Quảng Trị:

Hơn 100 học sinh chen chúc trong nhà bán trú xuống cấp

(Dân trí) - Qua hơn 3 năm sử dụng, khu bán trú dân nuôi thuộc trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Nang, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện hàng trăm học sinh phải sống trong điều kiện hết sức chật chội, vốn chỉ được thiết kế đủ cho 50 em.

Khu bán trú theo mô hình dân nuôi dành cho học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Nang (PTDTBT-THCS) do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị trao tặng, với tổng vốn đầu tư 330 triệu đồng. Theo thiết kế, công trình được xây dựng trên diện tích 700 m2, gồm khu nhà ở rộng 118,8 m2, có 2 phòng ở với 6 gian, gồm 25 giường tầng là chỗ nghỉ của 50 học sinh. Khu nhà bếp rộng 16,8 m2. Hệ thống cấp nước, khu vệ sinh… đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho học sinh tham gia học tại trường.

Khu bán trú của học sinh trường PTDTBT - THCS Pa Nang
Khu bán trú của học sinh trường PTDTBT - THCS Pa Nang (huyện Đakrông, Quảng Trị).

Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng, hàng trăm học sinh có nguyện vọng được về sinh hoạt tại khu bán trú. Thời điểm hiện tại đã lên tới trên 100 em, khiến cho nhà này trở nên quá tải, chật chội. Bên cạnh đó, do ý thức bảo vệ tài sản chung của học sinh chưa cao nên công trình đã nhanh chóng xuống cấp.

Học sinh phải sống trong môi trường chật hẹp, ẩm thấp
Học sinh phải sống trong môi trường chật hẹp, ẩm thấp
Học sinh phải sống trong môi trường chật hẹp, ẩm thấp.

Có mặt tại khu bán trú, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn của các em học sinh Vân Kiều nơi đây. Hơn 100 em sống chen chúc trong căn phòng bị ẩm thấp, chật hẹp. Nhiều đồ dùng sinh hoạt của các em vứt tứ tung trên giường, dưới sàn, quần áo móc đầy trên tường và cửa sổ. Phòng ở cũng là nơi các em dùng để nấu ăn bởi nhà bếp đã bị hư hỏng nặng.

Cửa đã bị hư hỏng...
Cửa đã bị hư hỏng...
Nền trong phòng, ngoài hành lang đã bị bong tróc
Nền trong phòng, ngoài hành lang đã bị bong tróc
Nền trong phòng, ngoài hành lang đã bị bong tróc.

Theo quan sát, phần lớn hệ thống cửa đã bị rơi ván, nhiều cánh cửa chỉ còn lại bộ khung. Tường và nền nhà cũng bị nứt nẻ, bong tróc. Mỗi khi mưa đến là ẩm thấp, gió lạnh lùa vào phòng. Hệ thống điện chiếu sáng cũng bị hư hỏng gây mất an toàn. Ngoài ra, khu nhà bếp cũng đã bị hư hại nghiêm trọng, cửa bị mất và chỉ còn lại nền đất và coi như bị “bỏ hoang”. Công trình nước sinh hoạt cũng bị hư hỏng nhiều, gây tắc.

Khu nhà bếp đã bị hư hỏng nặng
Khu nhà bếp đã bị hư hỏng nặng.

Em Hồ Thị A Lang, học lớp 8 cho biết, nhà em ở bản Cốc nên phải về đây ở, sinh hoạt và học tập. Vì sống xa gia đình nên ở đây chúng em phải tự giúp nhau, kiếm gì ăn nấy. Sau giờ học, nhiều bạn tranh thủ ra suối bắt cá, bắt cua hoặc lên rừng hái rau, măng… để về nấu ăn. Nếu không thì phải ăn cơm và sắn cho qua bữa.

Em Hồ Thị Thê xem lại bài học buổi chiều
Em Hồ Thị Thê xem lại bài học buổi chiều.

Em Hồ Văn Pôi, học lớp 6 nói: “Nhà em ở tận bản Trầm, mỗi lần về nhà cha, mẹ chỉ cho mấy chục ngàn nên phải ăn rau rừng để dành tiền mua xà phòng, giấy, bút”. Em Hồ Thị Thê, học lớp 8 ở bản Ngược cho biết, chúng em hàng ngày phải ăn cơm với muối, nước mắm vì gia đình chỉ cho gạo thôi. Nhiều bữa thầy, cô mang thức ăn đến cho thì mới có một bữa ăn ngon. Thầy, cô trong trường tốt bụng với chúng em lắm.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Hoàng Văn Luận - Hiệu trưởng trường PTDTBT - THCS Pa Nang cho biết, hầu hết học sinh học tại trường đều ở các bản rất xa như: Cốc, Trầm, Bù, Ngược, Tà Mên… nên phải về đây ở bán trú để tiện cho việc học. Sống trong môi trường tập thể nên các em phải tự giúp nhau. Tuy nhiên, cuộc sống của các em học sinh ở đây cũng gặp rất nhiều khó khăn, phải tự kiếm gì ăn nấy. Hiện trường có 272 học sinh thì 102 em phải sống trong nhà bán trú, vốn được thiết kế đủ cho 50 em nên hết sức chật chội. Số học sinh còn lại phải ra ngoài xin các nhà dân gần đó ở tạm để học.

Thầy Luận cho biết thêm: “Hầu hết học sinh theo học tại trường đều được hỗ trợ tiền ăn học, sinh hoạt theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ đó do cha, mẹ học sinh nhận và chu cấp cho các em trong quá trình học tại trường. Một thực tế đáng buồn là một số gia đình đã nhận được tiền hỗ trợ nhưng tiêu hết, không có sự quan tâm đến con cái nên các em về đây học tập trong điều kiện hết sức kham khổ. Không chỉ học sinh mà hiện tại nhiều giáo viên của trường cũng đang sống ở khu nội trú chật hẹp, mỗi phòng có đến 4, 5 người, sinh hoạt cũng rất bất tiện”.

Em Hồ Thị Thê xem lại bài học buổi chiều
Sống trong môi trường tập thể sẽ rèn luyện cho các em cách sống tự lập, ngoài ra các em sẽ thuận lợi trao đổi, giúp đỡ nhau trong học tập.

Tuy vậy, sống và sinh hoạt tại nhà bán trú, các em được hòa chung trong môi trường tập thể, được giao lưu, trao đổi và rèn luyện ý thức sống tự lập. Bên cạnh đó, học sinh có thể giúp đỡ nhau trong học tập. Nhờ đó mà tỷ lệ học sinh chuyên cần được duy trì ở mức độ cao, chất lượng giáo dục toàn diện ngày một tăng. Tuy nhiên, để các em có đủ điều kiện chuyên tâm trong học tập cũng cần lắm sự quan tâm của toàn xã hội.

UBND tỉnh Quảng Trị vừa quyết định trích hơn 16,5 tỷ đồng từ ngân sách trung ương phân bổ để thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nguồn kinh phí này được phân ra như sau: huyện Gio Linh hơn 1,6 tỷ đồng, huyện Đakrông 8,7 tỷ đồng và huyện Hướng Hóa 6,1 tỷ đồng.

 Nguồn kinh phí này sử dụng vào mục đích hỗ trợ tiền ăn, ở cho học sinh học bán trú; mua sắm dụng cụ thể thao và lập tủ thuốc chung ở các trường… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh miền núi yên tâm lưu trú trong suốt thời gian học tập tại trường.

Đăng Đức