Nỗ lực xóa bỏ các rào cản giới trong giáo dục mầm non: Chuyện ít người tỏ!

Vũ Phong

(Dân trí) - "Giới trong giáo dục mầm non" vốn là một khái niệm còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Việc đảm bảo và đưa bình đẳng giới ở lứa tuổi này vì thế đòi hỏi nhiều kỹ năng và phương pháp tiếp cận phù hợp.

Nghiên cứu chỉ ra rằng các khuôn mẫu và định kiến giới có ảnh hưởng tiêu cực tới sự hình thành tính cách, sở thích và sự phát triển của trẻ từ rất sớm.

Nhận thức được điều đó, trong khuôn khổ dự án Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống (BAMI) do tổ chức VVOB thực hiện tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kontum, "giới" được xác định là một trong những "rào cản" đối với việc tham gia và học của cả trẻ trai về trẻ gái mà mà giáo viên cần giải quyết để giúp trẻ phát triển toàn diện. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ đầy thách thức.

Những khó khăn phải đối mặt

Rào cản đầu tiên là "định kiến giới" sẵn có ở bản thân giáo viên. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy trong cách giáo viên xưng hô khác nhau giữa trẻ trai ('người hùng' hay 'siêu nhân') và trẻ gái ("công chúa bé bỏng" hay "cô bé dễ thương" , và trong cách tương tác của giáo viên với trẻ như "con trai/đàn ông không bao giờ khóc", "con gái cần phải nhẹ nhàng, dịu dàng" hay "cậu bé này múa dẻo như con gái", "bé nào muốn làm chú bộ đội"?

Các định kiến giới cũng xuất hiện trong môi trường lớp học, cách trang trí góc học tập và vui chơi cho trẻ. Chẳng hạn, các đồ chơi có tính chất hành động, xây dựng và công nghệ và đồ chơi có màu xanh lam thường được gắn với các bé trai trong khi búp bê, đồ chơi nấu ăn và thủ công mỹ nghệ chủ yếu liên quan đến các bé gái.

"Khi chưa có nhạy cảm giới, một cách vô thức giáo viên thường hạn chế các cơ hội được trải nghiệm, khám phá, thể hiện bản thân và học hỏi theo nhu cầu và sở thích của cả trẻ trai và trẻ gái.

Trong các hoạt động trên lớp, trẻ gái thường được hướng dẫn và khuyến khích đảm nhận các vai trò chăm sóc như làm giáo viên, người bán hàng, nội trợ và y tá; trong khi trẻ em trai được khuyến khích tham gia vào các hoạt động sáng tạo và khám phá ở các góc xây dựng hay đóng vai bác sĩ, nhà khoa học…" , bà Trần Thị Kim Lý, Cố vấn Giáo dục của của VVOB nhận định.

Nỗ lực xóa bỏ các rào cản giới trong giáo dục mầm non: Chuyện ít người tỏ! - 1

Phá vỡ định kiến giới là bước đầu tạo dựng môi trường học tập có đáp ứng giới. (Ảnh minh họa, được thực hiện trước thời điểm giãn cách xã hội. Nguồn: VVOB)

Ngoài ra, thách thức còn đến từ phía các bậc phụ huynh - những người có ảnh hưởng lớn trong hình thành nhận thức giới ở trẻ. Một cô giáo ở Quảng Nam kể lại: "Sau khi được tập huấn về phương pháp học thông qua chơi có đáp ứng giới, tôi đã thay đổi cách bài trí trong lớp học, tạo điều kiện cho các bé được lựa chọn góc chơi thoải mái theo ý thích của mình.

Một bé gái đã chọn chơi xây dựng, sau đó về khoe lại với phụ huynh. Tuy nhiên phụ huynh đó đã đến phàn nàn vì sao lại cho con gái họ chơi trò của con trai". Hay trong một trường hợp khác, một phụ huynh cũng phản ánh: "Cô đừng cho con gái tôi chơi đá bóng, con tôi thành con trai mất".

Bên cạnh những khó khăn từ điều kiện, cơ sở vật chất, yếu tố/định kiến giới vốn đã có từ trước, một số rào cản khác như số giáo viên nữ ở các trường mầm non quá đông (hơn 99% giáo viên mầm non ở Việt Nam là nữ) , việc thiếu đại diện của giáo viên nam trong nhà trường càng củng cố vai trò giới và có thể mất nhiều thời gian hơn để thay đổi nhận thức, suy nghĩ vốn góp phần dẫn đến bất bình đẳng giới.

Trên thực tế, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý về cách thức giáo dục cho trẻ em về giới, về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với trẻ em chưa được đầy đủ và hoàn thiện, chưa có nhiều tài liệu dạy và học để hỗ trợ giáo viên tham khảo trong quá trình thực hiện giáo dục giới tính cho trẻ mầm non... cũng là những nguyên nhân dẫn tới việc nhận thức và năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục đáp ứng giới của giáo viên còn nhiều hạn chế.

Và những trái ngọt dần hình thành...

