Lùm xùm thi Khoa học kỹ thuật nghi có "bàn tay" người lớn: Bộ GD-ĐT nói gì?

Lệ Thu

(Dân trí) - Dư luận đang đặt nghi vấn có dấu hiệu sao chép và cả về sự nghiêm túc, tính công bằng trong việc chấm giải xoay quanh cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm 2021.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm 2021 vừa kết thúc đang gây xôn xao về sự trùng lặp tên các đề tài qua nhiều năm như "chữa ung thư" và "cánh tay rô bốt", "thiết bị thông minh hỗ trợ người khiếm thị"...; tính minh bạch… Những đề tài mà học sinh phổ thông nghiên cứu như phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ, điều trị ung thư… có thể là tiêu đề cho các luận án tiến sĩ, thậm chí là dự án nghiên cứu chuyên sâu cấp bộ hay cấp quốc gia. 

Dư luận đang đặt nghi vấn phải chăng có "bàn tay" của người lớn, có dấu hiệu sao chép và cả về sự nghiêm túc, tính công bằng trong việc chấm giải xoay quanh cuộc thi này.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT đã giải đáp cụ thể:

Có cơ chế phát hiện sản phẩm không do học sinh thực sự làm

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, đối tượng của cuộc thi là học sinh ở lứa tuổi 15-18, chuẩn bị bước vào các bậc học cao hơn. Việc các em lựa chọn đề tài để nghiên cứu, sáng chế không thể bó buộc trong một giới hạn "chỉ được phép đối với kiến thức phổ thông".

Yêu cầu của cuộc thi là học sinh phải vận dụng kiến thức của các môn học đã được học ở phổ thông để phát triển, thực hiện các dự án. Tuy nhiên, không có nghĩa các em chỉ được sử dụng những kiến thức cơ bản, đại trà. Điều này cũng tương tự như học sinh dự thi Olympic quốc tế, để thực hiện các dự án học sinh phải có kiến thức nền rất tốt.

Các em sẽ phải tìm kiếm tài liệu, phải nghiên cứu các tài liệu chuyên sâu về lĩnh vực mình chọn. Và các em học sinh hoàn toàn có thể tiếp cận những đề tài chuyên sâu, có ý nghĩa, tính ứng dụng cao.

Trong đó, không đòi hỏi các em phải sáng tạo toàn bộ mà có thể chỉ xác định và giải quyết một vấn đề cụ thể trong đó như tôi đã nói ở trên. Đóng góp đó là không nhỏ.

Nhiều người nói rằng, sao trong các dự án của học sinh có nhiều ý tưởng liên quan tới chữa trị ung thư. Vì đó là vấn đề luôn được quan tâm. Và cùng là một giải pháp điều trị ung thư nhưng có thể các em chỉ chạm đến một khía cạnh của cả vấn đề, như làm thế nào để giải pháp điều trị tế bào ung thư đó hiệu quả hơn hoặc giảm thiểu tác hại đến các tế bào lành…

Trong quá trình thực hiện, các em cũng không làm một mình mà cần có một môi trường để triển khai. Trong môi trường đó có sự hỗ trợ của người lớn, như giáo viên, cha mẹ trong việc hướng dẫn quy trình nghiên cứu, thực hiện, lựa chọn đề tài, hay là những người thợ hỗ trợ các em trong việc gia công sản phẩm.

Tuy nhiên, những ý tưởng mới, cách xử lý vấn đề để đạt được những kết quả mới thì chắc chắn phải là của học sinh.

Về điều này, Bộ GD&ĐT cũng đã có những nguyên tắc, quy định cụ thể trong việc chấm giải. Trong đó, ban giám khảo không chỉ chấm dựa trên sản phẩm được trưng bày mà còn đánh giá trên hồ sơ để biết quy trình thực hiện. Đặc biệt là chấm dựa trên phỏng vấn trực tiếp học sinh.

Nếu sản phẩm không do học sinh thực sự làm thì sẽ lộ ngay ở quá trình phỏng vấn, phản biện. Trong tiêu chí chấm giải cũng có barem điểm rất rõ, trong đó có điểm dành cho việc trình bày, trả lời phỏng vấn của ban giám khảo.

