Nhóm sinh viên đoạt giải nhất về phát triển du lịch Hoàng thành Thăng Long

Kiều Phương Nguyễn Phương Thảo

(Dân trí) - Với sự đầu tư nghiêm túc, Bích Thảo cùng nhóm "cộng sự" của mình đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Hà Nội.

Mới đây, nhóm sinh viên bao gồm: Phạm Bích Thảo, Đặng Thị Ngọc Ánh, Mai Thanh Thùy, Lương Thị Thùy Trang, Thiều Thúy Linh thuộc Khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành đã xuất sắc giành giải Nhất Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Trường Đại học Hà Nội năm 2021 với đề tài nghiên cứu khoa học "Phát triển sản phẩm du lịch Hoàng thành Thăng Long".

Nhóm sinh viên đoạt giải nhất về phát triển du lịch Hoàng thành Thăng Long - 1
Giải thưởng là minh chứng cho sự đầu tư nghiêm túc vào đề tài NCKH của nhóm sinh viên. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ cảm xúc khi nhận được giải thưởng cao nhất đến từ cuộc thi nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Hà Nội, Phạm Bích Thảo - đại diện nhóm sinh viên này không khỏi "vui mừng" và "hạnh phúc" vì công sức nghiên cứu bỏ ra trong thời gian dài đã được đền đáp bằng thành quả xứng đáng và được sự công nhận của nhà trường.

"Khi nghe tin đề tài nghiên cứu của nhóm mình đạt giải Nhất cấp trường, mình đã nghĩ ngay tới cô Ngô Phương Dung - giảng viên khoa Du lịch. Cô là người đã kiên trì, tận tình đưa ra hướng đi, giúp nhóm mình kết nối với các thầy cô khác trong trường cũng như các chuyên gia về du lịch; từ đó giúp các thành viên trong nhóm có được cái nhìn toàn diện và sâu sắc nhất về vấn đề du lịch liên quan đến khu di tích Hoàng thành Thăng Long" - Thảo tâm sự.

Động lực thôi thúc nghiên cứu

Theo học khoa Du lịch, Thảo cùng các bạn của mình đều có niềm đam mê vô cùng lớn với lĩnh vực này. Đặc biệt, trong khoảng thời gian học ở Hà Nội, nhận thấy sự độc đáo của du lịch Thủ đô nằm ở những nét cổ kính và bề dày lịch sử; trong đó, các khu di tích lịch sử quốc gia chính là cốt lõi làm nên giá trị cho mảnh đất này.

Nhóm sinh viên đoạt giải nhất về phát triển du lịch Hoàng thành Thăng Long - 2
Nhóm nghiên cứu có mặt tại Hoàng thành Thăng Long để khảo sát. (Ảnh: NVCC)

"Trong các điểm du lịch di sản hiện nay, mình nhận thấy Hoàng thành Thăng Long chính là khu di tích chứa nhiều giá trị tiềm năng nhất nhưng còn vướng rào cản khiến nội tại du lịch của khu di tích chưa được quan tâm và bảo tồn cũng như có nhiều nét đẹp chưa được khám phá".

Sau khoảng thời gian tìm hiểu, Thảo và các thành viên trong nhóm đã quyết định đi sâu vào việc nghiên cứu khu di tích Hoàng thành Thăng Long, từ đó đưa ra những ý tưởng để có thể phát triển khu di tích, giúp địa điểm này trở nên hấp dẫn, thú vị, thu hút khách tham quan.

"Điểm sáng" của đề tài nghiên cứu

Nữ sinh Phạm Bích Thảo chia sẻ, trong suốt quá trình từ "thai nghén" đến triển khai, thực hiện đề tài "Phát triển sản phẩm du lịch Hoàng thành Thăng Long", cô cùng các thành viên trong nhóm nghiên cứu nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rất lớn đến từ phía các thầy cô trong khoa cũng như "đàn anh" có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực du lịch.

Trong đề tài NCKH của mình, nhóm sinh viên đã phát hiện ra vấn đề trong những năm qua, các sản phẩm du lịch của khu du lịch Hoàng thành Thăng Long vẫn chưa khai thác được tối đa giá trị của di sản do giới hạn của các quy tắc bảo tồn cũng như còn hạn chế trong việc lên ý tưởng sáng tạo cho sản phẩm du lịch mới.