Bà Trương Thị Thu Nguyệt (Phó Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD & ĐT tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: "Giới là một nội dung mà tôi cho rằng là rất khó để chuyển tải đến trẻ và đặc biệt là kiến thức về giới của các cô giáo trước đây cũng khá là hạn chế. Tuy nhiên được sự hỗ trợ của VVOB qua những đợt tập huấn, hội thảo, bồi dưỡng và hỗ trợ tới từng địa phương thì đến nay giáo viên của chúng tôi cơ bản đã giải quyết được nhiệm vụ khó khăn này".

Nỗ lực xóa bỏ các rào cản giới trong giáo dục mầm non: Chuyện ít người tỏ! - 2

Những buổi học dần được lồng ghép thông điệp về bình đẳng giới. (Ảnh được thực hiện trước thời điểm giãn cách xã hội. Nguồn: VVOB)

Về cách thức triển khai, bà Hà Thị Thu Hương, Quản Lý Giáo dục tại VVOB cho biết: "Chúng tôi tiếp cận các vấn đề về giới với phương pháp học thông qua chơi, cách tiếp cận này giúp giáo viên dễ dàng tổ chức các hoạt động đáp ứng giới, cũng như thay đổi cách trang trí và bài trí lớp vốn có các khuôn mẫu giới. Việc loại bỏ các khuôn mẫu giới này cũng đồng nghĩa loại bỏ các yếu tố cản trở trẻ nhỏ phát triển hết tiềm năng của mình".

Trên lớp, giáo viên đã chủ động bổ sung hình bé trai chơi búp bê (trước chỉ có hình bé gái), bé gái chơi đá bóng (trước chỉ có hình bé trai); tăng cường đồ chơi có màu sắc đa dạng (thay vì màu xanh thường thấy cho bé trai và màu hồng cho bé gái); sắp xếp các hoạt động vui chơi sao cho cả bé trai lẫn gái đều có thể tham gia.

Đối với nội dung, giáo viên chọn những bài hát, bài thơ, chuyện kể có nội dung đa dạng về hình tượng giới (ví dụ có cả cô công an, chú công an) để tránh tạo ra các khuôn mẫu.

Việc xóa bỏ khuôn mẫu giới trong giáo dục cũng đòi hỏi sự linh hoạt và chủ động của giáo viên. Như lời kể của một cô giáo về trường hợp một bé gái xin các bé trai chơi đá bóng cùng, nhưng không được cho chơi.

Cô thấy vậy mới trò chuyện cùng trẻ: "Cô là con gái và cô cũng thích chơi đá bóng, các bạn cho cô chơi cùng được không?", các trẻ trai đồng ý và cho cô thử chơi cùng. Sau khi chơi cùng trẻ, cô tiếp tục hỏi: "Cô chơi cũng tốt phải không, vậy các bạn gái cùng tham gia chơi được không?" Nghe cô nói vậy, các trẻ trai mới đồng ý để các bạn gái cùng tham gia.

Về phía phụ huynh, giáo viên và nhà trường cũng chủ động tuyên truyền về giáo dục bình đẳng giới dưới nhiều hình thức. Trước thực trạng phần lớn các buổi họp chỉ có sự tham gia của phụ huynh nữ, một giáo viên ở tỉnh Quảng Ngãi khi lên kế hoạch thực hiện buổi truyền thông với chủ đề "Vai trò của người cha trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ" đã mời và khuyến khích các ông bố tham gia buổi truyền thông.

Sau buổi hôm đó, trong một số gia đình đã có những sự thay đổi tích cực: cả bố và mẹ cùng chia sẻ công việc trong gia đình. Giờ đây, người bố cũng tham gia làm việc nhà, lau nhà, chăm sóc con… Điều thực sự đáng mừng là hiện ở nhà trẻ trai và trẻ gái được tự do chơi đồ chơi và trò chơi theo sở thích, không còn phân biệt đồ cho trẻ trai hay trẻ gái như trước kia.

Với những kết quả tích cực ban đầu, các Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương đã tạo môi trường thuận lợi để lan tỏa cách tiếp cận của dự án đến 195 trường mầm non thuộc 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Kontum qua đó gần 3000 cán bộ và giáo viên đã được nâng cao năng lực thông qua các hoạt động đào tạo, hơn 40.000 trẻ em được học tập trong môi trường học thông qua chơi có đáp ứng giới.

Bình đẳng giới trong giáo dục mầm non là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo trẻ em phát huy tối đa tiềm năng vì nó tạo cơ hội bình đẳng cho cả trẻ em gái và trẻ em trai trong việc tiếp cận tài liệu học tập/đồ chơi; trải nghiệm, thể hiện bản thân, học tập và tự do ước mơ bất luận giới tính của mình là gì.

Trẻ em dưới 6 tuổi thường học và hành động thông qua việc quan sát và bắt chước người lớn. Ở lứa tuổi này, các em phát triển bản sắc riêng, niềm tin, thái độ, v.v., bao gồm cả những định kiến mạnh mẽ về giới. Sự tương tác từ phía giáo viên, phụ huynh và cộng đồng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ.

Do đó, để thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục mầm non, việc triển khai nhiều giải pháp, hành động là cần thiết như: Tích hợp nội dung, kiến thức về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường và bạo lực trên cơ sở giới vào chương trình giáo dục trên phạm vi cả nước, xây dựng và tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng...