Năm 2020, số bài báo quốc tế của Việt Nam tăng mạnh với hơn 17.000 bài

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Theo Cơ sở dữ liệu Elsvier, số bài báo quốc tế trong danh mục Scopus (đã bao gồm ISI) của toàn Việt Nam năm 2020 là 17.028 bài.

Cụ thể, số bài báo quốc tế trong danh mục Scopus (đã bao gồm ISI) của toàn Việt Nam như sau: năm 2018 là 8.783 bài; năm 2019 là 12.566 bài; năm 2020 (tính đến ngày 10/12/2020) là 17.028 bài.

Năm 2020, số bài báo quốc tế của Việt Nam tăng mạnh với hơn 17.000 bài - 1

Năm 2020, số lượng bài báo quốc tế của Việt Nam tăng vọt với hơn 17.000 bài

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của 243 cơ sở đào tạo (gồm 205 trường đại học học, học viện) và 38 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ trên toàn quốc thì năm 2018 có 8.278 bài (chiếm 94,3% của toàn Việt Nam); năm 2019: 11.962 (chiếm 95,2% của toàn Việt Nam); năm 2020 (tính đến ngày 10/12/2020): 16.346 (chiếm 94,3% của toàn Việt Nam).

Riêng đối với các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ GDĐT, số lượng bài báo quốc tế trong danh mục ISI, SCI, SCIE là sản phẩm của các đề tài, dự án, chương trình KH&CN cấp Bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ đã tăng đáng kể trong các năm qua, trung bình 25%/năm.

Trong giai đoạn 2016-2020, trong các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT có công trình nghiên cứu nổi bật được tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao và ứng dụng thực tiễn mang lại hiệu quả cao, có thể kể đến một số các kết quả nổi bật đạt Giải thưởng Bảo Sơn.

Được biết, Bộ GD&ĐT đang quản lý trực tiếp 43 đơn vị, trong đó có 03 đại học vùng (với 21 trường đại học và đơn vị trực thuộc), 34 trường đại học, học viện, 03 trường cao đẳng sư phạm và 03 Viện nghiên cứu.

Các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT khá đa dạng và đều hoạt động đa ngành, đào tạo và nghiên cứu trong tất cả các lĩnh vực khoa học như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học kinh tế, khoa học giáo dục, kỹ thuật - công nghệ, nông - lâm - ngư nghiệp, y dược, tài nguyên và môi trường.

Các đại học, trường đại học có chức năng nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực các trình độ tiến sỹ, thạc sĩ, đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là điểm khác biệt quan trọng của các trường đại học so với các tổ chức KH&CN khác.

Đội ngũ giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng nói chung chiếm số đông trong lực lượng làm công tác KH&CN, các đơn vị trực thuộc Bộ có đội ngũ nghiên cứu mạnh: 184 giáo sư, 1.947 phó giáo sư, 5.557 tiến sĩ, 13.825 thạc sĩ. Các đơn vị đang đào tạo 5.088 nghiên cứu sinh.

 Nguồn lực tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, nguồn ngoài ngân sách chiếm tỷ lệ thấp.

Ngân sách cho khoa học và công nghệ nhà nước cấp cho Bộ GD&ĐT luôn ở mức thấp về số tuyệt đối và mối tương quan với nhu cầu hỗ trợ nghiên cứu và tiềm lực và nhân lực khoa học và công nghệ của các trường đại học trực thuộc.

Cụ thể, năm 2016: Bộ GD&ĐT phê duyệt 298 đề tài cấp bộ; Năm 2017: phê duyệt 264 đề tài; Năm 2018, phê duyệt 165 đề tài; Năm 2019: phê duyệt 211 đề tài; Năm 2020 phê duyệt 221 đề tài.

Giai đoạn 2016-2020, Bộ GDĐT đã triển khai được 18 Chương trình KH&CN cấp Bộ và do các đơn vị có tiềm lực nghiên cứu mạnh là tổ chức chủ trì. Các chương trình tập trung vào 2 lĩnh vực: khoa học kỹ thuật-công nghệ (7 chương trình) và khoa học nông lâm ngư y (5 chương trình). Có 4 đơn vị được thực hiện 2 chương trình trong giai đoạn này là Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên.

Chương trình KHCN cấp bộ là tập hợp từ 4-10 đề tài nhỏ, với kinh phí tương đối khiêm tốn, dao động từ 3 đến hơn 10,5 tỷ đồng. Có 2 chương trình do NSNN hỗ trợ 100% (phê duyệt trước khi Thông tư 16 có hiệu lực) và 16 Chương trình có đối ứng kinh phí của đơn vị khoảng 5-10%.

Một trong những kết quả nổi bật của đề tài cấp bộ giai đoạn vừa qua tác nhân chủ yếu thúc đẩy (trực tiếp và gián tiếp) công bố khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus của các trường đại học/viện nghiên cứu trực thuộc.

Năm 2020, Bộ GD&ĐT  xét thưởng cho 2.412 bài báo ISI xuất bản năm 2019.

Số lượng công trình nghiên cứu khoa học của 243 cơ sở đào tạo do Bộ GD&ĐT quản lý như sau:

Số lượng công trình nghiên cứu khoa học

2018-2019

2019-2020

Đề tài NCKH cấp Nhà nước

425

493

Đề tài NCKH Nghị định thư

95

93

Đề tài NCKH cấp Bộ/Tỉnh, thành phố

1.494

1.531

Đề tài cấp Trường

7.940

8.514

Bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước theo quy định của HĐCDGSNN

21.423

22.308

Bằng độc quyền giải pháp hữu ích

77

137

Bằng độc quyền sáng chế

58

67

Hội thảo, hội nghị khoa học cấp quốc gia

919

899

Hội thảo, hội nghị khoa học cấp quốc tế

848

757

Hợp đồng chuyển giao công nghệ

2.963

3.088