Lùm xùm thi Khoa học kỹ thuật nghi có bàn tay người lớn: Bộ GD-ĐT nói gì? - 1

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học.

Ban giám khảo gồm nhiều nhà khoa học đã làm việc nghiêm túc

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học có mục tiêu, tiêu chí rất rõ ràng. Theo đó, học sinh hoàn toàn có thể dựa trên nền tảng, thành tựu khoa học kỹ thuật đương đại để có các ý tưởng mới và đưa ra cách giải quyết vấn đề mà trước đó chưa ai làm.

Điều này không có nghĩa học sinh phải chọn những vấn đề hoàn toàn mới mẻ mà có thể và thậm chí cần phải phát hiện, chọn những vấn đề từng có và đang có các nghiên cứu thành công, nhưng đưa ra được những phát hiện mới, những vấn đề mới, cách giải quyết mới để hoàn thiện hơn, ưu việt hơn.

Thử tưởng tượng nếu có một vấn đề nghiên cứu đã làm rồi, không ai tiếp tục nữa thì sẽ không bao giờ có các sản phẩm công nghệ ngày càng hoàn thiện, hiện đại hơn như những gì chúng ta chứng kiến hằng ngày, chẳng hạn như sự ngày càng hoàn thiện, hiện đại của máy tính, điện thoại, ô tô và những sản phẩm công nghệ khác.

Sau mỗi một cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, đều có những thắc mắc tương tự và đặt nghi vấn vào sự nghiêm túc, công bằng của việc chấm giải. Nhưng có thể khẳng định, ban giám khảo gồm nhiều nhà khoa học đã làm việc nghiêm túc và bám sát các tiêu chí chấm giải.

Sở dĩ nhiều người thấy các đề tài dự thi có vẻ "giống nhau", theo PGS Nguyễn Xuân Thành, là do cách đặt tên đề tài đều đề cập đến cùng một vấn đề, đôi khi chỉ khác nhau vài chữ.

Nhưng những người hiểu biết về lĩnh vực đều thấy, vài chữ khác nhau đó trong tên đề tài chính là điểm mới, điểm khác biệt mà các dự án hướng đến.

Năm trước đây từng có dự án được chọn dự thi quốc tế bị thắc mắc là giống cái đã làm - đó là đề tài thiết kế xe leo bậc thang cho người tàn tật. Nhưng với dự án dự thi năm đó, các em học sinh đưa ra được cái mới là thiết kế xe leo bậc thang có chức năng để xe có thể đi "tiến" khi lên dốc mà không bị lật, trong khi các xe khác phải đi "lùi".

Có một năm khác, dự án được chọn đi thi quốc tế cũng bị cho là "đã làm rồi". Nhưng trên thực tế không phải thế. Đó là dự án nghiên cứu làm ra lipid từ rơm rạ, trong khi dự án được cho là "đã làm rồi" của nước ngoài chế ra cồn. Cách xử lý rơm rạ của các em cũng khác so với cách mà đề tài trước đó đã làm. Dự án của học sinh Việt Nam dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm đó đã được giải.

Hay các dự án chế tạo cánh tay robot cho người tàn tật, có những ý kiến cho rằng hình như năm nào cũng có học sinh làm. Nhưng có thể nhiều năm tới đây, việc chế tạo cánh tay robot sẽ vẫn là vấn đề được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới.

Vì không ai khẳng định đã có "cánh tay robot" hoàn hảo đến mức không cần nghiên cứu, chế tạo gì mới hơn. Mỗi một dự án nghiên cứu, chế tạo có thể sẽ đưa ra một cái mới khiến "cánh tay robot" có tính năng ưu việt hơn, "thật" hơn, thuận lợi cho người sử dụng.

12 Dự án đạt giải Nhất

1. Lĩnh vực Y sinh và khoa học sức khỏe, dự án "Vi tảo biển - nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng cho ấu trùng ngao dầu" của học sinh hai trường THPT Việt Đức và THPT Chu Văn An, TP Hà Nội.

