Năm 2019: Sắp xếp lại các trường đào tạo sư phạm

(Dân trí) - “Theo kế hoạch 2019 tới quý 2 năm 2020, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, theo đúng Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua”

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An chia sẻ điều này tại hội nghị trực tuyến Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng các trường đại học và trường sư phạm năm 2018 diễn ra vào ngày 28/12.

Tại hội nghị này, lãnh đạo nhiều trường đại học đã đề nghị năm 2019, Bộ GD-ĐT cần đẩy mạnh việc sắp xếp lại các trường đào tạo sư phạm, quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học trên cả nước, sao cho trở thành những trường đại học lớn, mạnh để tham gia xếp hạng đại học, phù hợp xu hướng chung của thế giới.

Năm 2019: Sắp xếp lại các trường đào tạo sư phạm - Ảnh 1.

Hội nghị Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng các cơ sử giáo dục ĐH và trường Sư phạm năm 2018 tại điểm cầu TPHCM

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhấn mạnh, quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học phải là nhiệm vụ hàng đầu: “Hiện nay chúng ta có trên 230 trường đại học là quá nhiều. Trong khi có nhiều trường đại học nhỏ, lẻ, đơn ngành, không phù hợp với điều kiện thế giới thay đổi nhanh chóng về việc làm, xếp hạng. Cho nên, tôi nghĩ quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học là hết sức cần thiết, mà trước hết là các trường đào tạo sư phạm. Vì hiện nay, có tầm 100 cơ sở tham gia đào tạo sư phạm là quá nhiều. Tôi nghĩ đây là nhiệm vụ trong năm 2019 mà Bộ cố gắng hoàn thành”

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên chia sẻ, năm ngoái, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành sư phạm cao hơn ngưỡng chung 2 điểm, tức 17 điểm. Kết quả, các trường sư phạm trong cả nước không tuyển nổi 50-60% chỉ tiêu, ít trường tuyển đủ. Thế nhưng, theo ông Quang, trong khi chúng ta muốn đầu vào sư phạm tốt, nhưng đó chỉ là một trong những điều kiện vì ở người học còn có phẩm chất, đam mê nghề nghiệp. Thực tế hiện nay tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này mâu thuẫn với nhu cầu tuyển giáo viên, thiếu giáo viên từ nay đến năm 2021 của các Sở GD-ĐT tỉnh này. Vì vậy, cần phải có chính sách đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa để đảm bảo vấn đề giáo viên, đặc biệt là cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Trở lại vấn đề sắp xếp mạng lưới các trường đại học, GS Quang nhắc lại đề xuất của mình từ năm 2017, đó là chỉ những cơ sở đào tạo giáo viên đã được kiểm định chất lượng quốc gia thì mới được tuyển sinh, chỉ như vậy chúng ta mới có được những cơ sở đào tạo giáo viên có chất lượng: “Nếu từ trong 114 cơ sở đào tạo giáo viên, chúng ta lựa chọn theo một bộ chuẩn mà chúng ta xây dựng, sẽ còn khoảng 18-19 cơ sở đào tạo giáo viên. Trên cơ sở này, chúng ta mới đảm bảo chất lượng. Còn nếu không thì công tác đào tạo giáo viên của chúng ta rất manh mún, không đảm bảo được chất lượng theo chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Trước những ý kiến của lãnh đạo các ĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An thông tin thêm: “Trong kế hoạch năm 2018, trong quý 2 và quý 3 trình Thủ tướng Chính phủ hai đề án: Đề án sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm. Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết số 19. Theo kế hoạch 2019 tới quý 2 - 2020, Bộ sẽ xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, theo đúng Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua”.

Lan Phương