"Ngôi nhà 5.000 đồng" của Đại học Đồng Tháp được công nhận kỷ lục Việt Nam

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Mô hình "ngôi nhà 5.000 đồng" của Trường ĐH Đồng Tháp được xác lập kỷ lục học đường do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập nhà trường.

Theo đó, "ngôi nhà 5.000 đồng" là mô hình hỗ trợ đoàn viên, sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp được Đoàn Thanh niên trường triển khai từ năm 2010 và phát triển với các tên gọi "Ngôi nhà 3.000 đồng", "Ngôi nhà nhân ái"…

Ngôi nhà 5.000 đồng của Đại học Đồng Tháp được công nhận kỷ lục Việt Nam - 1

Qua 12 năm triển khai, Đoàn trường ĐH Đồng Tháp đã trao tặng 72 căn nhà cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đến thời điểm hiện tại, mỗi đoàn viên, cán bộ trong độ tuổi Đoàn đóng góp 5.000 đồng/tháng vào quỹ "Ngôi nhà 5.000 đồng". Số tiền tưởng như ít ỏi này đã được Đoàn Thanh niên Trường ĐH Đồng Tháp tích góp, xây dựng gần 100 ngôi nhà tặng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Anh Lê Phước Vinh - Bí thư Đoàn trường ĐH Đồng Tháp, cho biết mỗi căn nhà là một câu chuyện đẹp về sự sẻ chia, lòng nhân ái, giúp nhiều sinh viên vượt qua khó khăn. Từ khi mô hình được phát động đã nhận được hưởng ứng tích cực từ đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên. Đặc biệt hơn khi mô hình này đã xác lập Kỷ lục Học đường tại Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận.

Ngôi nhà 5.000 đồng của Đại học Đồng Tháp được công nhận kỷ lục Việt Nam - 2

Ngày 10/1, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục học đường đối với "ngôi nhà 5.000 đồng" của Đoàn trường ĐH Đồng Tháp.

Sau 12 năm triển khai, Đoàn trường ĐH Đồng Tháp xây dựng và trao tặng 72 căn nhà, với tổng giá trị trên 2 tỷ đồng và hơn 1.000 ngày công lao động do các bạn sinh viên, cán bộ nhà trường đóng góp ngày công xây dựng.

Sáng 10/1, trường ĐH Đồng Tháp tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập trường. Trường ĐH Đồng Tháp trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đa lĩnh vực, trong đó khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là nòng cốt; nghiên cứu khoa học và cung cấp các dịch vụ cộng đồng; góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau 20 năm hội nhập và phát triển, nhà trường mở 31 ngành đào tạo và 28 chương trình bồi dưỡng đã trưởng thành và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh  Đồng Tháp, vùng ĐBSCL và cả nước.