Môn văn thi vào lớp 10 TPHCM: Thí sinh òa khóc vì nhầm thơ thành truyện

PV

(Dân trí) - Dân trí giới thiệu đề thi môn ngữ văn của kỳ thi vào lớp 10 THPT công tập tại TPHCM sáng 6/6.

Sáng nay, hơn 96.000 học sinh tại TPHCM bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi cạnh tranh vào lớp 10. Môn thi đầu tiên của các em là ngữ văn.

Sau khi kết thúc thời gian làm bài, bên cạnh nhiều thí sinh vui mừng thì cũng không ít em òa khóc nức nở vì nhầm đề. Cụ thể, ở câu nghị luận văn học (đề 1) về lòng yêu nước của con người Việt Nam có yêu cầu chọn một khổ thơ hoặc đoạn thơ. Tuy nhiên, không ít thí sinh không đọc kỹ đề đã phân tích truyện. 

Dân trí xin giới thiệu tới độc giả đề thi môn ngữ văn:

Môn văn thi vào lớp 10 TPHCM: Thí sinh òa khóc vì nhầm thơ thành truyện - 1

Đề thi môn ngữ văn vào lớp 10 TPHCM (Ảnh: PV).

Môn văn thi vào lớp 10 TPHCM: Thí sinh òa khóc vì nhầm thơ thành truyện - 2

Kết thúc giờ thi môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023, em Nguyễn Trần Trúc Linh (học sinh trường THCS Trần Văn Ơn) là thí sinh đầu tiên rời khỏi điểm thi THCS Võ Trường Toản (quận 1, TPHCM).

Trúc Linh cho hay, đề thi môn ngữ văn khá vừa sức và em tự tin có thể đạt điểm 7-8 đối với môn thi này.

"Theo em, phần 2 là phần khó nhất vì ban đầu em đọc đề em không hiểu gì cả. Nói là để mở nhưng bản thân cũng phải học để có thể áp dụng vào bài", Trúc Linh nói.

Về câu 3, Trúc Linh đã chọn đề 1 để làm. Em cũng đưa tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê ứng dụng vào bài viết. "Em nhớ gì thì em viết vào thôi. Còn giờ thi xong thì em... không còn nhớ gì nữa", Linh nói.

Tại điểm thi Trường THCS Hà Huy Tập, nghe thấy tiếng trống kết thúc giờ thi môn ngữ văn, chị Trần Tuyết Hồng nhảy lên sung sướng. Mấy ngày nay vợ chồng Chị hồi hộp mong đến ngày thi. Chị cho biết cả đêm qua bố mẹ thao thức không ngủ được.

Sáng nay, dù nhà trên đường Nguyễn Văn Đậu cách điểm thi THCS Hà Huy Tập chỉ hơn 1km nhưng chị không dám về, đứng đợi cả buổi ở cổng. "Tôi hồi hộp mong con sẽ thi đỗ vào THPT Võ Thị Sáu. Con ở trong phòng thi mà bố mẹ còn thấp thỏm hơn", người mẹ ứa nước mắt. Chị cho biết, nếu con không đỗ đúng nguyện vọng sẽ hướng cho con đi học nghề thay vì chờ đợi năm sau.

Cũng đứng đợi cháu ở cổng điểm thi, bà Nguyễn Thị Xuân Hương - có cháu học THCS Trương Công Định thấp thỏm. Bà bày tỏ thương cháu vô cùng khi áp lực học hành ngày càng nhiều. Việc chuyển cấp thi không chỉ học sinh lo mà cả gia đình lo lắng. Bà mong Bộ GD&ĐT có những điều chỉnh để kỳ thi giảm áp lực.

Nguyễn Bảo Ngọc Diệp - học sinh lớp 9/4 Trường THCS Hà Huy Tập tươi cười ôm chầm lấy giáo viên khi bước ra từ cổng trường. Diệp chia sẻ đề thi mở về tình yêu đất nước con người Việt Nam, về suy nghĩ cất lên thành lời... có nhiều "đất" để thí sinh chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ.

Đề thi gợi ý nhiều nội dung nên bạn nào tinh ý dù không trải nghiệm nhiều thực tiễn vẫn làm được. Các bạn muốn đạt điểm cao cần liên hệ thực tiễn và trải nghiệm của bản thân. Diệp bày tỏ rằng bên ngoài học trong sách giáo khoa, học sinh ngày nay cần học trong cả cuộc sống, khi lướt mạng xã hội cũng ko phải vô giác mà cần học được những điều tốt đẹp từ đó.

Diệp tự tin đạt 8-8,5 điểm môn văn.

Môn văn thi vào lớp 10 TPHCM: Thí sinh òa khóc vì nhầm thơ thành truyện - 3

Cô giáo Thủy chữa bài cho học sinh (Ảnh Huyên Nguyễn).

Phân tích về đề thi, cô giáo Hà Thị Thu Thủy - giáo viên ngữ văn, Trường THCS Hà Huy Tập chia sẻ, đề thi nghị luận xã hội năm nay được ra rất phong phú, đa dạng, các em có thể trình bày theo chiều hướng mở rộng và phát huy được suy nghĩ, tình cảm của mình trong đó.

Đặc biệt đề ra: "Để những suy nghĩ cất lên thành lời…" sẽ là cơ hội để thí sinh trải lòng mình, từ những lời nói phải biến thành hành động và thực tiễn. Cách ra đề bài nghị luận văn học cũng là một dạng mới hơn so với năm trước.

