Những khoản nào nhà trường được phép và không được phép thu của học sinh?
(Dân trí) - Mặc dù Bộ GD&ĐT quy định các khoản mà nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu, thế nhưng một số nơi vẫn "biến tấu" tên gọi các khoản thu khiến phụ huynh bức xúc.
Trường học được thu những khoản gì?
Theo quy định, nhà trường được thu các khoản gồm: Học phí, tiền dạy học thêm trong quy định, được thu hộ Bảo hiểm y tế theo Luật bảo hiểm y tế.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục được thu thêm các khoản có sự thỏa thuận với cha mẹ học sinh như: Tiền ăn bán trú, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú, tiền mua học phẩm với trẻ mầm non, tiền vệ sinh, tiền nước uống, tiền đồng phục học sinh, quần áo thể thao, phù hiệu trường, thẻ học sinh...
Ngoài ra để chấn chỉnh lạm thu, nhiều địa phương cũng có các văn bản quy định liên quan đến các khoản thu phù hợp với địa phương mình để phụ huynh nắm rõ.
Chẳng hạn TP Hà Nội quy định, các cơ sở giáo dục trên địa bàn chỉ được thu các khoản tại Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Các cơ sở giáo dục phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập trên từng địa bàn.
Cụ thể, Hà Nội quy định các khoản thu, chi trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập gồm:
Thu, chi phục vụ bán trú
Tiền ăn (Mầm non, Tiểu học, THCS): Thỏa thuận với cha mẹ học sinh.
Chăm sóc bán trú (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở): Không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng.
Trang thiết bị phục vụ bán trú: Đối với học sinh mầm non, thu không quá 150.000 đồng/học sinh/năm học.
Đối với học sinh tiểu học, THCS thu không quá 100.000 đồng/học sinh/năm học.
Thu, chi học 2 buổi/ngày
Về mức thu: Học sinh Tiểu học không quá 100.000 đồng/học sinh/tháng; Học sinh THCS Không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng.
Thu, chi học phẩm đối với mầm non mức thu không quá 150.000 đồng/tháng/ trẻ. Nội dung chi là trang bị các loại vở, học liệu để giúp trẻ tham gia các hoạt động giáo dục theo chương trình Giáo dục mầm non mới do Bộ GD&ĐT quy định.
Thu chi cho nước uống học sinh: Mức thu học sinh tất cả các cấp không quá 12.000 đồng/học sinh/tháng.
Ngoài ra, nhà trường sẽ thu khoản bảo hiểm y tế và dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Riêng khoản về dạy thêm, học thêm, UBND TP đã có quy định riêng để quản lý.
Các khoản thu khác: Tiền đồng phục, quần áo thể thao, phù hiệu; tiếp nhận nguồn viện trợ, biếu tặng...
Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện việc giãn thời gian thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản thu trong cùng thời điểm.
Những khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu
Ngay khi kết thúc năm học 2021 - 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 2153/BGDĐT-KHTC gửi các địa phương về thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2022 - 2023.
Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học.
Để chấn chỉnh lạm thu, không phải bây giờ mà ngay từ năm 2011, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, ngày 22/11/2011, quy định Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng liệt kê các khoản đại diện cha mẹ học sinh không được thu gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Mặc dù các văn bản đã ghi rõ ràng các khoản được/không được thu trong nhà trường nhưng việc lạm thu vẫn âm ỉ diễn ra trong các nhà trường?
Kính mời độc giả đón đọc Bài 2: "Bắt mạch" căn bệnh lạm thu.