn Phát trao tặng theo di chúc của cụ.

…Cho đến những bí quyết "độc nhất vô nhị"

Ở một nơi "sinh sau đẻ muộn" như xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày (thành lập năm 2002), ngoài những hoạt động như vận động các Mạnh Thường Quân trao tặng học bổng, học cụ cho học sinh, sinh viên, Hội Khuyến học nơi đây còn có cách làm mới là cho học sinh, sinh viên "mượn vốn đi học".

Câu chuyện mượn vốn đi học bắt đầu việc ông Trương Thanh Cảnh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hương Mỹ phát hiện em Nguyễn Văn Tiến đậu Đại học Bách khoa (TP. HCM) nhưng không có tiền đi học và định đến năm sau thi vào Đại học Sư phạm để không phải đóng học phí. Thương cảm, ông đứng ra vận động các thành viên trong hội góp tiền cho Tiến mượn đi học.

Không những thế, xã Hương Mỹ có khoản tặng thưởng riêng cho học sinh đỗ đại học lên đến 1,5 triệu đồng/em. Những năm trước đây, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (thuộc xã Hương Mỹ) có khoảng 5 - 8 em nhận giải thưởng này. Riêng năm 2006, trường có đến 41 em đỗ đại học. Kết quả đáng khích lệ này là nỗ lực của thầy và trò trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nhưng đồng thời công tác khuyến học cũng chính là động lực lớn để các em phấn đấu vươn lên.

Phong trào khuyến học tại tỉnh Bến Tre đã gặt hái được nhiều thành công. Điển hình như xã Mỹ Thạnh đẩy lùi tệ nạn ma túy học đường, xã Lương Quới tặng sáu nhà tình thương cho học sinh nghèo và nhiều hoạt động khích lệ tinh thần hiếu học, Hương Mỹ trợ cấp hàng ngàn suất học bổng và cho mượn vốn đến hơn tỉ đồng... tất cả những thành công đó đều thể hiện tấm lòng đầy nhiệt huyết đối với sự nghiệp trồng người.

Thành quả trên cũng đã lý giải vì sao nhiều xã, huyện của tỉnh Bến Tre trong những năm qua không có học sinh bỏ học, từ cấp mẫu giáo cho đến đại học.

Phương Yến
(Bộ Nông nghiệp)