Giáo dục trực tuyến: Một cuộc “đổi mới” chưa từng có về dạy học
(Dân trí) - Giáo dục trực tuyến đã không còn giới hạn là một hệ đào tạo như một số quan niệm trước đây mà đang dần trở thành một hệ sinh thái, là một điểm nhấn cho triết lý giáo dục mở tại Việt Nam.
Ngày 27/10, Hội thảo “Hệ sinh thái giáo dục trực tuyến - Mô hình, tổ chức và một số yếu tố đảm bảo chất lượng” do Trường Đại học Mở Hà Nội và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức diễn ra tại Hà Nội.
Xây dựng hệ sinh thái giáo dục trực tuyến đảm bảo chất lượng
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: “Đại dịch Covid-19 là một sự kiện bất ngờ đối với cả xã hội, không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới đều bị tác động không nhỏ. Chính vì vậy giáo dục đã chứng kiến một sự gián đoạn chưa từng có.
Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam lần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội ở quy mô chưa từng gặp phải. Mặc dù các nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục và từng giáo viên đã hết sức nỗ lực nhưng chúng ta vẫn không thể đảm bảo việc giáo dục liên tục. Trong hoàn cảnh đó, sự quyết tâm của các cấp, sự nỗ lực của từng nhà giáo và sự ủng hộ của người dẫn đã giúp chúng ta có được một cuộc “đổi mới” chưa từng có về dạy học: Mọi cấp học, mọi địa bàn đã khẩn trương triển khai dạy học trực tuyến”.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, trong hình thái dạy và học mới của dạy học trực tuyến, công nghệ đã góp phần vào nâng cao tính linh hoạt của việc học và đảm bảo duy trì hoạt động giáo dục, góp phần cho việc thực hiện kế hoạch năm học trong khung thời gian cho phép.
Tuy vậy, hoạt động dạy học trực tuyến vừa qua cũng đã cho chúng ta thấy một số khiếm khuyết của giáo dục trực tuyến ở Việt Nam. Giáo viên và học sinh, sinh viên chưa sẵn sàng cho sự chuyển đổi sang học tập trực tuyến, cả về phương pháp cũng như tư duy.
Cả người học và người dạy còn thiếu các điều kiện tối thiểu để đảm bảo cho hoạt động dạy học trực tuyến. Chúng ta chưa có được hạ tầng mạng đến khắp các địa bàn, người học cũng như người dạy chưa có đủ phương tiện kỹ thuật cũng như các học liệu cần thiết để tiến hành dạy và học trực tuyến.
Hệ thống quản lý chưa theo kịp sự phát triển của thời đại, công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát chưa phù hợp với phương thức dạy học mới. Nội dung dạy học chưa được thiết kế với phương thức truyền tải mới, với điều kiện đảm bảo hiện có. Quản lý tiến độ học tập chưa được thực hiện phù hợp, cách quản lý vẫn mang nặng tính chất của quản lý dạy học trực tiếp.
Giải pháp nào đảm bảo chất lượng tổng thể?
TS. Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ trong dạy học trực tuyến cũng khẳng định: “Dạy truyền thống tập trung đã được thay thế cho phân tán với ứng dụng Công nghệ thông tin một cách triệt để.
Người học từ tiếp cận thuyết giảng thì nay việc học cũng thay đổi sang tự học theo định hướng của người dạy với tài nguyên số ngày một tăng. Người dạy cũng phải thay đổi từ thuyết giảng giáp mặt sang cung cấp các nội dung số cho người học và hướng dẫn họ tìm kiếm tài nguyên số phục vụ cho quá trình học tập”.
Trong thực tiễn Việt Nam, giáo dục trực tuyến cũng đã có từ nhiều năm nay, với sự gia tăng về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, thực hiện dạy học trực tuyến nói chung, dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua nói riêng thì vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
PGS. TS Phạm Đức Quang - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, để dạy học trực tuyến đạt chất lượng, hiệu quả thì rất cần phải tiếp cận tổng thể. Nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục, đã đề cập đến Hệ sinh thái giáo dục, bao gồm con người (người dạy, người học, cán bộ quản lý giáo dục); kết nối (thực, ảo; tư liệu, dữ liệu…); các mối quan hệ giữa các đối tượng (phương thức giáo dục; đánh giá kết quả; quản lý giáo dục; chính sách giáo dục….).
Hệ sinh thái giáo dục trực tuyến là một hệ sinh thái giáo dục dựa trên nền tảng công nghệ, các công cụ, nguồn lực, có mặt với mục đích giúp hay hỗ trợ người học có được kiến thức, kỹ năng theo sở thích nguyện vọng, đáp ứng mục tiêu đã định. Mỗi thành phần trong môi trường giáo dục trực tuyến đều tương tác và mang lại lợi ích tối đa cho người học; hơn nữa, họ được sử dụng các nguồn lực để đạt được mục tiêu và mục đích của mình.
