Hà Nội: Biến tướng chiêu lừa "chuyển tiền vì con cấp cứu ở bệnh viện"

Mỹ Hà

(Dân trí) - Thay vì giả danh giáo viên, nhân viên y tế, một số kẻ lừa đảo ở Hà Nội giả danh bạn cùng lớp gọi điện cho gia đình chuyển tiền vì bạn "đang cấp cứu ở bệnh viện".

Giả danh bạn của con để lừa đảo

Sáng 14/3, ông Hoàng Anh Tú nhận được hai cuộc điện thoại từ số máy 0703850***, với giọng hớt hải hỏi: "Chú có phải là bố bạn Trà My không?"; và sau đó là: "Chú có phải là bố bạn Gia Bách không?".

Người gọi điện cho biết, Trà My bị tai nạn đang cấp cứu ở bệnh viện quân đội 108 và nhắn gia đình chuyển tiền để đóng viện phí, nếu không sẽ rất nguy kịch.

Do những ngày gần đây, anh Tú có theo dõi thông tin trên truyền thông nên đến đoạn chuyển tiền anh biết ngay chiêu giả danh nên cúp máy.

Được biết sau khi biết mình là đối tượng của bọn giả danh của chiêu lừa đảo "con đang cấp cứu", phụ huynh này đã gọi giáo viên chủ nhiệm. Trường cử người lên lớp và xác nhận em này vẫn học bình thường, kịp thời ngăn chặn sự việc.

Hà Nội: Biến tướng chiêu lừa chuyển tiền vì con cấp cứu ở bệnh viện - 1

Đối tượng lừa đảo chuyển số tài khoản đến cho anh Tú sau khi giả danh là bạn của con (Ảnh: A. Tú).

Ngay lập tức, trường thông báo cho tất cả giáo viên chủ nhiệm về chiêu lừa này, đề nghị giữ liên lạc chặt chẽ với gia đình, đồng thời gửi tin nhắn cảnh báo tới phụ huynh.

Cũng trong chiều 14/3, nhiều trường học ở Hà Nội đồng loạt phát đi cảnh báo đề nghị phụ huynh cảnh giác cao độ và xác nhận ngay với giáo viên chủ nhiệm nếu nhận được cuộc gọi tương tự.

"Hiện nay, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang diễn ra tình trạng lừa đảo việc giả danh giáo viên, bác sỹ nói "con bị tai nạn đang cấp cứu ở viện" và yêu cầu chuyển khoản tiền. Bố mẹ lưu ý cảnh giác, nếu gặp tình huống trên thì gọi cho cô giáo để xác nhận", một giáo viên ở Thanh Xuân nhắn đến toàn thể phụ huynh của lớp mình vào chiều 14/3.

Đặc biệt, đối tượng lừa đảo còn gọi điện giả danh giáo viên chủ nhiệm để yêu cầu chuyển khoản thì gặp Phó hiệu trưởng của một nhà trường trên địa bàn quận Thanh Xuân. 

Theo một số phụ huynh, mặc dù biết trước sự việc nhưng thoạt nghe, họ vẫn bủn rủn tay chân. "Bởi vậy mới hiểu, vì sao một số người không tiếp cận với báo chí hay thông tin trên Internet lại dễ mắc lừa đến vậy", một phụ huynh nói.

Hà Nội: Biến tướng chiêu lừa chuyển tiền vì con cấp cứu ở bệnh viện - 2

Nhiều lãnh đạo trường học trên địa bàn Hà Nội thông tin về việc lừa đảo "con cấp cứu ở bệnh viện" (Ảnh: Chụp màn hình).

Hà Nội phát báo động đỏ

Chia sẻ về việc vì sao đã xảy ra một số vụ lừa đảo tương tự nhưng một số phụ huynh vẫn bị lừa, anh Hoàng Anh Tú nói rằng, không phải cha mẹ ngốc mới bị lừa, ấy là vì cha mẹ thương con.

"Vậy nên khoan hãy vội trách những phụ huynh ấy mà hãy chung tay cảnh báo nhiều hơn nữa, đừng tiếc một bài viết trên mạng xã hội bởi chúng ta sẽ xóa sổ được chiêu lừa đảo này nếu ngày càng nhiều người biết và cảnh giác", anh Tú nói.

Về câu hỏi khi đối tượng lừa đảo có số tài khoản, liệu có tìm được đối tượng lừa đảo không, anh Tú cho rằng, không thể bởi đây là tài khoản ảo đã bị kẻ xấu lập ra do hệ lụy từ việc rò rỉ căn cước công dân.

Việc rò rỉ số điện thoại hay căn cước, có thể do bạn khai báo số máy cho một cửa hàng nào đó để giảm giá khi mua hàng hay để đổi quà khuyến mại…

Được biết, chiêu lừa "chuyển tiền gấp để cấp cứu cho con" xuất hiện đầu tiên tại TPHCM. Nhiều phụ huynh đã bị người lạ lừa chuyển tiền để phẫu thuật cho con ở Bệnh viện Chợ Rẫy với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng/người.

Liên tiếp những ngày qua, phụ huynh ở nhiều tỉnh, thành như Gia Lai, Đà Nẵng..., cũng nhận được các cuộc gọi tương tự.

Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh đã đồng loạt gửi thông báo lưu ý các nhà trường và phụ huynh về chiêu lừa này.

Chiều 14/3, Sở GD&ĐT Hà Nội phát đi thông báo, báo động đỏ liên quan đến chiêu lừa "chuyển tiền vì con cấp cứu ở bệnh viện".

Sở yêu cầu các trường thông tin tới phụ huynh, nếu nhận được cuộc gọi thì cần bình tĩnh xác minh, tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất kỳ hình thức nào.

Phụ huynh có thể trình báo công an nơi gần nhất để được hỗ trợ. Các trường cũng được chỉ đạo phối hợp chặt chẽ hơn với gia đình, lên phương án tiếp nhận, xử lý kịp thời khi nhận được phản ánh.