Học ngành "hot" nhưng nhiều cử nhân thất nghiệp thời hậu Covid-19
(Dân trí) - Đại dịch Covid khiến nhiều cử nhân tốt nghiệp ngành "hot", tự tin với kiến thức chuyên môn nhưng lại rơi vào cảnh thất nghiệp vì không đủ kỹ năng, sự linh hoạt thích ứng với điều kiện bình thường mới.
Khi ngành "hot" hạ nhiệt
Theo "Báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Châu Á Thái Bình Dương 2020", Covid-19 khiến 81 triệu người mất việc làm trên toàn khu vực. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 4,4% năm 2019 lên mức 5,2% - 5,7% năm 2020. Báo cáo cũng chỉ ra rằng thanh niên và phụ nữ là những đối tượng có khả năng mất việc hoặc không tìm được việc làm cao trong và sau đại dịch.
Chưa cần quan tâm đến tỷ lệ thất nghiệp toàn khu vực, Nam Thắng (cựu sinh viên ngành Du lịch, Đà Nẵng) chỉ biết rằng đã ra trường gần một năm nhưng cậu chưa xin được việc. Thắng tốt nghiệp đúng thời điểm Covid-19 bùng lên mạnh mẽ ở Việt Nam và thế giới. Du lịch "đóng băng" khiến những cử nhân tốt nghiệp ngành này như Thắng không có cơ hội tìm việc làm, dù có tấm bằng giỏi. Vậy mà, trước đó chưa lâu, du lịch là ngành nghề "hot" ở thành phố biển miền Trung, được nhiều bạn trẻ săn đón.
Hậu Covid-19, thị trường lao động có nhiều thay đổi trong đó nhu cầu của doanh nghiệp được tinh gọn, tập trung vào các nhân sự vừa có kiến thức vừa có nhiều kỹ năng. Những cử nhân học ngành "hot" nhưng chỉ tập trung vào kiến thức chuyên môn như Thắng khó có cơ hội, dù chấp nhận làm trái ngành, trái nghề. Còn chờ đợi ngành "hot" lại lên ngôi, e rằng còn xa xôi.
Trải nghiệm để thích ứng
Nguyễn Diễm Phúc hiện là sinh viên năm 3, ngành Kinh doanh quốc tế, ĐH FPT Đà Nẵng. Phúc chọn ngành Kinh doanh quốc tế một phần vì sở thích, phần khác vì ngành này đang có triển vọng phát triển ở một thành phố trẻ sôi động như Đà Nẵng.
Vào ĐH FPT, ngoài học tập kiến thức chuyên ngành, Phúc "mê" các hoạt động trải nghiệm. Nữ sinh là thành viên CLB Nhảy, từng tham gia nhiều sự kiện ở trường. Từ khi bước vào năm 3, Phúc quan tâm đến các workshop, talkshow chia sẻ kỹ năng mềm, kinh nghiệm làm việc tại doanh nghiệp. "Bản thân mình cảm thấy nhận được nhiều thứ sau những hoạt động trải nghiệm ở trường. Đó là kỹ năng mềm, hiểu biết thực tế, những mối quan hệ mới... từng chút gom góp lại tạo nên "cái vốn" cho mình chuẩn bị bước vào kỳ thực tập và tốt nghiệp", Diễm Phúc chia sẻ.
Thời điểm Phúc chọn ngành, chọn trường, Covid-19 chưa xuất hiện. Thị trường lao động việc làm ở Đà Nẵng phát triển ổn định với những ngành nghề hứa hẹn như kinh tế, công nghệ thông tin, du lịch... tuy nhiên, những năm học ĐH cũng là khoảng thời gian Phúc chứng kiến Covid-19 tác động đến việc học, việc làm khi học sinh, sinh viên thành phố phải chuyển sang học online, du lịch "đóng băng", nhiều người mất việc làm... Theo Phúc, việc ra trường và có một công việc đúng ngành đúng nghề vào thời điểm này khó khăn hơn.
Tuy nhiên, nữ sinh này không bi quan bởi học ĐH FPT, Phúc nhận thấy mình có một số lợi thế. Học kinh tế nhưng nữ sinh này có cả trải nghiệm công nghệ, vốn sống thực tế, am hiểu xu thế giới trẻ nhờ tích cực tham gia các hoạt động sự kiện ở ĐH FPT. "Trải nghiệm ở trường giúp mình hiểu thực tế thị trường lao động đang như thế nào, yêu cầu của doanh nghiệp với nhân sự trẻ ra sao. Mình còn học được cách áp dụng kiến thức vào thực tế và sẵn sàng học hỏi cái mới nhờ thái độ cầu thị, khả năng thích ứng khá linh hoạt", nữ sinh cho biết.
Covid-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, đại dịch này cũng giống như một sự "chọn lọc tự nhiên" chỉ trao cơ hội cho những người trẻ có khả năng đáp ứng yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, thích ứng với thị trường lao động bình thường mới.