PGS. TS Phạm Đức Quang trình bày thực trạng các bậc cha mẹ, nhà giáo dục, nhà hoạch định chính sách và người học bày tỏ một số lo ngại tiềm ẩn khi học trực tuyến. Cụ thể, do học tập trực tuyến trên nền tảng công nghệ nên người học có thể cô lập, ảnh hưởng cản trở sự phát triển tình cảm, xã hội, giao tiếp và thể chất. Không phải ai cũng biết cách học và sẽ phát triển nhờ tự học, tự định hướng việc học. Mỗi người học sẽ học với phong cách học tập khác nhau và không phải ai cũng phù hợp với giáo dục trực tuyến. Công nghệ sẽ dần làm mất đi những ưu điểm của giáo dục truyền thống, điển hình là tương tác trực tiếp.
“Một bộ phận giáo viên hay các nhà giáo dục (nhất là những giáo viên đã lớn tuổi, thế hệ cũ) đã quá tải với các công việc hiện hành và không thể chuẩn bị, học tập để kịp thời bổ sung, thích ứng được với các yêu cầu sử dụng công nghệ mới. Họ không biết dùng máy tính, không biết cách tạo lớp học ảo… nên không thể tự tổ chức lớp học online.
Mặc khác, rất khó để đánh giá chất lượng của tài liệu giáo dục hay bài giảng trực tuyến và chất lượng người học sau khi học”, PGS. TS Phạm Đức Quang bày tỏ băn khoăn.
Đề xuất xây dựng hệ sinh thái giáo dục trực tuyến, ông Đức kiến nghị cần đảm bảo cơ sở vật chất và điều kiện cho hệ sinh thái giáo dục trực tuyến như: Nền tảng cloud, giúp dễ dàng cung cấp sản phẩm theo hướng phần mềm như một dịch vụ cho khách hàng; ứng dụng công nghệ AI, VR/AR nhằm triển khai được các phòng thí nghiệm Vật lý và Hóa học… an toàn hơn so với các phòng thí nghiệm truyền thống;
Ứng dụng Big data nhằm dự báo và dự đoán trong các bài toán quản lý giáo dục; ứng dụng IoT nhằm cho phép điểm danh và tự động nhắn tin về cho phụ huynh khi con em không đến trường hay đến muộn, cho phép học sinh tương tác trực tiếp với sách điện tử qua bút điện tử và thầy/cô tương tác với học sinh thông qua bảng tương tác, cảm ứng và máy tính bảng; ứng dụng công nghệ blockchain trong việc quản lý và cấp phát văn bằng.
“Về chất lượng giáo dục trực tuyến, điều đầu tiên cần quan tâm khi xây dựng một bộ tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trực tuyến là chọn hướng tiếp cận. Nên kết hợp cấu trúc của tiêu chuẩn đào tạo từ xa hay dạy học trực tuyến với OEQF (Open Ed Quality Frameword) và ISO/IEC 40180 để tạo thành một khung tiêu chuẩn Việt Nam. Các hạng mục của OEQF được lấy làm gốc, nhưng nên được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới”, PGS.TS Phạm Đức Quang chia sẻ.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: “Để học tập trực tuyến trở thành một hình thức học chính thức, ngang hàng và hỗ trợ học trực tiếp thì cần đặt ra những yêu cầu kỹ thuật, chất lượng cho nội dung dạy học trực tuyến. Về kỹ thuật, cần đảm bảo rằng cơ sở vật chất hạ tầng thiết bị, đường truyền internet, phần mềm học tập được trang bị, hỗ trợ đầy đủ, ổn định”.
Về chuyên môn, giáo viên cần được tập huấn về dạy học chương trình phân hóa trong thiết kế nội dung đồng thời tương thích với phần mềm dạy học, cung cấp, khai thác, tích hợp với tài nguyên trên mạng internet hợp lý.
Về quản lý, cần có phần mềm quản lý hệ thống tích hợp với phần mềm môn học để có thể đánh giá quá trình học tập, quản lý giảng dạy giúp việc học có thể được triển khai ở nhiều cấp độ: học với máy, học có hướng dẫn của giáo viên, học trong xã hội học tập. Chỉ khi có sự chuẩn bị tốt, nội dung dạy học đạt được những yêu cầu thì dạy học trực tuyến mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả học tập, đồng thời đó là điều kiện để xác thực, chính thức hóa việc học tập này, xây dựng một hệ sinh thái giáo dục trực tuyến hiệu quả".
Trình bày báo cáo tham luận “Hệ sinh thái giáo dục trực tuyến và yêu cầu đảm bảo chất lượng”, TS. Trần Thị Lan Thu - Đại học Mở Hà Nội đề xuất: Trong bối cảnh thế giới đang phát triển, giáo dục cần có những cách tiếp cận đổi mới để đáp ứng những yêu cầu và thách thức phức tạp, xây dựng xã hội học tập và mô hình “cá nhân hoá”, lấy người học làm trung tâm” là những giải pháp đóng vai trò quan trọng.
Hệ sinh thái giáo dục trực tuyến được phát triển, vận hành có chất lượng sẽ đặt ứng giáo dục cá nhân hóa, tạo môi trường thuận lợi nhất để mỗi cá nhân phát triển, hoàn thiện và phát triển, xu thế giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.