Mẩu giấy… “mời gọi” học thêm
(Dân trí) - Anh S. ngạc nhiên khi con đưa cho mình tờ giấy, chữ con nguệch ngoạc ghi lại thời gian, địa điểm nào đó. Sau anh mới biết đó là cách cô giáo giới thiệu về lớp dạy thêm.
Anh L.H.S., có con học lớp 2 tại một trường tiểu học ở Hà Nội cho biết, mới đây, đi học về, con anh đưa cho bố mẹ một mẩu giấy nhỏ. Trên giấy, chữ con ghi lại một địa chỉ ngõ ngách cụ thể, thời gian từ 5h30 - 7h30 tối thứ Sáu và 8 - 10h sáng chủ nhật.
Lúc đầu, vợ chồng anh không hiểu nội dung ghi trong mẩu giấy. Cháu cũng không biết đó là gì, chỉ kể lại, cô giáo ghi lên bảng, yêu cầu học sinh chép lại rồi dặn về đưa cho cha mẹ.
Anh chị không bận tâm, quên tờ giấy đó. Hơn tuần sau, cháu lại tiếp tục đưa cho bố mẹ mẩu giấy khác, cũng ghi đúng nội dung đó. Cháu nói: Cô dặn phải đưa tận tay cho bố mẹ.
Vợ anh S. dò hỏi một số phụ huynh trong lớp thì biết, họ cũng nhận được tờ giấy ghi "thời gian, địa điểm rõ ràng" do chính con mình tự chép mang về.
Một số phụ huynh giải thích, đó là địa chỉ chỗ cô dạy thêm, tuần cô dạy hai buổi theo giờ, thứ ghi trong giấy.
Cô giới thiệu, thông báo bằng cách ghi lên bảng yêu cầu học sinh tự chép lại về đưa cho phụ huynh.
Có mấy phụ huynh than thở đi học về, chiều tối hay cuối tuần, lẽ ra sum vầy gia đình lại tất tả chở con đi học thêm, "đuối" cả con lẫn cha mẹ. Nhưng không đi lại sợ mệt hơn nữa.
Vợ chồng anh S. đang hoang mang không biết có nên cho con đi học cho yên thân hay không dù không hề có nhu cầu.
"Đi học thì nhà không có nhu cầu, lại còn tiếp tay cho thói hư tật xấu. Nhưng cô đã yêu cầu học trò chép, đưa giấy về cho bố mẹ đến lần thứ hai, thì liệu nếu không học con mình có gặp khó khăn gì không?". Đặt vào hoàn cảnh của người làm bố làm mẹ, sẽ hiểu phần nào sự lo lắng của anh.
Học thêm, dạy thêm thường vẫn được bao bọc với lý do xuất phát từ nhu cầu của hai bên. Nhưng thực tế, nhiều phụ huynh đẩy con vào lớp học thêm không phải vì nguyện vọng của mình hay từ nhu cầu của con mà vì... phải học.
Đi học nhưng không phải với mục đích là học. Mà học vì mục đích để yên tâm, để mong không bị phân biệt, mong không bị kỳ thị.
Chị Trần Anh Đào, có con học lớp 3 ở TPHCM kể, đầu năm, cô giáo lập một nhóm hơn chục huynh để trao đổi về tình tình học tập của con ngoài nhóm chính. Cô giao nhiều bài cho con em trong nhóm này hơn, liên tục nhắc nhở phụ huynh phải kèm thêm.
Mới đầu chị cũng không để ý. Nhưng sau đó, chị bắt đầu mệt mỏi vì ngày nào cũng nghe cô nhắc bài, nói các cháu con em phụ huynh ở đây kém hơn bạn.
Chị hơi chột dạ vì trước đó, cô thông báo dạy thêm tại nhà cô nhưng chị không cho con tham gia. Chị dò danh sách phụ huynh, liên hệ hỏi thì... được biết, tất cả những phụ huynh trong nhóm cô lập này đều có con không đi học thêm.
Dù không biết có phải trùng hợp không nhưng người mẹ cảm giác lo lắng. Nhà chị không muốn và cũng không có điều kiện về tài chính lẫn thời gian đưa đón cho con học thêm. Nhưng cứ tình hình này, chị đang băn khoăn có khi... đẩy con đi học. Một số phụ huynh trong nhóm cũng đã chọn cách "nhờ cô kèm thêm".
Có thể là số ít nhưng không phải không có những giáo viên làm mọi cách để o ép phụ huynh, học sinh phải đến lớp học thêm.
Nếu ở tiểu học, các thầy cô "nhằm" vào phụ huynh thì ở bậc lớn hơn, họ "đánh thẳng" vào học sinh.
Nhiều học sinh vì không nhờ thầy "tăng ca" bên ngoài mà bị làm khó, gây áp lực đủ kiểu như giao bài, kiểm tra bài mà cứ phải bài thật khó, ngoài kiến thức thầy dạy trên lớp; nhắc nhở trước lớp gây hoảng sợ, ức chế cho các em.
Không ít trường hợp học sinh đành "cắn răng" sau cả ngày học ở trường, nhiều bài ở nhà của các môn, lại phải di chuyển trong đường phố chật chội, bức bí để chạy đến lớp học thêm.
Phía sau hình ảnh học sinh tranh thủ ăn trên xe, ngủ trên đường... chạy đến các lớp học thêm không hẳn là áp lực về chương trình học, áp lực từ phụ huynh mà có khi là để "né đòn" giáo viên.
Tại một tọa đàm ở TPHCM, có nhà giáo kể trường hợp bà biết, có phụ huynh đóng tiền học thêm đều đặn hàng tháng cho cô giáo nhưng con lấy cớ để không đi học. Họ đành phải dùng đồng tiền để mong cô... tha cho con mình.
Ngành Giáo dục TPHCM cũng đưa ra rất đủ biện pháp mạnh để quản lý dạy thêm học thêm. Trong đó, yêu cầu các trường không xét hoàn thành nhiệm vụ đối với giáo viên tham gia dạy thêm sai quy định.
Nhưng phải nói, dạy thêm xuất phát chỉ từ nhu cầu một chiều của giáo viên vẫn diễn ra, họ có để cách "dụ" học sinh.
Phụ huynh, học sinh trở thành nạn nhân khi bất đắc dĩ đi học hay "cứng đầu" thì cũng thom thóp không yên.