2. Lĩnh vực Kỹ thuật Y sinh, dự án "Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ" của học sinh đến từ trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM.

3. Lĩnh vực Hóa học, dự án "Nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ và hoạt hóa eNOS trên tế bào ECV304 từ một số bài làm thuốc thuộc chi Polygonum L. định hướng phòng và điều trị xơ vỡ động mạch" của học sinh trường THPT Ngô Quyền và THPT Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Phòng.

4. Lĩnh vực Phần mềm hệ thống; dự án "Thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát và quản lý học sinh trong trường học" của học sinh trường Tiểu học-THCS và THPT Victory, tỉnh Đăk Lăk.

5. Lĩnh vực Hóa sinh, dự án "Cải tiến peptit polybia-mpl để ứng dụng trong điều trị ung thư" của học sinh trường THPT chuyên Lam Sơn và THPT Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa.

6. Lĩnh vực Khoa học Vật liệu, dự án "Nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc trong Alginate chứa nano oxit sắt từ" của học sinh trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, ĐH Sư Phạm Hà Nội.

7. Lĩnh vực Kỹ thuật môi trường, dự án "Nghiên cứu, định danh loài sinh vật trung gian và trực tiếp gây viêm, hoại tử vết thương trên da người ở vùng nông thôn huyện Mỏ Cày Bắc tỉnh Bến Tre và định hướng giải pháp trong phòng trị hiệu quả cho người dân" của học sinh trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre.

8. Lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí, dự án "Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần" của học sinh trường THPT Hàn Thuyên, tỉnh Bắc Ninh.

9. Lĩnh vực Hệ thống nhúng, dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" của học sinh trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình.

10. Lĩnh vực Hệ thống nhúng, dự án "Cảnh báo sớm các rủi ro trong môi trường nuôi tôm bằng trí tuệ nhân tạo" của học sinh trường THPT Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh.

11. Lĩnh vực Toán học, dự án "Kích thích tư duy Toán học thông qua hệ thống bài tập hình học và trò chơi được thiết kế bằng phần mềm Scratch" của học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương, tỉnh Thừa Thiên Huế.

12. Lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi, đề tài "Khó khăn tâm lý trong học tập trực tuyến của học sinh THPT trước yêu cầu đổi mới hình thức dạy học" của học sinh trường THPT chuyên Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Các đề tài đạt giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật đang gây "xôn xao" dư luận...

Đích không phải giải thưởng

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành thông tin, nghiên cứu khoa học là một bậc cao hơn của giáo dục STEM mà Bộ GD&ĐT đang đặt ra trong lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông. Và vì thế, mục tiêu lớn hơn của Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Theo PGS Nguyễn Xuân Thành, mục đích của cuộc thi là góp phần phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Học sinh không chỉ được thực hành, trải nghiệm, ứng dụng kiến thức vào giải quyết một đề tài cụ thể, chế tác một sản phẩm cụ thể mà phát triển nhiều thứ như tư duy khoa học, năng lực khai thác tài liệu, năng lực thuyết trình, phản biện, các kỹ năng làm việc nhóm.

Sự hiểu biết các em có được từ việc này không chỉ hạn hẹp ở lĩnh vực đề tài các em thực hiện mà có thể mở rộng hơn.

Ví dụ qua nghiên cứu, thực hiện, các em có hiểu biết về tác hại của ô nhiễm môi trường và ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường trong lành, hay những giá trị nhân văn khi các em thực hiện một dự án hỗ trợ người tàn tật, người yếu thế trong xã hội… Đó là cái đích lớn muốn hướng tới.

"Trên thực tế, cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp trong gần một thập kỷ qua đã thu hút hàng ngàn học sinh tham gia. Trong đó có cả học sinh ở các vùng khó khăn. Điều đó khích lệ, tạo động lực cho giáo viên thay đổi để học sinh cũng thay đổi trong việc học đi đôi với hành.

Những điểm chưa phù hợp nếu có sẽ được xem xét, xử lý cụ thể nhưng không thể vì điều đó mà phủ nhận những giá trị có thật, có ý nghĩa trong tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông", PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.