Từ đó, đề tài đặt ra hai vấn đề cần được quan tâm giải quyết của di sản Hoàng thành Thăng Long:

Thứ nhất, là phát triển những sản phẩm mới và hấp dẫn để thu hút cũng như tạo ấn tượng cho du khách đến tham quan.

Thứ hai, là đảm bảo được nguyên tắc bảo tồn di sản để những sản phẩm thương mại du lịch không ảnh hưởng đến giá trị nguyên bản và lịch sử của di tích.

Nhóm sinh viên đoạt giải nhất về phát triển du lịch Hoàng thành Thăng Long - 3
Để có những ý tưởng, đề xuất phát triển sản phẩm du lịch Hoàng thành Thăng Long cả nhóm đã phải bỏ nhiều công sức tìm hiểu, phân tích. (Ảnh: NVCC)

Vận dụng các kiến thức đã học trên giảng đường, nhóm nghiên cứu của Bích Thảo đã sử dụng linh hoạt các phương pháp nghiên cứu, từ đó đưa ra 4 ý tưởng nhằm nâng cao trải nghiệm của du khách khi tham quan Hoàng Thành Thăng Long.

Ý tưởng thứ nhất mang tên "Giải mã bí mật Hoàng Thành". Đây là một trò chơi dành cho mọi lứa tuổi.

Ý tưởng thứ hai chính là "Tái hiện nghi lễ Thiết triều" - tái hiện lại khung cảnh nhà vua cùng các quan bàn việc triều chính thời phong kiến theo hình thức sân khấu hóa.

Ý tưởng thứ ba là "Khám phá Hoàng Thành Thăng Long về đêm". Đây là một chuỗi các hoạt động diễn ra trong khuôn viên của Hoàng Thành bao gồm Chợ đêm Thăng Long kẻ chợ và hoạt động thưởng trà.

Cuối cùng, ý tưởng "Việt phục" là dự án thương mại hóa việc cho thuê những bộ cổ phục tại Hoàng Thành Thăng Long nhằm quảng bá giao lưu Việt phục tới mọi người; đồng thời giúp khai thác sâu hơn những giá trị văn hóa ẩn sau bộ trang phục của người Việt qua các thời kỳ.

Với Bích Thảo, điều khiến dự án nghiên cứu này trở nên "đặc biệt" và giành giải thưởng cao nhất chính là ở sự đầu tư nghiêm túc và tỉ mỉ.

Để có được nguồn tư liệu phong phú phục vụ quá trình nghiên cứu đề tài, suốt 1 năm, Thảo cùng các thành viên trong nhóm kiên trì thu thập dữ liệu từ khảo sát du khách trong 4 thời điểm khác nhau.

Cùng với đó, để đề tài nghiên cứu có được độ chính xác, các bạn trẻ này đã liên hệ, kết nối và trao đổi với các chuyên gia cả trong và ngoài nước. Nhóm nghiên cứu cũng không ngại bỏ thời gian, công sức xin ý kiến từ những hướng dẫn viên du lịch với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong các doanh nghiệp du lịch từ lớn đến nhỏ.

"Quan trọng nhất, mình và các bạn trong nhóm luôn lắng nghe và liên tục sửa đổi theo sự đóng góp của các thầy cô để bản nghiên cứu trở nên hoàn chỉnh nhất.

Có lẽ, sự đầu tư nghiêm túc, tỉ mỉ và tâm huyết là chìa khóa giúp dự án nghiên cứu này của chúng mình trở nên thu hút hơn cả"- Thảo tâm sự.

Không chỉ đưa ra được những ý tưởng, mục tiêu để phát triển du lịch tại Hoàng thành Thăng Long mà thông qua đề tài, nhóm sinh viên đã góp phần hướng đến việc phát huy, giữ gìn và tự hào về những giá trị vô giá của di sản.

"Càng khó càng phải chinh phục"

Để hoàn thành được đề tài nghiên cứu này, nhóm sinh viên đã gặp phải không ít những "rào cản".

Đầu tiên là vấn đề dịch bệnh khiến việc thu thập dữ liệu để làm nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt với nhóm du khách nước ngoài không còn đến Hà Nội du lịch nhiều như trước khiến việc lấy ý kiến phỏng vấn gặp phải rào cản lớn.

"Chúng mình đã phải khắc phục bằng việc viết email online, xin ý kiến khách du lịch qua các trang web, diễn đàn về du lịch hay form câu hỏi online cũng như Zoom meeting với các chuyên gia du lịch đang sống xa Hà Nội".

