Ngân hàng thế giới đánh giá VNEN có nhiều ưu thế

(Dân trí) - Theo kết quả đánh giá mô hình trường học VNEN của Ngân hàng thế giới (WB) thì mô hình này có nhiều ưu thế so với trường học truyền thống. Học sinh VNEN có lợi thế trong kỹ năng xã hội, tự tin, quan tâm đến mọi người hơn.

Ngân hàng thế giới vừa chính thức công bố báo cáo đánh giá về mô hình trường học VNEN. Báo cho này cung cấp, VNEN được Bộ GD-ĐT Việt Nam triển khai vào năm 2011- 2012 tại 6 tỉnh thành trên 3 khu vực Bắc, Trung, và Nam với 48 lớp học.

Báo cáo cũng cho rằng, sự đón nhận từ phía cộng đồng là rất lớn, tạo ra động lực để lãnh đạo Bộ GD-ĐT mở rộng VNEN trên phạm vi toàn quốc.

Tổ chức này cũng tiến hành nghiên cứu theo dõi mẫu gồm 325 trường VNEN đại diện cho cả nước và 325 trường không thuộc VNEN. Từ đó họ đưa ra dữ liệu so sánh sự thay đổi và phát triển của đối tượng đánh giá qua cả một quá trình.

75% hiệu trưởng VNEN cho rằng cần thay đổi trường học truyền thống

Theo kết quả từ báo cáo, có tới 75% hiệu trưởng VNEN nhận thức rằng trường học truyền thống cần phải thay đổi. Và chỉ có 63% hiệu ở các trường không thuộc VNEN nhận thức về việc trường học truyền thống cần được thay đổi.

Biểu đồ thể hiện 75% hiệu trưởng VNEN nhận thức cần thay đổi trường học truyền thống
Biểu đồ thể hiện 75% hiệu trưởng VNEN nhận thức cần thay đổi trường học truyền thống

Đối với giáo viên, báo cáo cho rằng giáo viên hiểu rõ về lý thuyết và tư duy của VNEN (ví dụ như

việc khuyến khích để học sinh biết vấn đáp quan trọng hơn việc giáo viên cần thuyết giảng giỏi).

Đồng thời cũng chỉ ra một số hoạt động còn khá khó khăn đối với giáo viên. Ví dụ, giáo viên cảm thấy khó khăn trong việc chấp nhận rằng học sinh học nên thông qua việc mắc lỗi, thay vì nói trước để tránh các em mắc lỗi.

Về nhận thức của phụ huynh, kết quả chỉ ra phần lớn phụ huynh khi biết về VNEN có xu hướng ủng hộ trường học này. Phụ huynh ủng hộ VNEN vì theo họ VNEN mang tới hiệu năng học tập cho các em cũng như các kỹ năng khác như giao tiếp, lãnh đạo và tổ chức.

Theo báo cáo, phần lớn phụ huynh biết về VNEN thì ủng hộ mô hình này
Theo báo cáo, phần lớn phụ huynh biết về VNEN thì ủng hộ mô hình này

Một thông tin cũng đáng quan tâm là phụ huynh VNEN phần lớn là nông dân, và chỉ rất ít trong số đó có bằng cấp 3. Tuy nhiên họ rất tích cực tham gia vào giáo dục cho con em mình và có nhân thức tốt, chi tiết về phương pháp VNEN, ví dụ như Hội đồng tự quản học sinh.

Học sinh VNEN tự tin và nhạy cảm hơn?

Nghiên cứu này cũng cho rằng, học sinh VNEN có lợi thế trong kỹ năng xã hội, bao gồm sự tự tin, bảo vệ quan điểm của mình, chia sẻ/quan tâm tới anh chị em/bạn bè, quan hệ tốt với trẻ khác.

Số liệu cho thấy lợi thế của VNEN trong việc giúp học sinh xây dựng kỹ năng ứng xử và tạo lập quan hệ. Những kỹ năng này bao gồm chịu trách nhiệm về đồ dùng cá nhân, quản lý thời gian và giữ lời hứa.

Học sinh VNEN có phát triển hơn về mặt giá trị đạo đức. Các giá trị đạo đức bao gồm nhạy cảm hơn với nhu cầu tình cảm của những người khác, tôn trọng người lớn tuổi, giúp đỡ bạn bè trong các hoạt động trên lớp.

Học sinh VNEN (đường viền nhỏ) được đánh giá là phát triển hơn về mặt giá trị đạo đức so với trường học truyền thống
Học sinh VNEN (đường viền nhỏ) được đánh giá là phát triển hơn về mặt giá trị đạo đức so với trường học truyền thống

VNEN cũng được cho là góp phần cải thiện khả năng giao tiếp và tính sáng tạo của học sinh. Các em cũng có lợi thế hơn về năng lực tạo ra những tác phẩm mỹ thuật, thủ công và thể hiện ý kiến của mình một cách rõ ràng.

Đánh giá cho thấy VNEN tạo ra lợi thế cho học sinh trong việc đạt được năng lực phi nhận thức, và duy trì hoặc cải thiện kỹ năng nhận thức của các em.

Số liệu cho thấy các hoạt động của VNEN có liên quan tới việc cải thiện kỹ năng nhận thức của học sinh. Khi tất cả các yếu tố của VNEN được thực hiện tốt, học sinh rất có khả năng nâng cao được cả kỹ năng tình cảm-xã hội và điểm kiểm tra về nhận thức

Học sinh VNEN được đánh giá có kết quả học tập bằng hoặc tốt hơn so với học sinh truyền thống trong các bài kiểm tra Toán và Tiếng Việt theo mức độ chuẩn

Hoài Nam