Nan giải việc dạy học trực tuyến ở miền núi

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức, việc dạy học online không chỉ là mối quan tâm của ngành giáo dục, các thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh mà các địa phương cũng rất trăn trở.

Với học sinh vùng sâu, biên giới vô cùng bất cập

Việc dạy học trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp không chỉ là mối quan tâm của ngành giáo dục, các thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh mà các địa phương cũng rất quan tâm, đặc biệt là tại các địa phương miền núi.

Nan giải việc dạy học trực tuyến ở miền núi - 1

Ông Lê Hồng Thái - Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp, huyện biên giới Tương Dương trăn trở về việc học online hiện nay đối với các em học sinh ở xã mình. Ông Thái cho biết, học online đối với học sinh xã Tam Hợp hiện nay là rất khó khả thi...

Theo ông Lê Hồng Thái - Bí thư Đảng ủy xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho rằng, việc học trực tuyến đối với học sinh của địa phương là vô cùng bất cập và khó khăn, nan giải. Xã Tam Hợp có 100% đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, cuộc sống chưa đảm bảo, nói đến việc học trực tuyến là điều vô cùng xa xỉ với học sinh nơi đây. 

"Một số thôn bản mạng internet yếu hoặc không có. Với xã Tam Hợp chúng tôi đến nay 3/5 bản chưa có mạng internet. Đối với học sinh, phụ huynh dường như thiếu điều kiện cần thiết để học online như: Máy tính, điện thoại thông minh. Đặc biệt, phụ huynh và học sinh thiếu, yếu năng lực sử dụng CNTT... như xã nghèo chúng tôi thiếu cơ sở, vật chất, làm sao mà học online được", ông Thái trăn trở.

Nan giải việc dạy học trực tuyến ở miền núi - 2

Những ngày qua, cán bộ, giáo viên xã Tam Hợp đang loay hoay bàn phương án dạy học online thế nào cho hợp lý.

Nan giải việc dạy học trực tuyến ở miền núi - 3

Theo các giáo viên, lãnh đạo xã Tam Hợp, đến thời điểm này vấn đề học online ở xã là vô cùng khó khăn bởi hạ tầng CNTT ở đây còn quá nhiều bất cập.

"Nếu dạy online thì tương tác giữa thầy và trò hạn chế; những kiến thức cơ bản, cốt lõi học sinh khó tiếp thu; hiệu quả dạy online là cực thấp…", ông Thái nhận định.

Tại huyện miền núi Thanh Chương cũng là một trong những địa tại Nghệ An có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch huyện Thanh Chương thì vai trò của các hiệu trưởng vô cùng quan trọng trong tổ chức hoạt động dạy học lúc này. Ông Nhã cũng mong các thầy cô cố gắng chọn giải pháp phù hợp nhất cho trường mình.

Về vấn đề này, theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, việc dạy học trực tuyến là tùy điều kiện cụ thể của từng đơn vị, phụ huynh và học sinh từng lớp, hiệu trưởng nhà trường chủ động, linh hoạt sử dụng nhiều giải pháp, hình thức tổ chức dạy học như: Trực tuyến, trực tuyến kết hợp với trực tiếp, hay các giải pháp khác như giao bài trực tiếp, phiếu giao bài, qua zalo, messenger...

Nan giải việc dạy học trực tuyến ở miền núi - 4

Hiện nay nhiều điểm trường lẻ tại các huyện như: Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương... vẫn còn nhiều bất cập, nên việc dạy học online đối với các điểm trường này là vô cùng khó khăn.

"Trong thời gian này, vừa dạy học vừa tiến hành kiểm tra, rà soát, chuẩn bị, bổ sung các điều kiện cần thiết đảm bảo cho dạy học trên hệ thống LMS. Từ ngày 7/10/2021 trở đi, việc dạy học trực tuyến phải được triển khai đồng bộ trong tất cả các cơ sở giáo dục trên hệ thống LMS", ông Thành cho biết thêm.

Nan giải việc dạy học trực tuyến ở miền núi - 5

Việc dạy học online hiện nay đối với học sinh vùng đồng bằng, miền biển, thành phố sẽ đơn giản hơn nhiều, song với các em ở miền núi là vô cùng vất vả. 

Người đứng đầu Sở này cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát, nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh của từng học sinh, có phương án kịp thời hỗ trợ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không đủ thiết bị, không có khả năng tham gia học trực tuyến.

"Các cơ sở giáo dục thống kê cụ thể danh sách từng học sinh không đủ thiết bị và các điều kiện khác để học trực tuyến, từ đó có phương án hỗ trợ phù hợp. Bố trí cán bộ có trình độ, kinh nghiệm dạy học trực tuyến hỗ trợ các trường, giáo viên gặp khó khăn khi triển khai dạy học trực tuyến trên hệ thống LMS, ông Thái Văn Thành nói.

Dạy học trực tuyến phụ huynh sẽ trở thành "trợ giảng" đắc lực

Nan giải việc dạy học trực tuyến ở miền núi - 6

Việc dạy học online đối với người dân thành phố thì không vấn đề, song với những học sinh miền núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa là vô cùng nan giải.

Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho rằng, đối tượng dạy học trực tuyến là học sinh Tiểu học, THCS, THPT, nhưng khó khăn nhất vẫn là học sinh Tiểu học, đặc biệt là lớp 1, 2, các cháu còn nhỏ, cần sự uốn nắn trực tiếp của thầy cô, thao tác trên máy cũng là một vấn đề. 

"Tôi tin nếu giáo viên có sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh thì các con sẽ từng bước làm quen dần. Việc Sở GD&ĐT chọn khung giờ học cho bậc Tiểu học là 17h-21h chắc chắn đã tính đến sự hỗ trợ cần thiết của các bậc phụ huynh. Lớp 1, 2 ưu tiên kiến thức cơ bản môn Toán, Tiếng Việt. Nhiều phụ huynh sẽ trở thành "trợ giảng" đắc lực và như vậy sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giai đoạn này cần phải chặt chẽ hơn", ông Nhã nêu quan điểm.

Nan giải việc dạy học trực tuyến ở miền núi - 7

Một buổi quán triệt kế hoạch dạy học trong tình hình dịch bệnh Covid-19 của UBND Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Theo ông Nhã, ngoài những thứ lâu nay đã dùng như: sách giáo khoa, vở, bút,..., vấn đề khó khăn thứ hai là dụng cụ học tập như: Máy tính, điện thoại thông minh, mạng Internet…

"Mấy ngày nay tôi đọc nhiều thông tin trên mạng xã hội với rất nhiều bình luận về vấn đề này. Thực ra phụ huynh ai cũng muốn "tất cả vì tương lai con em chúng ta" nên sẽ nỗ lực cố gắng để con có phương tiện học tập tốt nhất có thể "trong cái khó sẽ ló cái khôn", nhưng cũng nhiều phụ huynh "lực bất tòng tâm". Vì vậy, Sở GD&ĐT cũng như Phòng GD&ĐT chỉ đạo khảo sát, yêu cầu hiệu trưởng các trường tổng hợp chính xác, khách quan để có lựa chọn hình thức dạy học phù hợp", ông Nhã nói.

Nghệ An có 3 phương án dạy học như sau:

Phương án 1: Dạy học trong trạng thái bình thường mới (sống chung với Covid-19).

Phương án 2: Dạy học khi thực hiện Chỉ thị 15.

Phương án 3: Dạy học khi thực hiện Chỉ thị 16.