Gặp giảng viên 8X ngành khai thác máy tàu nhiều năm đạt thành tích xuất sắc

Lệ Thu

(Dân trí) - Kỹ sư, thạc sỹ, sỹ quan là những học hàm, học vị của anh Lê Huy Thụ - giảng viên tiêu biểu trường Cao đẳng Hàng hải I, Hải Phòng. Thế nhưng, anh vẫn thích nhất được mọi người gọi mình là người thầy.

Thầy Lê Huy Thụ sinh năm 1980 và lớn lên ở Hải Phòng. Anh tốt nghiệp Kỹ sư chuyên ngành Khai thác máy tàu biển, Thạc sỹ chuyên ngành Khai thác và bảo trì máy tàu thủy, Sỹ quan vận hành Khai thác máy tàu biển.

Gặp giảng viên 8X ngành khai thác máy tàu nhiều năm đạt thành tích xuất sắc - 1

Kỹ sư Lê Huy Thụ, giảng viên chuyên ngành Khai thác máy tàu biển tại trường Cao đẳng Hàng hải I, Hải Phòng.

Chia sẻ về quá trình bén duyên với ngôi trường Cao đẳng Hàng hải 1, anh Thụ cho hay, trường không phải là nơi xa lạ với cá nhân anh ngay cả khi anh chưa về đây công tác.

“Nhà tôi khá gần trường nên hồi còn đi học tôi thường qua chơi vì đây là ngôi trường khang trang có hồ bơi, sân bóng và nhiều thể thao chuyên ngành cho người đi biển. Đó là lý do tôi lựa chọn theo học ngành Hàng hải và trở về trường công tác sau khi tốt nghiệp”, anh cho hay.

Thầy Thụ về trường giảng dạy từ đầu năm 2003, trải qua hơn 17 năm công tác, thầy giáo trẻ “kinh qua” nhiều vị trí công việc khác nhau và hiện tại là giảng viên thuộc biên chế tổ môn Diesel, khoa Khai thác máy tàu biển kiêm nhiệm quản lý phòng thực hành Diesel và phòng thực hành Máy phụ tàu thủy.

Gặp giảng viên 8X ngành khai thác máy tàu nhiều năm đạt thành tích xuất sắc - 2

Thầy Thụ (mặc đồ trắng) giảng dạy qua thực hành cho các học trò.

Thầy giáo 8X tâm sự, trường nghề nói chung có đặc thù là giáo viên ngoài việc phải thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy còn phải nâng cao kỹ năng nghề để đáp ứng tiêu chuẩn theo yêu cầu.

Để thực hiện được điều đó, ở trường Cao đẳng Hàng hải, các giáo viên đặc biệt là các ngành đi biển sẽ luân phiên đi thực tế dưới tàu vừa có điều kiện cải thiện thu nhập vừa có nâng cao được kiến thức chuyên môn phục vụ việc giảng dạy tốt hơn.

Theo anh, thuận lợi khi giảng dạy tại trường Cao đẳng Hàng hải đó là trường có cơ sở vật chất tốt với đầy đủ trang thiết bị giảng dạy, phòng học chuyên môn, phòng học mô phỏng hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, trường cũng có tàu huấn luyện riêng. Sinh viên ra trường được đảm bảo đầu ra với thu nhập tốt.

Tuy nhiên ngành Hàng hải là ngành học có tính chất đặc thù, công việc tương đối nặng nhọc và xa nhà nên chưa thu hút được nhiều người học tương xứng với tiềm năng và vị thế.

Tâm huyết với nghề, người thầy không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhiều năm liền, anh Thụ đạt Giáo viên dạy giỏi cấp trường, Lao động Tiên tiến và Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

Anh cũng vinh dự nhận Giấy khen của Công đoàn Cục Hàng hải Việt Nam và Công đoàn ngành Giao thông Vận tải (GTVT) 2019; Bằng khen của công đoàn Bộ GTVT 2019; giải Nhì Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp 2019 do Bộ GTVT tổ chức.

Ngoài công tác chuyên môn, thầy giáo 8X cũng nổi bật trong hoạt động thể dục thể thao. Anh từng đạt giải Nhất Đơn nam Cầu lông Cục Hàng hải 2014, giải Nhì Đơn nam Cầu lông 2019 do Công đoàn GTVT tổ chức.

