Dự án Làng Đại học Đà Nẵng "treo" 25 năm: Người dân đã quá mệt mỏi

Ngô Linh

(Dân trí) - Dù nhiều lần khảo sát, lên kế hoạch nhưng dự án Làng Đại học Đà Nẵng vẫn "treo" 25 năm khiến người dân đã quá mệt mỏi, không còn thiết tha chia sẻ những khó khăn khi được hỏi đến.

Người dân đã chờ đợi quá lâu

Dự án Làng Đại học (ĐH) Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt từ năm 1997 với quy mô 300 ha đất; trong đó, 110ha thuộc địa bàn TP Đà Nẵng và 190ha thuộc tỉnh Quảng Nam. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.600 tỷ đồng.

Thế nhưng, đã 25 năm trôi qua, dự án này vẫn còn "treo"

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng treo 25 năm: Người dân đã quá mệt mỏi - 1

Một trong những con đường dẫn vào dự án "treo" Làng ĐH Đà Nẵng (Ảnh: Ngô Linh).

Ngày 23/8, tại khu vực dự án "treo" Làng ĐH Đà Nẵng, PV ghi nhận nhiều vị trí chưa được xây dựng nhiều năm trở nên hoang hóa, cỏ mọc um tùm. Trong khuôn viên dự án, những ngôi nhà tạm đã cũ kỹ, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng làm cảnh quan nhếch nhác.

Nhiều ngôi nhà bỏ hoang do xuống cấp, người dân bị "kẹt" lại trong dự án, đi không được ở cũng không xong.

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng treo 25 năm: Người dân đã quá mệt mỏi - 2

Nhiều ngôi nhà nằm trong dự án "treo" đã xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: Ngô Linh).

Để tìm hiểu rõ hơn về đời sống người dân hiện tại, chúng tôi đến các nhà trong khu vực dự án thuộc phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) hỏi thăm. Thế nhưng hầu hết mọi người đều lắc đầu từ chối, với lý do họ đã quá mệt mỏi, không thiết tha chia sẻ.

"Đã 25 năm rồi còn hỏi gì nữa, chúng tôi chẳng còn thiết tha gì đâu. Khởi động lại cũng vậy, không thì thôi, cứ lên kế hoạch rồi hoãn mãi người dân ngán ngẩm lắm rồi", một người dân xua tay bảo.

Do bức xúc về chỗ ở, nhiều hộ dân đã xây dựng, cơi nới nhà cửa. Nhiều trường hợp khác cũng xây dựng trái phép trên diện tích đất quy hoạch dự án để chờ giải tỏa, đền bù.

Theo kết quả tổng rà soát phối hợp giữa UBND thị xã Điện Bàn và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam, từ 2009 đến nay, có hơn 500 trường hợp xây dựng trái phép, tổng diện tích đất tại khu vực xây dựng trái phép gần 5ha.

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng treo 25 năm: Người dân đã quá mệt mỏi - 3

Nhiều ngôi nhà bỏ hoang, hoặc chuyển nhượng, bán đất "chui" (Ảnh: Ngô Linh).

Việc mua bán, chuyển nhượng đất đai tự phát giữa các hộ dân vẫn diễn ra, chính quyền địa phương không thể kiểm soát được, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, nếu không có giải pháp giải quyết kịp thời sẽ tạo điểm nóng, gây mất an ninh - trật tự tại địa phương.

Đáng quan tâm hơn, hiện nay, số lượng nhân khẩu không đăng ký lưu trú tại khu vực ngày càng tăng.

UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận dự án kéo dài trong nhiều năm khiến cho công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác quản lý hộ khẩu trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Ông N.V.Q. (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) cho hay việc bán đất, chuyển nhượng ở đây diễn ra từ lâu rồi, ký kết bằng giấy viết tay thôi. Vì đất ở vùng dự án "treo" nên giá không bằng nơi khác. Nếu như nhà cần tiền cũng khó bán, chỉ có bán "chui".

"Hàng loạt nhà không phép "mọc" lên, chính quyền kiểm tra thì họ ngưng, thấy yên thì tiếp tục làm. Tình hình vậy đó, tôi chỉ mong một là làm đến nơi đến chốn, không thì ngưng dự án đi", ông Q. nói.

Dân khổ, chính quyền khó

Theo tìm hiểu, từ năm 1997 đến nay, người dân ở khu vực này không được lập hộ mới, tách thửa, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất.

Các hộ bị ảnh hưởng đường bao vẫn chưa được bồi thường thiệt hại, chưa có kế hoạch di dời.

Đến khi Luật Xây dựng năm 2013 có hiệu lực, các hộ dân trong khu vực mới được cấp phép xây dựng có thời hạn trong phạm vi đất thuộc Dự án Đại học Đà Nẵng.

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng treo 25 năm: Người dân đã quá mệt mỏi - 4

Một trong 3 đơn vị trong dự án gồm Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trung tâm giáo dục Quốc phòng và Khoa Y dược với khoảng 4.000 sinh viên đang học tập (Ảnh: Ngô Linh).

Ông P.V.N. (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) cho biết căn nhà cấp 4 của ông xây từ năm 2008, đã xuống cấp, ẩm thấp. Thế nhưng do được xây dựng từ đất vườn, không có sổ nên mỗi lần sửa chữa, ông đều phải gọi thợ về sửa "chui".

"Đi không được, ở cũng không xong. Cứ nghe khởi động mấy lần rồi mà có thấy gì đâu. Vạ vật mãi thế này thì chỉ có khổ", ông N. bức xúc.

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng treo 25 năm: Người dân đã quá mệt mỏi - 5

Theo kết quả tổng rà soát của cơ quan chức năng, từ 2009 đến nay có hơn 500 trường hợp xây dựng trái phép trên tổng diện tích đất gần 5ha trong dự án Đại học Đà Nẵng (Ảnh: Công Bính).

Liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho UBND thị xã Điện Bàn chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát thực trạng tại khu vực dự án.

Kết quả, hơn 1.800 hộ bị ảnh hưởng; 817 căn nhà thuộc diện giải tỏa trắng. Hơn 3.100 lô tái định cư dự kiến cần bố trí. Dự kiến chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 4.164 tỷ đồng.

UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng việc triển khai thực hiện công tác GPMB dự án cơ bản không khả thi. Tuy nhiên, qua khảo sát, trong khu vực dự án ĐH Đà Nẵng thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam, có khoảng 50ha có khả năng thuận lợi trong công tác GPMB.

Tỉnh Quảng Nam ủng hộ quy hoạch đã được phê duyệt và đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì, cùng các bộ ngành xem xét, báo cáo Thủ tướng bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, GPMB và đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu liên quan trên diện tích 160ha, trong giai đoạn 2023-2025.

Trong trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn để GPMB toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam đề nghị điều chỉnh quy hoạch phân khu (1/2000) để tập trung triển khai thực hiện trên phần diện tích khoảng 50ha nêu trên.

Phần diện tích còn lại loại ra khỏi ranh giới dự án để UBND tỉnh Quảng Nam lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân tại khu vực; đồng thời, hình thành khu đô thị vệ tinh phục vụ làng ĐH Đà Nẵng.