Quảng Ninh:

Nhà trường cùng doanh nghiệp được gì khi "bắt tay" đào tạo nghề

An Nhiên

(Dân trí) - Sự hợp tác có hiệu quả giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp đem lại lợi ích cho cả tất cả các bên, đây là nhận định chung tại Hội thảo gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp năm 2021.

Nhà trường cùng doanh nghiệp được gì khi bắt tay đào tạo nghề - 1

Các bên đều có lợi ích khi phối hợp đào tạo là nhận định chung tại Hội thảo gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp năm 2021.

Hội thảo do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh tổ chức hôm qua, 22/6.

Theo thống kê của tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), bao gồm: 31 cơ sở công lập và 11 cơ sở thuộc doanh nghiệp được phân bổ tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Trung ương quản lý 7 cơ sở và tỉnh Quảng Ninh quản lý 35 cơ sở.

Theo đánh giá chung tại Hội thảo, thời gian qua, công tác phối hợp giữa các trường cao đẳng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được đánh giá triển khai tương đối tốt, đa số các trường đã hình thành bộ phận quan hệ với doanh nghiệp.

Về phía các doanh nghiệp cũng quan tâm nhiều hơn trong công tác đào tạo của các trường, tích cực tham gia sâu vào hoạt động đào tạo của nhà trường. Thông qua hoạt động của chương trình phối hợp, chất lượng đào tạo của các trường đã từng bước đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Có thể nói, sự hợp tác có hiệu quả giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp đem lại lợi ích cho cả tất cả các bên.

Nhà trường cùng doanh nghiệp được gì khi bắt tay đào tạo nghề - 2

Tại Hội thảo, một số hạn chế, tồn tại cũng được chỉ rõ để có biện pháp khắc phục.

Cụ thể, đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sự hợp tác với các doanh nghiệp tạo cơ hội cho các cơ sở đào tạo huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để tăng quy mô và chất lượng đào tạo.

Năng lực trình độ của đội ngũ nhà giáo cũng được nâng lên; đội ngũ nhà giáo và cán bộ nhân viên nhà trường được tiếp cận với trang thiết bị hiện đại của doanh nghiệp; được giảng dạy trong môi trường trực tiếp sản xuất nên thường xuyên có sự trao đổi kinh nghiệm thực tế sản xuất giữa giáo viên và cán bộ của doanh nghiệp về nghiệp vụ quản lý và kinh nghiệm trong thực tế sản xuất ...

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động. Chất lượng đào tạo được nâng lên, tạo uy tín cho cơ sở GDNN nhằm thu hút người lao động tham gia học tập tại nhà trường.

Về phía doanh nghiệp, sự hợp tác chặt chẽ với cơ sở đào tạo sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được khả năng, đặc điểm (năng lực) đào tạo của nhà trường, từ đó có kế hoạch phối hợp, tham gia cùng đào tạo.

Sản phẩm của quá trình hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường sẽ phù hợp với nhu cầu thị trường lao động hơn (cả về số lượng và chất lượng), tránh lãng phí do thừa hoặc thiếu.

Từ đó giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn lao động, có nhiều cơ hội lựa chọn những học viên xuất sắc để tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp. Cán bộ quản lý và người lao động của doanh nghiệp có thêm cơ hội học hỏi những kinh nghiệm thực tiễn của nhà giáo đến thực tập, giảng dạy tại doanh nghiệp, qua đó giúp nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ, người lao động của doanh nghiệp.

Đối với người học, thông qua sự hợp tác, người học nghề ngoài việc tiếp thu được các kiến thức tại cơ sở đào tạo nghề, được phát triển kỹ năng nghề nghiệp thông qua học tập tại doanh nghiệp còn được làm quen với máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, giúp nâng cao kỹ năng nghề. Sau đào tạo, người lao động có thể tham gia ngay vào các công đoạn trong quy trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhà trường cùng doanh nghiệp được gì khi bắt tay đào tạo nghề - 3

Ký kết hợp tác tại Hội thảo.

Theo báo cáo của ngành LĐ-TB&XH tỉnh, 6 tháng đầu năm, kết quả tuyển sinh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 14.640 lao động. Trong đó, lao động có trình độ cao đẳng đạt 64 người; trung cấp 896 người, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 13.707 người.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong việc phối hợp như: Việc đặt hàng đào tạo của các doanh nghiệp với các cơ sở GDNN còn chưa thực sự được quan tâm; một số doanh nghiệp khi có nhu cầu sử dụng lao động, đến tuyển dụng người học tại các cơ sở đào tạo nhưng cơ sở đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa thật sự hợp tác trong việc cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng; số doanh nghiệp tham gia phối hợp với cơ sở đào tạo chưa nhiều…