GS Hoàng Tụy và những quan điểm thẳng thắn về trọng dụng nhân tài

(Dân trí) - Sinh thời, GS Hoàng Tụy vô cùng tâm huyết với giáo dục, khoa học nước nhà. Ông có nhiều trăn trở về việc trọng dụng nhân tài để phát huy tinh hoa trí tuệ Việt đẩy đất nước đi lên. “Vì sao các nước nghèo đều rất ít nhân tài, phải chăng dân họ kém thông minh?”, ông đặt vấn đề.

Sáng nay 19-7, lễ truy điệu GS Hoàng Tụy được tổ chức tại Hà Nội. Lễ điện táng và an táng tại công viên nghĩa trang Thiên Đức, huyện Phù Ninh, Phú Thọ vào chiều cùng ngày.

Giành giật tài năng trong thời toàn cầu hóa

Từ những năm 2000, GS Hoàng Tụy nêu ra câu hỏi: người Việt Nam vốn có tiềm năng trí tuệ không kém ai, tại sao hơn một phần tư thế kỷ sau khi độc lập thống nhất đất nước chưa thực sự vươn lên mạnh mẽ trong thời đại mà chính trí tuệ, sự khôn ngoan chứ không phải của cải vật chất sẵn có, là nguồn lực sức mạnh quyết định? Cái gì cản trở, níu kéo chúng ta, không cho chúng ta tiến nhanh?

Giải đáp nghịch lý đó, GS Hoàng Tụy cho rằng: từng người thông minh chưa đủ. Sự thông minh cá nhân chỉ phát huy được thông qua sự thông minh hệ thống của cả cộng động. 

GS Hoàng Tụy và những quan điểm thẳng thắn về trọng dụng nhân tài - 1

Theo GS Hoàng Tụy, cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phát huy trí tuệ toàn dân, trọng dụng nhân tài để xây dựng đất nước. (ảnh minh họa).

GS Hoàng Tụy chia sẻ rằng, ở các nước văn minh, giá trị tài năng thường được đánh giá đúng nên ý thức quý trọng nhân tài ăn sâu trong các tầng lớp xã hội, buộc người lãnh đạo phải đủ bản lĩnh quy tụ nhân tài mới làm cho đất nước hay công ty của mình phát triển.

Tập quán đó đã thành truyền thống trong xã hội công nghiệp, đến thời kinh tế tri thức và toàn cầu hóa thì việc thu hút, sử dụng, gìn giữ, phát huy và phát triển tài năng càng là ưu tiên số một trong cuộc canh tranh sống mái giành giật thị trường. Kinh tế tri thức nói gọn lại là kinh tế dựa chủ yếu vào tài năng. Toàn cầu hóa dẫn đến tự do hóa di chuyển vốn, mà vốn quý giá nhất lại là tài năng. Cho nên xu thế tất yếu là với toàn cầu hóa, tài năng sẽ ngày càng di chuyển ập trung đến các nước giàu mạnh. Xu thế ấy đang làm cho các nước giàu đã giàu càng giàu thêm, còn những nước nghèo mà buông xuôi hay không biết chủ động ứng phó thì sẽ ngày càng thua thiệt.

Càng nghèo càng khó có điều kiện giữ chân được nhân tài của mình, nói gì là thu hút nhân tài từ các nước khác đến. Thật ra không riêng gì quốc gia kém phát triển mới lo lắng. Ngay cả nhiều nước tiên tiến ở châu Âu cũng đang báo động làn sóng chảy máu tài năng từ châu Âu vào Mỹ.

GS Hoàng Tụy và những quan điểm thẳng thắn về trọng dụng nhân tài - 2
Sinh thời, GS Hoàng Tụy có nhiều trăn trở về việc đổi mới cơ chế quản lý nhằm trọng dụng nhân tài.

