Đường tới Pháp của chàng thạc sĩ đam mê ICT

Trường Thịnh

(Dân trí) - Chọn USTH để nuôi dưỡng đam mê ICT, đây cũng chính là cơ duyên để Nguyễn Như Khoa bắt đầu một quá trình học tập, làm việc tại Pháp đầy dấu ấn.

Hành trình tìm "bến đỗ" cho đam mê

Từ nhỏ, Nguyễn Như Khoa, nghiên cứu sinh tại Đại học La Rochelle (Pháp) đã yêu thích máy tính và lập trình. Niềm đam mê đã trở thành động lực thôi thúc Khoa lựa chọn ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) để theo đuổi khi trưởng thành. Với mong muốn phát triển bản thân trong môi trường quốc tế, Khoa đã quyết định gửi gắm niềm tin vào Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) để đạt những bước đệm vững chắc cho tương lai. Khoa cho biết: "Chương trình học 100% bằng tiếng Anh chính là một trong những điểm "thuyết phục" khiến mình đưa ra quyết định lựa chọn USTH."

Theo Khoa, hiện nay, với sự phát triển như vũ bão trên toàn cầu của ngành ICT, tiếng Anh trở thành một công cụ không thể thiếu đối với những nhân sự làm việc trong lĩnh vực này. Hầu hết các tri thức và công nghệ mới của ngành ICT đều được viết bằng tiếng Anh. Không chỉ vậy, các công ty trong nước ngày càng có xu hướng hội nhập mạnh mẽ, phát triển mạng lưới kinh doanh với các đối tác quốc tế. Sở hữu trình độ tiếng Anh thành thạo giúp bạn bắt kịp với những "biến động" nhanh chóng của ngành cũng như nắm bắt các cơ hội nghề nghiệp.

Đường tới Pháp của chàng thạc sĩ đam mê ICT - 1

Nguyễn Như Khoa, nghiên cứu sinh tại Đại học La Rochelle (Pháp).

Khởi đầu tại USTH, Khoa vấp phải không ít thử thách khi chuyển từ môi trường học bằng tiếng Việt ở trường phổ thông sang một môi trường học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Thế nhưng, bằng sự nỗ lực, chỉ sau khi kết thúc học kỳ I, Khoa đã dần thích nghi và tìm ra phương pháp học hiệu quả. Xây dựng kế hoạch rõ ràng, kèm theo những mục tiêu ngắn, dài hạn là cách Khoa đã áp dụng khi đối mặt với khối lượng kiến thức lớn và lịch học "gấp gáp". Phương pháp này đã theo Khoa trong suốt 5 năm gắn bó tại USTH (3 năm chương trình đại học, 2 năm chương trình thạc sĩ) và đến thời điểm khi đã trở thành nghiên cứu sinh tại Pháp.

Ngoài ra, Khoa cũng cho biết chính sự chủ động đã giúp bạn có được cơ hội tham gia dự án cùng với các thầy cô trong khoa ICT - một trải nghiệm khó quên, đặt nền móng cho định hướng nghiên cứu của bản thân sau này. Cụ thể, năm thứ 2 đại học, Khoa bắt đầu tham gia dự án phát triển phần mềm mô hình hóa và mô phỏng sử dụng phương pháp agent-based tại phòng thí nghiệm liên kết quốc tế ICT Lab. Dưới sự hỗ trợ và dìu dắt của thầy cô, Khoa vượt qua được những bỡ ngỡ ban đầu khi tiếp cận với nghiên cứu thực tiễn, dần trưởng thành về mặt kỹ năng và chuyên môn.

Đường tới Pháp của chàng thạc sĩ đam mê ICT - 2

Khoa trong Lễ tốt nghiệp tại USTH.

Khoa đánh giá cao phương pháp giảng dạy của USTH khi kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm lâu năm từ các giáo sư người Pháp và sự nhiệt huyết gần gũi của giảng viên người Việt. Bên cạnh truyền thụ kiến thức, các thầy cô còn truyền cảm hứng và tạo điều kiện cho mỗi sinh viên phát triển lợi thế của mình.

Con đường đến Pháp

Vào năm thứ 2 chương trình thạc sĩ, thông qua sự giới thiệu của giảng viên khoa ICT, Khoa được tham gia khóa thực tập dài hạn tại Phòng thí nghiệm về tin học, rô bốt và vi cơ điện tử (LIRMM), Pháp. Tại đây, Khoa có cơ hội học hỏi, thử sức bản thân trong môi trường làm việc quốc tế, rèn giũa chuyên môn cùng tiếng Anh và tiếng Pháp.

Kết thúc thực tập tại LIRMM, Khoa giành được học bổng toàn phần chương trình đào tạo nghiên cứu sinh CIFRE do Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Pháp tài trợ để theo đuổi con đường nghiên cứu chuyên sâu tại "đất nước hình lục lăng". Theo Khoa, điểm độc đáo của chương trình học bổng CIFRE là nghiên cứu sinh được tuyển dụng vào làm việc tại một doanh nghiệp thông qua mối quan hệ hợp tác của trường đại học, và sử dụng kết quả làm việc thực tiễn để triển khai luận án tiến sĩ. Hiện, Khoa thực hiện nghiên cứu tại công ty La Banque Postale - Asset Management - một công ty quản lý tài chính trực thuộc ngân hàng La Banque Postale, và Phòng thí nghiệm Thông tin, Hình ảnh và Tương tác thuộc Đại học La Rochelle.

Đường tới Pháp của chàng thạc sĩ đam mê ICT - 3

Nguyễn Như Khoa tại Pháp.

Khoa bắt đầu chương trình nghiên cứu sinh trùng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Pháp. Cuộc sống và công việc bỗng chốc bị đảo lộn. Khoa phải làm quen với phương thức làm việc trực tuyến tại nhà, ít có điều kiện gặp gỡ đồng nghiệp trực tiếp tại công ty. Khoa cho biết do có sự chuẩn bị tâm lý từ trước cùng những lời động viên, khích lệ từ thầy cô, Khoa trở nên vững tâm hơn trong thời gian giãn cách, vừa tập trung cho những công việc quan trọng vừa chú trọng giữ gìn sức khỏe.

Dành những lời khuyên hữu ích cho các bạn trẻ có niềm đam mê với ngành ICT, Khoa chia sẻ: "Sự chăm chỉ là điều cần thiết nhất khi bạn theo đuổi bất cứ ngành nghề nào. Còn với ICT, bạn còn cần mài giũa tư duy logic toán, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng phân tích, tổng hợp để tiếp nhận kiến thức mới cũng như xử lý tốt trong công việc. Một điều quan trọng nữa là với những ai có ý định du học nước ngoài, bạn hãy có sự chuẩn bị kỹ càng bởi đấy là cách tốt nhất để giúp bạn chủ động khi có bất cứ khó khăn nào xảy ra."

Trong thời gian tới, Khoa dự định sau khi bảo vệ luận văn tốt nghiệp tiến sĩ sẽ tạm gác những công việc liên quan đến ICT để dành thời gian cho một vài đam mê khác chưa được thực hiện. Với Khoa, đây chính là cơ hội hiếm hoi để thư giãn, giúp cậu bạn có cái nhìn cũng như lối tư duy mới mẻ hơn.