Gặp giảng viên 8X ngành khai thác máy tàu nhiều năm đạt thành tích xuất sắc - 3

Nhiều năm liền, thầy Thụ đạt Giáo viên dạy giỏi cấp trường, Lao động Tiên tiến và Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

Thầy Thụ tâm sự, với hơn 17 năm công tác được gặp gỡ tiếp xúc nhiều thế hệ học trò, anh có không ít kỷ niệm và cũng nhận được nhiều tình cảm từ các em. Các em đến từ nhiều vùng miền và độ tuổi khác nhau nhưng có điểm chung là tình yêu với biển và đam mê khám phá tri thức mới, chân trời mới.

“Câu chuyện để lại nhiều ấn tượng với tôi nhất có lẽ là trong Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2019 do Bộ GTVT tổ chức tại trường Cao đẳng Giao thông Trung ương 3 tại thành phố Hồ Chí Minh. Vì điều kiện đường sá xa xôi nên trường chỉ cử 4 giáo viên tham dự và không có học sinh đi kèm.

Thật may Đoàn trường và cá nhân tôi được sự hỗ trợ nhiệt tình của trường sở tại. Trường đã bố trí các em sinh viên giúp đỡ phối hợp tốt và kết quả, tôi giành giải Nhì trên tổng số 53 bài tham dự đóng góp vào thành tích giải Ba toàn đoàn của trường.

Tôi rất ấn tượng về sự nhiệt tình và chu đáo của con người nơi đây và cụ thể là các thầy và các em khoa Cơ khí động lực trường Cao đẳng Giao thông Trung ương 3”.

Do đặc thù nghề nghiệp, anh Thụ cho hay, anh sẽ không thể đạt những thành tựu trong nghề giáo nếu không có người vợ sát cánh sẻ chia: “Tôi có may mắn tìm được người bạn đời tài giỏi và tâm lý. Cô ấy luôn là hậu phương vững chắc để tôi được sống với đam mê, cống hiến hết mình trong sự nghiệp trồng người”.

Gặp giảng viên 8X ngành khai thác máy tàu nhiều năm đạt thành tích xuất sắc - 4

Thầy Thụ luôn có gia đình là hậu phương vững chắc.

Thầy Thụ cho hay, giáo dục nghề nói chung và giáo dục tại trường Cao đẳng Hàng hải nói riêng đang phát triển theo định hướng phát triển năng lực người học.

“Theo ý kiến cá nhân của tôi, việc định hướng giảng dạy cần thực hiện các nội dung sau: Nhà trường cần đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật như phòng học, máy chiếu, phòng thực hành đầy đủ trang thiết bị… để giúp công tác giảng dạy theo phương pháp tích cực đạt hiệu quả cao; Thiết kế lại chương trình học sao cho thời gian thực tế, thực hành của sinh viên tăng lên nhằm tạo điều kiện cho các bạn sinh viên biết việc, thạo việc khi chưa rời ghế nhà trường.

Nhà trường cần kết nối tốt với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên tới thực tế, thực tập. Đồng thời, quan hệ tốt với đối tác và doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho sinh viên ra trường có việc làm, từ đó tạo điều kiện cho trường phát triển.

Không những thế, chúng ta có thể tham khảo ý kiến của nhà tuyển dụng trong việc xây dựng chương trình đào tạo của ngành học nhằm bám sát nhu cầu thực tiễn của xã hội”.

Là một giáo viên trường nghề, anh Thụ càng thấm thía yêu cầu giáo viên cần sáng tạo, linh hoạt trong việc áp dụng và lồng ghép các phương pháp giảng dạy nhằm thay đổi không khí học tập, tạo hứng thú cho sinh viên trong tiếp nhận kiến thức.

Đồng thời, theo mục tiêu, nội dung của môn học hay từng chương, từng phần cụ thể mà giáo viên có thể thiết kế buổi đi thực tế: đưa sinh viên tới các cơ quan, doanh nghiệp hay khảo sát thực địa… để nâng cao hiệu quả học tập từ việc lĩnh hội tri thức thông qua quá trình nghe - nhìn và thực hành các kỹ năng trong từng môn học.

Gặp giảng viên 8X ngành khai thác máy tàu nhiều năm đạt thành tích xuất sắc - 5

Anh Thụ cho hay, giáo dục nghề nói chung và giáo dục tại trường Cao đẳng Hàng hải nói riêng đang phát triển theo định hướng phát triển năng lực người học.

“Ước mong lớn nhất của tôi là sự phát triển lớn mạnh của ngành Vận tải biển nói chung và trường Cao đẳng Hàng hải I nói riêng, xứng đáng với tiềm lực và vị thế vốn có”, người thầy trường nghề tâm sự.