Nhóm sinh viên đoạt giải nhất về phát triển du lịch Hoàng thành Thăng Long - 4
Dù phải thuyết trình dự án theo hình thức online do dịch Covid-19, song cả nhóm vẫn hoàn thành rất xuất sắc và nhận được đánh giá cao của hội đồng giám khảo. (Ảnh: NVCC)

Vấn đề thứ hai mà nhóm gặp phải là về Luật di sản cũng như các Quy định về di tích Quốc gia cần được tìm hiểu chính xác với nguồn tài liệu chính thống.

"Tính chính xác là một khó khăn rất lớn với nhóm sinh viên chúng em. Tuy vậy nhờ có sự giúp đỡ tận tình của thầy Nguyễn Đức Hoa Cương, chuyên gia nghiên cứu Luật Di sản nên chúng em đã có được tài liệu cần thiết. Khó khăn chỉ làm chúng em thêm quyết tâm hơn mà thôi, càng khó thì càng phải chinh phục", Thảo cho biết.

Giải thưởng khoa học này có ý nghĩa lớn đối với nhóm sinh viên, là động lực giúp họ cố gắng hơn trong tương lai và gắn bó với ngành du lịch cũng như nghiên cứu các hướng đi mới cho ngành du lịch sau này.

"Đây là một cơ hội lớn giúp em kết nối và mở rộng mối quan hệ với các thầy cô, anh chị đi trước làm trong ngành du lịch để chuẩn bị cho công việc trong tương lai".

Trong tương lai, Bích Thảo tiết lộ, cô hy vọng mình và các bạn sẽ cùng nhau thực hiện 1 dự án khởi nghiệp về du lịch và có thể sẽ liên quan đến Hoàng Thành Thăng Long.

Cánh én nhỏ làm nên mùa xuân

Không chỉ là thành viên có đóng góp to lớn cho sự thành công của đề nghiên cứu chung mà bản thân Bích Thảo cũng một sinh viên tiêu biểu có thành tích học tập cũng như hoạt động ngoại khóa tốt.

Nhóm sinh viên đoạt giải nhất về phát triển du lịch Hoàng thành Thăng Long - 5
Phạm Bích Thảo - Cô gái nhỏ đã đóng góp một phần công sức cho thành công của đề tài NCKH đầy tính lịch sử văn hóa này. (Ảnh: NVCC)

Cô tích cực tham gia hoạt động xã hội như làm MC, biểu diễn tại các lễ hội, sự kiện của khoa, của trường đến tham gia nghiên cứu ứng dụng cấp sở về du lịch; tham gia trao đổi nguồn lực quốc tế ngành quản trị kinh doanh; thành viên Ban Đối Ngoại của Cộng đồng du lịch Đại học Hà Nội.

Không chỉ vậy, Bích Thảo còn có thể giao tiếp bằng 2 ngôn ngữ là Tiếng Anh và Tiếng Trung. Cô bạn cũng tiết lộ, mục tiêu là sẽ xây dựng được một thương hiệu du lịch riêng năm 30 tuổi.

Trước khi tốt nghiệp Đại học, Bích Thảo đã có trong tay khá nhiều kinh nghiệm làm việc từ lễ tân, làm nhân viên kinh doanh, trợ giảng trung tâm tiếng anh… Thảo cho biết đã học hỏi được rất nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm từ những công việc ấy.

"Mình thực sự khuyên các bạn sinh viên hãy tích cực và mạnh dạn tham gia, làm việc ở nhiều nơi, nhiều công việc và môi trường khác nhau. Mình tin các bạn sẽ thu nhận được nhiều điều mà ở trường lớp không thể có" - Thảo nói.

Bên cạnh đó, Bích Thảo nhấn mạnh rằng việc học ở trường cũng cần được chú trọng, mong muốn các bạn sinh viên hãy tích cực tham gia các hoạt động, đặc biệt là những cơ hội từ thầy cô đưa ra và làm nó một cách thực sự nghiêm túc.

"Được có cơ hội nghiên cứu đề tài khoa học là một trong những niềm tự hào của mình khi là sinh viên. Bản thân mình đã học được rất nhiều điều thông qua việc làm này, từ kỹ năng thu thập tài liệu; phân tích thông tin; thuyết trình, phỏng vấn, làm việc nhóm… Điều này đã giúp mình rất nhiều sau khi ra trường và làm việc.

Hãy thử ít nhất một lần cứu đề tài khoa học, bạn sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ trong đời", cô bạn nhắn nhủ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm