Những quan ngại về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục

Trần Quang

(Dân trí) - Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam vẫn chưa phải là đơn vị kiểm định độc lập. Bên cạnh đó, đội ngũ kiểm định viên phần lớn được đào tạo bởi chính các tổ chức kiểm định này.

Theo dữ liệu của Bộ GD&ĐT tính đến 31/7/2022 có 823 chương trình đào tạo (CTĐT) được đánh giá công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, số lượng CTĐT được kiểm định thực tế còn hiệu lực là 756 CTĐT, trong đó 475 theo tiêu chuẩn trong nước và 281 theo tiêu chuẩn quốc tế.

Những quan ngại về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục - 1

Theo tiêu chuẩn trong nước

Theo tiêu chuẩn nước ngoài

Cũng theo dữ liệu này, tính đến 31/7/2022 có 185 cơ sở giáo dục (CSGD) được đánh giá công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước và 07 CSGD đạt đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Tuy nhiên, số lượng CSGD được kiểm định thực tế còn hiệu lực là 165, trong đó 162 theo tiêu chuẩn trong nước và 03 theo tiêu chuẩn quốc tế.

Những quan ngại về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục - 2

Theo tiêu chuẩn trong nước

Theo tiêu chuẩn

nước ngoài

Một số mục tiêu kiểm định chất lượng giáo dục đại học 

Một số mục tiêu về chất lượng giáo dục đại học trong thời gian tới của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định trường học/chương trình trong thời gian tới như sau:

Những quan ngại về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục - 3

Thông báo số 1684/TB-BGDĐT, ngày 28 tháng 12 năm 2020, Kết luận của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm giai đoạn 2011 - 2020.

Có thể dễ dàng thấy một số ưu điểm sau đây của hoạt động bảo đảm chất lượng gắn với kiểm định trường học và chương trình thời gian qua:

Thứ nhất, Các cơ sở giáo dục đã và đang quan tâm nhiều đến công tác đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng một phần; một phần vì nhận thức được đây là yếu tố cạnh tranh của đơn vị giáo dục; phần còn lại là vì áp lực từ quy định của nhà nước.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tham khảo, tiếp thu các tiêu chuẩn kiểm định thế giới để hình thành nên một số quy định, hướng dẫn cho hoạt động này ở Việt Nam.

Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thực hiện thủ tục thừa nhận một số chuẩn kiểm định trên thế giới.

Thứ tư, Đội ngũ nhân sự làm công tác đảm bảo chất lượng ở các cơ sở giáo dục ngày càng được tăng cường về số lượng.

Nhiều quan ngại

Hiện nay thực tế đang nảy sinh hàng loạt bất cập trong kiểm định chất lượng giáo dục như: Nhận thức về nội hàm cần làm để cải tiến chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay còn chênh lệch rất lớn. 

Một số trường thì bộ phận bảo đảm chất lượng và kiểm định hiểu tương đối đầy đủ những việc phải làm, nhưng đa số nhân sự bảo đảm chất lượng và kiểm định tại các cơ sở giáo dục đại học còn lại đều hiểu rất sơ sài, chủ yếu là đọc, nghe, học được cái gì thì biết cái nấy. Còn hiểu một cách hệ thống và toàn cảnh tất cả những việc cần làm của hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định thì hầu hết đơn vị bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đều khá yếu.

Bên cạnh đó, chất lượng kiểm định hiện nay không đồng đều giữa các tổ chức kiểm định về phương diện kiểm định viên, phương thức thực hiện, nhất là chuẩn đánh giá.

Nhiều ngành kiểm định để đạt mục tiêu "có chứng nhận kiểm định" hơn là thực sự phục vụ mục tiêu cải tiến chất lượng chương trình.

Trong đó, có chứng nhận để truyền thông tuyển sinh và có chứng nhận để được tự chủ mở ngành là mục đích chính chứ không phải kiểm định trường học và chương trình nhằm hiểu hệ thống vận hành của trường mình đang thiếu, đang yếu cái gì để liên tục cải tiến và bảo đảm chất lượng dịch vụ cho các bên liên quan.

