Hiệu trưởng phải là người đầu tiên đổi mới tư duy

Mai Châm

(Dân trí) - (Dân trí) -Người hiệu trưởng là người đi đầu cần phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm phải sáng tạo và phát huy hết năng lực của mình cho sự phát triển của nhà trường.

Tại Hội thảo "Đổi mới trong công tác quản lý giáo dục" được tổ chức ngày 16/11,  Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - người sáng lập trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy) so sánh các tính chất khác biệt giữa giáo dục thế kỷ 20 và giáo dục thế kỷ 21.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa là một trong những nhà giáo đi tiên phong trong đổi mới giáo dục. Ông cho rằng, giáo dục cung cấp kiến thức, liên tục mở các kỳ thi, giải thưởng là đặc điểm của giáo dục thế kỷ 20. Trong khi đó, giáo dục hình thành phẩm chất, phát triển năng lực là mục tiêu của giáo dục thế kỷ 21.

Hiệu trưởng phải là người đầu tiên đổi mới tư duy - 1

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa so sánh sự khác biệt giữa giáo dục thế kỷ 20 và thế kỷ 21.

Tiến sĩ Hòa cho rằng phương pháp giáo dục trước đây là người thầy truyền đạt kiến thức "đóng khung" trong sách giáo khoa", dẫn tới khối lượng kiến thức nặng nề, cứng nhắc. Còn phương pháp giáo dục theo mô hình thế kỷ 21 là người thầy cần phải tạo được hứng thú, phát huy vai trò sáng tạo, tự học của học trò, truyền đạt kiến thức mở.

Mặt khác, người học ở thế kỷ 21 cũng sẽ có sự thay đổi. Nếu như trước đây, người học chỉ chăm chăm ghi chép, ghi như những "cái máy", thì hiện nay người học phải tự khám phá bản thân, tìm kiếm đam mê và thế mạnh của mỗi người.

Theo nhà giáo này, đổi mới quản lý giáo dục trong nhà trường là một xu thế tất yếu khách quan và đòi hỏi sự cấp thiết của xã hội trong giai đoạn hiện nay. Đổi mới quản lý giáo dục không chỉ đổi mới cách làm việc của Ban giám hiệu mà còn đổi mới cách làm việc từ lãnh đạo các đoàn thể, lãnh đạo các tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm và cả từng giáo viên bộ môn.

Bởi quản lý giáo dục không chỉ quản lý con người mà quan trọng là quản lý công việc, quản lý kế hoạch và chiến lược; chỉ có quản lý công việc thì mọi người làm việc mới tự giác và có hiệu quả thật sự, còn quản lý con người thì làm việc chỉ với mục đích đối phó.

Vì thế, người hiệu trưởng là người đi đầu cần phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm phải sáng tạo và phát huy hết năng lực của mình cho sự phát triển của nhà trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường bồi dưỡng các kiến thức mà nhà lãnh đạo giáo dục cần có như: Hiểu biết về học sinh, những nguyên tắc cơ bản về sự phát triển của học sinh và các học thuyết học tập mới nhất, các nhu cầu đa dạng của học sinh…

Theo Tiến sĩ Hòa, người hiệu trưởng cần hiểu được vai trò của nhà trường đối với sự phát triển của cộng đồng, các học thuyết lãnh đạo giáo dục, các phương pháp nghiên cứu quản lý giáo dục, công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục…

Giáo dục và đào tạo hiện nay đang phát triển theo hướng đảm bảo chất lượng, trường học tự chủ và quản lý thay đổi.

Hội thảo "Đổi mới trong công tác quản lý giáo dục" cũng là dịp để các trường học trao đổi ý kiến, kinh nghiệm về các giải pháp đổi mới công tác quản lý giáo dục; đồng thời đề xuất các giải pháp quản lý thay đổi để giúp các nhà quản lý thay đổi nhận thức và đổi mới phương pháp quản lý theo hướng hiệu quả và chất lượng.