Gần 50 trường đại học sẽ sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực năm 2022

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Sáng nay 17/12, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội nghị khai thác sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) phục vụ tuyển sinh năm 2022. Theo đó, có gần 50 trường đại học tham dự trực tuyến.

Trong đó, có 3 Đại học Vùng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các trường đại học khu vực phía Bắc đến Đà Nẵng... cùng tham gia thảo luận về kỳ thi Đánh giá năng lực. 

Gần 50 trường đại học sẽ sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực năm 2022 - 1

GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Nhật Hồng). 

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết, năm 2022, ĐHQGHN tăng cường sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) làm cơ sở tuyển sinh đầu vào. Theo đó, các ngành có sức hút với xã hội sẽ được đẩy mạnh theo hình thức tuyển sinh qua kỳ thi ĐGNL để đảm bảo tiêu chuẩn sàn đầu vào. Trên cơ sở này, các trường thuộc ĐH QGHN có thể bổ sung thêm phương thức tuyển chọn cho phù hợp với năng lực đầu vào của từng ngành nghề.

"Việc sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL để chúng tôi đảm bảo chuẩn chất lượng chung của toàn ĐHQGHN. Việc kết hợp đồng bộ này mục đích tuyển chọn các thí sinh tốt nhất" - ông Quân nhấn mạnh.

Theo ông Quân, ĐHQGHN giành tối đa chỉ tiêu cho kỳ thi ĐGNL miễn là ứng viên đáp ứng yêu cầu và bổ sung dần vào phương thức tuyển sinh hiện nay. Việc đổi mới chính sách tuyển sinh này để ĐHQGHN tiến tới tự chủ cao về tuyển sinh, kiểm soát dần bài toán chuyển đổi về tuyển sinh.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN vẫn tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục tham gia tuyển sinh kết quả thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT đang thực hiện. Tuy nhiên, ĐHQGHN sẽ tăng dần chỉ tiêu lấy theo kết quả thi ĐGNL. Dùng công cụ kỳ thi ĐGNL để tuyển sinh đầu vào.

Giám đốc ĐHQGHN cũng mong muốn nhận được sự tham gia của các trường trong toàn quốc về kỳ thi ĐGNL để có tính cộng hưởng xã hội, tuyển sinh được thí sinh phù hợp tốt nhất. Các trường có thể phối hợp sử dụng kết quả ĐGNL của ĐHQGHN trong tuyển sinh và có thêm chính sách tuyển sinh riêng phù hợp với trường, tiến tới chủ động, tự chủ về phương thức tuyển sinh.

ĐHQGHN sẽ xây dựng phần mềm để các trường đại học cùng tham gia vào đánh giá năng lực thí sinh.

Gần 50 trường đại học sẽ sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực năm 2022 - 2

Mục tiêu của kỳ thi Đánh giá năng lực (Ảnh: Nhật Hồng).

 GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH QGHN cho biết, bài thi ĐGNL của ĐHQGHN được thiết kế để đánh giá 3 nhóm năng lực chính của học sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông gồm:

- Sáng tạo và giải quyết vấn đề;

- Năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu;

- Tự khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên - xã hội).

Gần 50 trường đại học sẽ sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực năm 2022 - 3

Kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực 2021 (Ảnh: Nhật Hồng).

Theo GS Thảo, dữ liệu phân tích kết quả thi năm 2021 cho thấy bài thi ĐGNL là công cụ khảo thí hữu hiệu để phân đánh giá năng lực học sinh sau khi tốt nghiệp THPT; phục vụ tuyển sinh và dự báo kết quả học tập bậc đại học; tư vấn cho hoạt động dạy và học, đảm bảo chất lượng giáo dục; dự báo chất lượng nhân lực phổ thông; hướng nghiệp cho học sinh…

Gần 50 trường đại học sẽ sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực năm 2022 - 4

Bài Thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Nhật Hồng).

Năm 2022, kỳ thi ĐGNL được tổ chức theo quy trình chuẩn hóa thi trên máy tính; các đợt thi được thực hiện nhiều đợt từ tháng 2 đến tháng 8 tại nhiều tỉnh thành trong cả nước: Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh (tùy theo mức độ kiểm soát dịch bệnh Covid-19). Với xu hướng đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, các trường đại học bổ sung nguồn tuyển từ kết quả thi ĐGNL để xét vào các ngành đào tạo có mức độ cạnh tranh cao.

Đến thời điểm hiện tại, hơn 30 cơ sở giáo dục đại học (các đại học, trường đại học) đã có văn bản đề nghị ĐHQGHN chia sẻ tài nguyên, kết quả thi ĐGNL phục vụ công tác tuyển sinh năm 2022.

Gần 50 trường đại học sẽ sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực năm 2022 - 5

Đề xuất tuyển sinh năm 2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Nhật Hồng).

Hội nghị nhận được ý kiến chia sẻ của nhiều chuyên gia tuyển sinh, đào tạo, khảo thí về quy mô kỳ thi, tính khách quan, công bằng, giá trị của kết quả bài thi phục vụ tuyển sinh đại học.

GS.TS Trần Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, đồng ý tham gia sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN trong năm 2022 và dành chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh này.

PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương chia sẻ,  năm 2020, trường ĐH Ngoại thương đã sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL. Theo đánh giá của bà Hương, thí sinh trúng tuyển theo kỳ thi này có chất lượng tốt nên rất tin tưởng, gia tăng sử dụng kết quả này trong thời năm tới vì việc kỳ thi ĐGNL được tổ chức nhiều lần nên rất thuận lợi cho thí sinh. Hiện, ĐH Ngoại thương đã có chủ trương chuyển dịch dần một phần chỉ tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT sang kết quả xét tuyển kỳ thi ĐGNL.

Theo bà Hương, giáo dục phổ thông có nhóm thiên về KHTN và KHXH, do đó mong muốn ĐHQGHN cần có nhận diện đối với các nhóm này để tiến tới sử dụng chung tất cả các nhóm một cách toàn diện để lựa chọn xét tuyển vào trường và xét tuyển theo hướng đào tạo của từng ngành. 

Tại hội nghị, nhiều trường đại học tiếp tục đề nghị tham gia phối hợp sâu với ĐQHGHN từ khâu tổ chức thi đến kết thúc các đợt xét tuyển trong năm.

Lãnh đạo ĐHQGHN  cho biết, sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, chia sẻ tài nguyên, dữ liệu với các trường đại học trong công tác tuyển sinh đại học.

Trung tâm Khảo thí là đơn vị tổ chức thi ĐGNL và thỏa thuận hợp tác với các trường đại học trong cả nước khai thác địa điểm thi, cung cấp dữ liệu để xét tuyển đại học nhiều đợt trong năm.

Phổ điểm  thi ĐGNL năm 2021 cho thấy độ phân hóa cao, phục vụ tốt công tác tuyển sinh những chương trình đào tạo chất lượng cao, các ngành có tính cạnh tranh, phân loại thí sinh, các ngành đào tạo có nhu cầu xã hội cao.

Đánh giá năng lực toàn diện là phương thức tuyển sinh tiên tiến, được áp dụng ở nhiều nền giáo dục lớn trên thế giới. Đây là phương thức nhằm đảm bảo lựa chọn được những ứng viên có năng lực học tập, tư duy logic, khả năng lập luận, phân tích kiến thức tổng hợp,...

Đổi mới tuyển sinh theo phương thức Đánh giá năng lực (ĐGNL) ở ĐHQGHN là giải pháp mang tính đột phá và cần thiết cũng như thể hiện được vai trò tiên phong của ĐHQHN trong việc thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.