Bên cạnh đó, các chuẩn kiểm định của các tổ chức trên thế giới ở Việt Nam còn chậm, không theo kịp nhu cầu của các trường.

Hiện tại, Bộ GD&ĐT chỉ mới thừa nhận 04 tổ chức (AUN-QA, ASIIN, FIBAA, AQAS) nhưng khi Bộ thực hiện thống kê chương trình và cơ sở giáo dục được kiểm định thì lại có rất nhiều tổ chức quốc tế trong danh sách. 

Theo một chuyên gia, các tổ chức kiểm định tại Việt Nam vẫn chưa phải là đơn vị kiểm định độc lập. Tính khách quan yếu. Bên cạnh đó, đội ngũ kiểm định viên phần lớn được đào tạo và cấp chứng nhận kiểm định viên bởi chính các tổ chức kiểm định này.  Như vậy rất dễ dẫn đến vừa đá bóng vừa thổi còi thì không thể bảo đảm được sự công tâm và đúng chuẩn.

Việc các tổ chức kiểm định, kiểm định viên chưa kinh qua các hoạt động về đảm bảo chất lượng theo chuẩn khu vực, quốc tế dẫn đến tình trạng các góp ý cải tiến, các hướng dẫn cho ngành, cho cơ sở giáo dục đại học chưa thực sự hiệu quả. Trong khi đó, những góp ý này còn co cụm theo tiêu chuẩn tự biên tự diễn trong nước, tính liên thông với chuẩn mực quốc tế rất thấp.

Thực tế, hoạt động kiểm định trường học và chương trình hiện nay chủ yếu được thực hiện trên hồ sơ, giấy tờ.

Quá trình kiểm tra chi tiết minh chứng rất sơ sài. Nhất là không quan tâm nhiều đến hoạt động xác minh minh chứng của tiến trình và qui trình thực hiện hoạt động bảo đảm chất lượng từ khâu đầu đến khâu cuối của việc thực hiện chương trình đào tạo cũng như phỏng vấn sâu các bên có lợi ích liên quan đến cơ sở giáo dục để có minh chứng về chất lượng đầu ra.

Chính những điều này khiến hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay chỉ có giá trị trên giấy tờ và hoàn toàn có thể bị lạm dụng.

Các cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục trong nước được cấp phép như sau: 

  •  

I

Tổ chức kiểm định tại Việt Nam

Năm thành lập

Website

1

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học quốc gia TP.HCM (VNU-HCM CEA)

2013

http://cea.vnuhcm.edu.vn/

2

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học quốc gia Hà Nội (VNU-CEA)

2013

https://cea.vnu.edu.vn/

3

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các Trường ĐH-CĐ tại Việt Nam (CEA-AVU&C)

2015
(Được gia hạn vào 01/2021)

http://cea-avuc.edu.vn/

4

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng (CEA-UD)

2015

http://cea.udn.vn/

5

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Vinh (VU-CEA)

2017

https://kdclgd.vinhuni.edu.vn/

6

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long trực thuộc Công ty cổ phần Đầu tư giáo dục Hà Nội (CEA-THANGLONG)

2021

http://www.ceathanglong.edu.vn/

7

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn trực thuộc Công ty cổ phần Đầu tư giáo dục TP. Hồ Chí Minh (CEA-SAIGON)

2021

https://cea-saigon.edu.vn/

 Các tổ chức kiểm định chất lượng nước ngoài:

II

Tổ chức kiểm định nước ngoài được thừa nhận tại Việt Nam

Năm công nhận

Website

Quốc gia đặt trụ sở

1

FIBAA (Foundation for International Business Administration Accreditation)

2021

https://www.fibaa.org/

Đức

2

AQAS (The Agency for Quality Assurance through Accreditation of Study Programs)

2021

https://www.aqas.eu/

Đức

3

ASIIN (The Accreditation Agency for Study Programmes in Engineering, Informatics, Natural Sciences and Mathematics)

2021

https://www.asiin.de/en/

Đức

4

AUN-QA (Asean University Network - Quality Assurance)

2022

https://www.aunsec.org/

Thái Lan