Vấn đề tăng học phí:

Không nên đẩy Nhà nước vào tình huống khó xử!

(Dân trí) - “Việc tăng học phí nhằm đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho đào tạo nhằm nâng cao chất lượng là mục tiêu chính đáng của ngành giáo dục. Lợi ích của nhà nước, nhân dân, người học phải được cân đối, không nên đẩy nhà nước vào tình huống khó xử”.

Đó là quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Văn Học đối với vấn đề học phí tăng.

Trao đổi với Dân trí bên lề Quốc hội ngày 7/11, ông Học cho biết khi tính toán đến việc tăng học phí, Đề án điều chỉnh học phí đã được cân nhắc theo lộ trình, phù hợp với khả năng đóng góp của người dân và với mong muốn cũng như quyết tâm khi tăng học phí thì điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, giảng viên và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác phải tăng theo.

Học phí tăng thì cũng mỗi năm một chút

Trong chỉ thị năm học đối với bậc ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tăng học phí vào quý IV-2008. Có nhiều ý kiến của đại biểu QH sẽ có “ý kiến” nếu Bộ quyết định tăng thật. Đây không phải là lần đầu tiên ngành bị phản ứng về chuyện tăng học phí và ông có chia sẻ gì với ngành trong thời điểm này?

Nhiều người có đặt vấn đề việc tăng học phí trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn liệu có phải là dồn thêm gánh nặng cho người dân. Tôi nghĩ hai lĩnh vực này khác nhau. Còn việc đời sống người dân khó khăn do lạm phát, giá cả tiêu dùng tăng cao, đó cũng là một khó khăn. Nhưng anh muốn con cái được vào học trường tốt, cơ sở vật chất đầy đủ, giáo viên có trình độ cao mà học phí 10 năm nay không thay đổi gì, rõ ràng đòi hỏi như vậy là rất khó cho nhà nước.

Vì vậy, việc tăng học phí nhằm đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho đào tạo nhằm nâng cao chất lượng là mục tiêu chính đáng của ngành giáo dục. Lợi ích của nhà nước, nhân dân, người học phải được cân đối, không nên đẩy nhà nước vào tình huống khó xử.

Cũng có nhiều ý kiến khác thắc mắc rằng vì sao ngân sách nhà nước dành cho giáo dục năm nào cũng tăng mà ngành cứ nhất định phải “đòi” tăng học phí?

Ngân sách nhà nước dành cho giáo dục như hiện nay là 20%, thế nhưng quy mô đào tạo càng ngày tăng. Mặt khác, tỷ lệ ngân sách thì cao nhưng giá trị tuyệt đối không lớn.

Mặt khác, lộ trình từ nay đến năm 2012, mỗi năm tăng một chút, nếu đề án được duyệt thì học phí ĐH, CĐ cũng không tăng quá nhiều, từ 180.000đ/tháng lên khoảng 200.000 - 260.000 đồng/tháng. Ủy ban cũng nhất trí với việc thu học phí theo khối ngành, vì đào tạo một cử nhân, một bác sĩ và một kỹ sư rất khác nhau. Tôi cho rằng ngành giáo dục đã phải chuẩn bị thật chu đáo, còn việc thực hiện sẽ do Chính phủ quyết định.

Nên cảm thông cho ngành nếu chưa đột phá được chất lượng

Và cũng không ít ý kiến hoài nghi rằng tăng học phí chắc gì chất lượng đã tăng theo? Ông nhìn nhận về xu hướng này thế nào?

Ví dụ đối việc tăng học phí phổ thông. Bộ GD-ĐT đã điều tra mức thu nhập bình quân của một gia đình ở vùng nông thôn, thành thị, vùng sâu vùng xa và thấy rằng với mức thu nhập như thế, đóng từ 4%-6% thu nhập là chịu được.

Như vậy, học phí phổ thông không đáng bao nhiêu, có tăng cũng chỉ là phần hỗ trợ phần kinh phí nhà nước cấp hàng năm để cố gắng đảm bảo điều kiện tốt nhất có thể cho việc học tập.

Nhưng trong lúc khó khăn, nhiều trường phổ thông còn chưa có lớp học, phải học ca 3 thì thu được bao nhiêu, tốt bấy nhiêu. Không thể nói ít quá mà bỏ qua. Mức tăng này cũng chưa thể có bước đột phá về chất lượng được và tôi nghĩ điều này hoàn toàn đáng được cảm thông cho ngành.

Việc học phí bị “kìm nén” gần hơn 10 năm nay không thể tăng được đã dẫn một hệ luỵ là nhiều trường chịu không nổi đã bùng phát các khoản thu còn gấp nhiều lần học phí, đặc biệt là khối các trường ngoài công lập. Ông có suy nghĩ gì trước tình trạng này?

Theo luật, những khoản thu này là không hợp pháp và các trường không được làm việc đó. Trường có kinh phí nhà nước cấp đến đâu thì đầu tư đến đó chứ không thể đầu tư theo nguyện vọng của người học. Người học muốn ngồi bàn ghế tốt, lớp học có điều hòa nhiệt độ… thì trường không thể phục vụ được như thế. Nguyên tắc là đóng các khoản theo đúng quy định và chi tiêu của khoản tiền đó phải được công khai để người học quản lý, giám sát khoản nào chi cho giáo viên, khoản nào chi cho cơ sở vật chất, chi đào tạo nâng cao trình độ giảng viên... phải rất sòng phẳng.

Được biết Bộ GD-ĐT cũng đưa ra cơ chế 3 công khai: Trường thu 5 triệu/năm thì người học phải biết khoản tiền đó dùng vào việc gì.

Không thể “bỏ ngỏ” học phí ngoài công lập

Nếu có một điều gì đó cần góp ý cho Đề án học phí thì góp ý của ông sẽ là…?

Trường ngoài công lập có cơ chế riêng, có điều lệ hoạt động và các văn bản quy phạm pháp luật riêng. Việc thu học phí cao cũng coi như là một sự thỏa thuận giữa người học và hội đồng quản trị, lãnh đạo các trường ngoài công lập. Nếu cảm thấy học ở đó có chất lượng và chịu được mức thu thì cái đó là do thỏa thuận.

Nhưng ý kiến cá nhân tôi, cần phải xây dựng một mức trần học phí đối với khối ngoài công lập vì trong điều kiện nước ta hiện nay, không dám nói đầu tư cho giáo dục thì các trường ngoài công lập không nghĩ đến lợi nhuận.

Tôi không nói là chạy theo lợi nhuận nhưng người bỏ tiền xây trường không thể nào bỏ tiền mãi mãi mà không thu lại vốn trong khoảng thời gian nào đó. Mà đương nhiên, người đầu tư thì muốn thu lại tiền trong khoảng thời gian ngắn nhất. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng đã có ý kiến nhưng trong đề án học phí của Bộ GD-ĐT không nêu vấn đề này nên cũng không thể góp ý được.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mai Minh (Thực hiện)