Được hỗ trợ đào tạo nghề cao nhất lên đến hơn 10 triệu đồng

Trần Lê

(Dân trí) - Có 5 nhóm đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trong đó có nghề được hỗ trợ cao nhất lên đến 10,6 triệu đồng.

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định phê duyệt danh mục nghề đào tạo, mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đối tượng áp dụng là người trong độ tuổi lao động theo quy định, cư trú, thường trú trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có sức khỏe phù hợp với nghề cần học và tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Cụ thể:

Đối tượng 1: Người khuyết tật.

Đối tượng 2: Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Được hỗ trợ đào tạo nghề cao nhất lên đến hơn 10 triệu đồng - 1

Đối tượng 3: Người dân tộc thiểu số; người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; lao động nữ bị mất việc làm; ngư dân.

Đối tượng 4: Người thuộc hộ cận nghèo.

Đối tượng 5: Phụ nữ, lao động nông thôn; giám đốc hợp tác xã; người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc các đối tượng quy định nêu trên.

Có 39 nghề thuộc nhóm nghề nông - lâm - thủy hải sản; 55 nghề thuộc nhóm công nghiệp - xây dựng - tiểu thủ công nghiệp và 22 nghề thuộc nhóm dịch vụ.

Trong đó, mức hỗ trợ đào tạo đối với nhóm nông - lâm - thủy hải sản từ 2 đến 2,3 triệu đồng.

Nhóm công nghiệp - xây dựng - tiểu thủ công nghiệp, có mức hỗ trợ đào tạo từ 1,7 đến 8,3 triệu đồng.

Nhóm nghề dịch vụ có mức hỗ trợ đào tạo từ 2 triệu đến cao nhất là 10,6 triệu đồng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được giao hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch đào tạo nghề; tổng hợp nhu cầu học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng của UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Đồng thời, kiểm tra, giám sát, đánh giá các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo quy định hiện hành của pháp luật.

UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, xây dựng kế hoạch đào tạo, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về chất lượng, hiệu quả đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.