Học online như tổ chức trận đá bóng, nhiều sinh viên sẽ bị bỏ lại phía sau

Tùng Nguyên

(Dân trí) - (Dân trí) -Tiến sĩ Châu Dương (Đại học East London, Vương quốc Anh) cho biết, học online ở Anh giống như tổ chức một trận đá bóng, sinh viên không chuyển đổi kịp sẽ bị bỏ lại phía sau.

Chiều 12/8, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), tổ chức hội thảo trực tuyến về đổi mới chương trình đào tạo. Tham dự hội thảo có gần 400 đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng, hội nghề nghiệp…

Tại hội thảo, Tiến sĩ Châu Dương (Đại học East London, Vương quốc Anh), đã trình bày tham luận về ảnh hưởng của Covid-19 đến việc chuyển đổi hình thức dạy và học ở Anh.

 Học online như tổ chức trận đá bóng, nhiều sinh viên sẽ bị bỏ lại phía sau - 1

Thách thức lớn nhất của việc chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang dạy online là đến từ sinh viên.

Theo ông, các trường tại Anh đang phải chuyển đổi khẩn cấp sang hình thức dạy và học online từ tháng 3/2020, khi bắt đầu áp dụng biện pháp chống dịch như cách ly xã hội ở nước ta.

Đến tháng 8/2020, Anh nới lỏng được vài tháng rồi áp dụng lại vào tháng 12/2020, kéo dài đến tháng 6/2021, mới nới lỏng.

Tiến sĩ Châu Dương cho biết: "Một ngày bỗng Nhà nước thông báo phong tỏa, chuyển việc dạy học sang hình thức online. Rất khẩn cấp, chưa chuẩn bị gì cả. Ban đầu rất khó khăn, đến nay đã ổn định. Những kinh nghiệm này các trường ở Việt Nam có thể học theo".

Chia sẻ về những khó khăn khi chuyển đổi, Tiến sĩ Châu Dương cho rằng "thách thức đến từ sinh viên là thách thức kinh khủng. Một phần sinh viên không chuyển đổi kịp, không đủ kiến thức, kỹ năng, thiết bị, tài chính… Họ không theo kịp và có thể nói là một bộ phận bị bỏ lại phía sau".

"Ở Anh, hạ tầng công nghệ, thiết bị đã khá tốt rồi nhưng khi chuyển đổi vẫn có rất nhiều khó khăn chứ không đơn giản. Nhiều sinh viên mất việc làm thêm, thiếu tài chính để duy trì việc học. Rồi căng thẳng do lo lắng bệnh tật, nhìn người thân trong gia đình ra đi… Nó ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần học tập của sinh viên".

Suốt mấy tháng đầu khó khăn như vậy. Nhà trường phải đồng hành, hỗ trợ sinh viên vượt qua. Đó là thách thức rất lớn - ông Châu Dương nhấn mạnh.

Thách thức thứ 2 là sức ì của giảng viên. Tiến sĩ Châu Dương chia sẻ nhiều đồng nghiệp của mình bao nhiêu năm chỉ dùng cục phấn, cây viết để giảng dạy. Qua một đêm, họ bắt buộc phải chuyển đổi tất cả. Rất khó khăn!".

"Ở Việt Nam, chúng ta có thời gian chuẩn bị, nếu tháng 9 này phải dạy học online có lẽ cũng kịp chuẩn bị. Nhưng đó vẫn là thách thức rất lớn, không phải giáo viên nào cũng làm được".

Tiến sĩ Châu Dương cũng chia sẻ kinh nghiệm, tại ngôi trường mình giảng dạy có xây dựng một đội ngũ tư vấn, chuyên gia công nghệ để hướng dẫn những điều mà giảng viên chưa biết để phục vụ cho việc dạy online.

Ông nói: "Lãnh đạo các trường phải hết sức lưu ý. Không thể nào nghĩ giảng viên sẽ làm được tất cả mọi thứ!".

Theo Tiến sĩ Châu Dương: Hai điều trên là 80% của vấn đề, khó khăn còn lại là công tác thẩm định, đánh giá chất lượng việc giảng dạy online, tuyển sinh như thế nào; Làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng để đáp ứng nhu cầu giảng dạy online…

Ông cũng chia sẻ mô hình dạy online tại trường ở Anh - nơi công tác: "Giống như tổ chức một trận đá bóng vậy, có những người đến xem tại sân bóng, có những người xem qua truyền hình trực tiếp. Vấn đề là công nghệ phải làm sao để người xem qua truyền hình trực tiếp có trải nghiệm không thua kém gì người đang xem tại sân bóng".

Ngoài ra, mỗi buổi dạy như vậy sẽ được ghi lại làm học liệu, mọi người có thể xem lại sau. Đồng thời, qua thời gian, nguồn học liệu này sẽ càng dày hơn, càng tốt đẹp hơn.

Ông nói: "Đây là cơ hội rất quan trọng để tích lũy học liệu. Trước đây chúng ta đã lãng phí rất nhiều học liệu như vậy, cứ giảng dạy tại lớp rồi lần sau lại nói y vậy".