Ngoài phân tích chủ đề có sẵn, về khổ thơ, đoạn thơ thì đề bài còn hỏi tác động của khổ thơ, đoạn thơ đó với bản thân em. Qua tác phẩm đó, học sinh cần nêu được sự cảm nhận và rút ra bài học cho mình, vận dụng đưa vào trong cuộc sống.

Chủ đề về lòng yêu nước cũng là một chủ đề quen thuộc, độ mở rộng, phát huy được năng lực trong viết văn. Chủ đề được giảng dạy rất kỹ trong nhà trường.

Với hướng ra đề mới, chủ yếu ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa, cô giáo Thủy cho rằng điều quan trọng là học sinh cần có phương pháp làm bài và kiến thức xã hội mở rộng. Nữ sinh đánh giá đề thi ngữ văn năm nay hay, rộng mở và gần gũi với lứa tuổi học sinh.

Cũng đứng đợi cháu ở cổng điểm thi, bà Nguyễn Thị Xuân Hương - có cháu học THCS Trương Công Định thấp thỏm. Bà bày tỏ thương cháu vô cùng khi áp lực học hành ngày càng nhiều. Việc chuyển cấp thi không chỉ học sinh lo mà cả gia đình lo lắng. Bà mong Bộ GD&ĐT có những điều chỉnh để kỳ thi giảm áp lực.

Đề văn TPHCM dài nhưng không khó

Theo thầy Võ Kim Bảo, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TPHCM đề văn lớp 10 của TPHCM gây ấn tượng đầu tiên với hình thức mới lạ.

Môn văn thi vào lớp 10 TPHCM: Thí sinh òa khóc vì nhầm thơ thành truyện - 4

Thầy giáo văn Võ Kim Bảo (Ảnh: L.L).

Hình thức mới lạ gây ấn tượng này theo thầy Võ Kim Bảo lá thư của cô giáo được đóng khung, trang trí đẹp; một bảng thông báo của CLB Lớn lên cùng sách…

Thầy Võ Kim Bảo đánh giá, đề nhìn có vẻ dài nhưng lại không khó. Nội dung của đề gần gũi, dễ hiểu, thiết thực, chủ đề phù hợp với năng lực nhận thức và tình cảm của học sinh tuổi 15.

Ở các câu hỏi, đề có sự sáng tạo, chưa bao giờ trùng lặp với đề của các năm trước.

Đề không đánh đố học sinh, các câu hỏi đều vừa sức, học sinh có học lực trung bình cũng có thể đáp ứng được tất cả các câu.

Đề có tính phân hóa ở 2 phương diện kỹ năng làm bài và tư duy sáng tạo.

Kỹ năng cần có là kỹ năng đọc, hiểu đề, phân tích đề và trình bày các ý đúng với yêu cầu của đề.

Học sinh cần có tư duy sáng tạo ở câu 2 và câu 3 (đề 2). Các ý tưởng độc đáo cho câu hỏi mở (câu 2) và câu hỏi phụ (câu 3, đề 2) chắc chắn sẽ được đánh giá cao.

Cụ thể từng câu, thầy Võ Kim Bảo phân tích:

Câu 1: (Đọc hiểu)

Ngoài sự mới mẻ về hình thức thì nội dung cũng mới: Nội dung đọc hiểu không trích dẫn 100% mà được dẫn dắt bởi người ra đề.

Văn bản đọc hiểu do người ra đề tự viết, đóng vai cô giáo, có trích dẫn các tác phẩm liên quan đến chủ đề "Những suy nghĩ cất lên thành lời".

Các câu hỏi không khó, đây là phần hầu hết học sinh có thể lấy điểm.

Câu hỏi d) trình bày về suy nghĩ của triết gia nhỏ xinh Bao Nakashima: "Tớ không trở thành ai khác! Không ai khác có thể trở thành tớ" mang tính giáo dục cao đồng thời tôn trọng ý kiến chủ quan của học sinh, không áp đặt.

Câu 2: (Nghị luận xã hội)

Đề có 2 điểm mới so với các năm trước là dẫn dắt bằng một ý thơ và tạo lập văn bản dự thảo trên một nhan đề cho sẵn.

Ở câu này, một số học sinh không cẩn thận sẽ làm bài không đúng trọng tâm (chỉ bàn về nội dung đoạn thơ hoặc chỉ bàn về nhan đề cho sẵn, không có sự liên kết).

Câu này có tính phân hóa cao, yêu cầu học sinh có kỹ năng tốt, có cách trình bày hợp lý, biết liên kết ý thơ và nhan đề để rút ra vấn đề.

Câu 3 (Nghị luận văn học): Đề 1 về chủ đề là tình yêu nước, rất gần gũi với học sinh. Đề yêu cầu nghị luận thơ, học sinh cần phải thuộc một số đoạn thơ nhất định. Dạng đề này đã được công bố trước đó nên không lạ với học sinh.

Đề 2 chủ đề là tình cảm gia đình, đề không giới hạn thơ hay truyện, học sinh có thể chọn bất kỳ tác phẩm nào đúng chủ đề, ở bất kỳ thể loại nào.

Sự khác biệt với đề 1 là ở yêu cầu phụ chia sẻ về cách đọc, cách hiểu tác phẩm mình chọn. Yêu cầu phụ này không khó, học sinh được trình bày quan điểm của mình một cách tự do. Nhưng với những học sinh quen học văn mẫu, tư duy rập khuôn sẽ không hiểu yêu cầu này của đề.