Hai bộ SGK "biến mất": Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam "mang con bỏ chợ"?
(Dân trí) - TS Giáp Văn Dương cho rằng, dù giải thích thế nào, việc hai bộ sách giáo khoa "biến mất" là sự cố bị đánh giá "mang con bỏ chợ" của NXB Giáo dục Việt Nam đối với những đơn vị chọn dùng sách này.
Bộ GD&ĐT cần rà soát lại
Từ năm học 2020-2021, ngành giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (hay còn gọi là Chương trình Giáo dục phổ thông 2018) ở lớp 1 với 5 bộ sách giáo khoa (SGK).
Trong đó, có 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều của 3 đơn vị: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản- Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC).
Năm học 2021-2022 tới đây, ngành sẽ tiếp tục triển khai chương trình mới ở lớp 2 và lớp 6 nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ biên soạn và phát hành 2 bộ SGK.
NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc "hợp nhất" hai bộ sách nhằm tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng.
TS Giáp Văn Dương- chuyên gia giáo dục, nhận xét: Dù giải thích thế nào, việc hai bộ sách giáo khoa "biến mất" là sự cố bị đánh giá "mang con bỏ chợ" của NXB Giáo dục Việt Nam đối với những đơn vị chọn dùng sách này.
+ Theo ông, việc NXB Giáo dục Việt Nam "hợp nhất" khiến hai bộ SGK "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" bị "biến mất", có ảnh hưởng đến giáo viên, học sinh- những người đã chọn sách này để học trong năm qua?
Theo tôi, việc hợp nhất chắc chắn ảnh hưởng đến các trường, giáo viên và học sinh đã chọn hai bộ sách này.
Nhà trường sẽ bối rối, khó khăn khi giải trình với phụ huynh vì sao lại chọn bộ sách bị "hợp nhất" hay nói cách khác là 'xóa bỏ' như vậy.
Với đội ngũ giáo viên, có thể họ sẽ có chút hoang mang bởi nếu năm nay không tiếp tục chọn, họ phải mất công tập huấn và làm quen lại với bộ sách khác.
Những ảnh hưởng này sau một năm sẽ được khắc phục phần nào, và theo thời gian sẽ dịu bớt đi. Nhưng niềm tin của xã hội với những người làm SGK sẽ bị sứt mẻ, không dễ gì khôi phục được.
Dù giải thích thế nào đi chăng nữa, tôi cho rằng, đây vẫn là sự cố bị đánh giá "mang con bỏ chợ" của NXB Giáo dục Việt Nam đối với những đơn vị đã chọn dùng sách này.
+ Một số giáo viên, nhà quản lý cho biết, họ ngỡ ngàng bởi khi đọc báo mới biết NXB Giáo dục Việt Nam "hợp nhất" hai bộ sách. Theo ông, cách làm này có thiếu tôn trọng người chọn sách, bởi lẽ sẽ không ai chọn sách ngay từ đầu nếu biết rằng năm lớp 2, nó "đứt gãy" giữa chừng?
Quả thật, sẽ không ai chọn các bộ sách này nếu biết rằng năm sau chúng sẽ biến mất.
Dù gọi là "hợp nhất" hay bằng bất cứ mỹ từ nào khác, thực tế hai bộ sách này sẽ bị dừng phát hành, tức xóa sổ theo cách hiểu của đại chúng.
Nếu giả thiết việc chọn sách dựa trên các yếu tố chuyên môn thuần túy, hoàn toàn trong sáng, việc chọn bộ SGK nào chính là quyết định đồng hành cùng nhóm tác giả và cách tiếp cận chương trình của bộ SGK đó.
Thế nhưng mới được một năm, bộ sách đó đã bị "khai tử", điều đó không chỉ thiếu tôn trọng với người chọn sách mà còn gây nhiều cảm xúc trái ngược.
Đó là chưa kể đến sự thất vọng của các chủ biên và tác giả của hai bộ SGK bị "hợp nhất" này, thậm chí có thể gây bức xúc.
+ Vậy theo ông, việc NXB Giáo dục Việt Nam đột ngột "xóa" hai bộ SGK như hiện nay, có phải cách làm đúng với cả giáo viên, học sinh, những đối tượng đang sử dụng sách?
Nếu vì NXB Giáo dục nhận thấy việc để 4 bộ SGK song hành là sai lầm cần phải sửa, vì không đủ nguồn lực để ôm tiếp cả 4 bộ sách, ta có thể thông cảm được.
Tuy nhiên, việc làm SGK lần này vừa mang tính kinh doanh, lại có các yếu tố pháp quy ở trong khâu quản lý, nên việc "hợp nhất" hai bộ sách này đúng hay sai so với cách quy định hiện hành sẽ rất quan trọng.
Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT cần rà soát lại xem có gì sai, có gì phạm quy, có gì không chặt chẽ trong không quản lý ở đây hay không.
Nếu có thì phải sửa sai, phải xử lý theo các quy định hiện hành, chứ không thể chỉ phàn nàn: Nhà xuất bản "chơi không đẹp".
Lo ngại "tái độc quyền" SGK
+ Có ý kiến cho rằng, NXB Giáo dục nên lấy ý kiến phụ huynh, học sinh trước khi xóa sổ hai bộ sách, quan điểm của ông ra sao?
Việc này nếu làm được thì rất tốt, nhưng sẽ chẳng nhà xuất bản nào lấy ý kiến của phụ huynh và học sinh.
Đối với các NXB, phụ huynh và học sinh là khách hàng, còn SGK là sản phẩm thương mại.
Nhà sản xuất có thể lắng nghe khách hàng, nhưng việc duy trì dòng sản phẩm nào là do hiệu quả kinh doanh quyết định.
Chưa kể, việc lấy ý kiến này sẽ gây phản ứng rất lớn từ những người bị ảnh hưởng và trong dư luận xã hội, gây khó cho NXB, nên có thể dễ dàng thấy rằng, không NXB nào sẽ lấy ý kiến của phụ huynh và học sinh.
+ Từ 4 bộ sách, NXB Giáo dục Việt Nam "hợp nhất" còn 2 và không thể khẳng định, một ngày nào đó có thể tiếp tục "hợp nhất" để còn một bộ. Điều đó dấy lên lo ngại, việc độc quyền SGK có thể sẽ quay trở lại. Ông đánh giá ra sao về điều này?
Một chương trình nhiều bộ SGK là chính sách đúng đắn. Nhưng tiếc rằng, một mình NXB Giáo dục Việt Nam lại "ôm" 4 bộ SGK, dẫn đến nửa chừng đứt gãy.
Theo tôi nhẽ ra, Bộ GD&ĐT phải nhận thấy các điểm bất hợp lý để không "dồn gần hết trứng vào một giỏ".
Chẳng hạn, việc 4 bộ SGK sẽ cạnh tranh công bằng trong nội bộ với nhau ra sao, NXB Giáo dục Việt Nam phân bổ nguồn lực thế nào, đều là các rủi ro có thể hình dung trước được.
Nay xảy ra việc "hợp nhất", cá nhân tôi cho rằng, đấy là do sai ở phần thực hiện. Một khi chính sách được xác định đúng, thì cần được tiếp tục, nên để nhiều NXB tham gia vào làm sách.
Chẳng hạn ở Singapore, họ có hàng chục bộ SGK được lưu hành đồng thời chứ không chỉ 3 hay 5 bộ.
Do đó, cho phép nhiều NXB cùng tham gia làm SGK là xu hướng không tránh khỏi, thậm chí rất tốt cho ngành giáo dục và cho cả xã hội.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!