Đất lành chim đậu

Mùa xuân năm 2005, GS Hoàng Tụy tiếp tục trăn trở: Ngày nay, Việt Nam đang đứng trước một thời kỳ lịch sử đầy trách nhiệm. Sau khi giành được độc lập, thống nhất, Việt Nam đã chậm trễ nhiều so với các dân tộc khác. Muốn đuổi kịp thiên hạ, xây dựng một nước Việt Nam hiện địa, phồn vinh, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thế hệ chúng ta phải nỗ lực phi thường.

“Kinh nghiệm nhiều nước lại chỉ rõ, trong thời đại này, khó khăn lớn nhất để thực hiện mục tiêu đó chưa phải là vốn, kỹ thuật hay tài nguyên, mà trước hết là nhân tài, cái yếu tố “nguyên khí quốc gia” mà cha ông ta đã từng nhắc đến. Vì vậy, hơn lúc nào hết, một chiến lược nhân tài nhằm động viên tổng lực trí tuệ, tài năng của dân tộc cho nhiệm vụ chấn hưng đất nước có ý nghĩa hết sức trọng đại”, ông viết. GS Hoàn Tụy cũng nhấn mạnh, dùng người tài – người lãnh đạo mới phải bản lĩnh.

Vì sao các nước nghèo đều rất ít nhân tài, phải chăng dân họ kém thông minh? Hoàn toàn không phải.

Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng Hàn Quốc, Singapore có nhiều người tài hơn ta, đâu phải vì dân họ thông minh hơn mà vì nguyên nhân khác. Ngẫm ra, tài năng là một thứ tài nguyên đặc biệt, rất khó tính ở chỗ nếu không được sử dụng, không có đất dụng võ thì nó không phát triển và mau chóng tàn lụi, cho nên nếu không dụng võ được ở một nơi nào, dù cho nơi đó là quê hương, thì nó có xu hướng tìm đến một nơi khác có thể dành cho nó điều kiện phát triển thuận lợi hơn.

Đừng bảo như thế là không yêu quê hương vì thật ra tìm nơi làm việc cho tài năng phát triển tột độ có khi còn giúp ích cho quê hương nhiều hơn là để tài năng mai một hay bị chôn vùi ở một nơi không cần hay chưa cần đến nó”.

Chính vì đặc điểm ấy mà nhiều nước nghèo không biết, hay không sử dụng được tài năng, thường để mất dần tài năng, rồi do đó tiếp tục nghèo, tụt hậu, rồi càng tụt hậu càng khó giữ nổi tài năng và tụt hậu thêm nữa. Trừ khi, như Nhật Bản hồi cuối thế kỳ XIX, như Hàn Quốc, Singapore cách đây vài ba thập kỷ hay Trung Quốc đã từng, quyết tâm thay đổi cách nghĩ về người tài và có chính sách sử dụng thích đáng nhân tài trong nước, do đó dần thu hút nhân tài từ ngoài về.

Theo GS Hoàng Tụy, chừng nào nhân tài trong nước còn chưa được sử dụng thích đáng, còn gặp quá nhiều khó khăn không đáng có trong đời sống và công việc, thì chưa thể khuyến khích nhân tài đang ở nước ngoài quay về quê hương. Chỉ hô hào, động viên không thôi chưa đủ.

Nên quan điểm nhân tài là tài sản quý của quốc gia, coi việc tạo điều kiện cho họ cống hiến là lợi ích thiết thân của cộng đồng, khi nào thuận lợi thì khuyến khích họ về giúp nước, chưa thuận lợi thì cứ để họ ở nước ngoài làm dự trữ cho tương lai.

“Đưa một người tài về chỉ để trang trí rồi để tài năng họ mòn mỏi dần, không chỉ là một sự lãng phí lớn, mà còn có tác dụng nược lại là cắt đứt đường về đối với những người tài khác đang còn làm việc ở nước ngoài và đang mong mỏi có dịp trở về quê hương”, ông thẳng thắn nêu quan điểm.

Lệ Thu