Dự án làng đại học "treo" suốt 25 năm, dân mòn mỏi chờ di dời
(Dân trí) - 25 năm nay, người dân nằm trong vùng dự án làng đại học Đà Nẵng sống trong cảnh khổ sở vì nhà cửa xuống cấp, không được sửa chữa. Người dân nơi đây mong sớm được di dời để ổn định cuộc sống.
Dự án "treo" 1/4 thế kỷ
Dự án làng đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1997 với quy mô 300 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.600 tỷ đồng, có 190ha thuộc địa bàn phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và 110ha thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng)
Đến nay đã 25 năm mà dự án vẫn trong tình trạng ngổn ngang, nhiều vị trí chưa được xây dựng nên hoang hóa, cỏ mọc um tùm. Nhiều ngôi nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng, cũ kỹ và nhếch nhác. Người dân trong vùng dự án mong ngóng sớm được di dời, bố trí tái định cư để ổn định cuộc sống.
Ông Lê Trung Phụng (SN 1958, trú tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cho biết, năm ngoái, cơ quan chức năng mới đến kiểm định đất đai chứ chưa có bảng giá tiền đền bù.
Theo ông Phụng, nhiều năm qua, gia đình ông phải sống trong cảnh khổ sở vì nhà cửa xuống cấp nhưng không thể sửa chữa, mùa mưa thì thấm dột, mùa nắng thì oi bức. Ông Phụng mong sớm được bố trí tái định cư để dựng lại nhà cửa.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Minh (SN 1954, trú tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cũng mong sớm được bố trí tái định cư để không còn phải sống trong cảnh khổ.
Ông Huỳnh Kim - Chủ tịch UBND phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, hiện nay chưa có hướng dẫn xác định hệ số giá đất tái định cư và chưa có khu tái định cư mới nên các hộ dân chưa đồng ý di dời.
Đẩy nhanh tiến độ dự án
Vừa qua, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng nhằm tháo gỡ các vướng mắc cho dự án này.
Theo Đại học Đà Nẵng, đến nay, dự án này được bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 để triển khai 3 dự án thành phần.
Hiện đã có 3 đơn vị sinh hoạt trong dự án gồm Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trung tâm giáo dục Quốc phòng và Khoa Y dược với khoảng 4.000 sinh viên đang học tập. Bằng nhiều nỗ lực và cố gắng, hiện tại, dự án này đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/5000 nhưng vẫn rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ để triển khai. Trong đó, phần giải phóng mặt bằng phía tỉnh Quảng Nam đến hiện tại hầu như chưa thể triển khai. Đây là một áp lực khá lớn vì diện tích này tới gần 200ha.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, Đà Nẵng xem các vấn đề liên quan đến dự án làng Đại học Đà Nẵng cũng là vấn đề chung của thành phố. Chỉ trong 2 năm, thành phố đã giải quyết một khối lượng lớn công việc liên quan đến dự án bằng thời gian của 20 năm qua. Thành phố đã thống nhất dùng kinh phí của địa phương để xây dựng khu tái định cư và thu lại nguồn kinh phí trên từ việc thu tiền sử dụng đất của các hộ dân nhận đất tái định cư.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Thanh Hoàng - Giám đốc Ban giải phóng mặt bằng quận Ngũ Hành Sơn thông tin, tổng diện tích giải phóng mặt bằng của Đà Nẵng là 110ha. Trong đó, trước năm 2017, thành phố đã bàn giao 38,6ha, diện tích còn lại là 71,4ha. Việc giải phóng mặt bằng được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đã được cấp vốn để giải tỏa 40ha và giai đoạn 2 là 31,4ha.
Đối với giai đoạn 1, cơ quan chức năng đã giải phóng được 36 ha phần lớn là đất nông nghiệp, còn lại 4 ha phần lớn là các hộ dân có nhà ở trên đất.
Theo ông Hoàng, ở dự án này có 741 hồ sơ, trong đó hơn 220 hồ sơ nhà. Hiện nay người dân rất đồng tình, ủng hộ việc di dời giải tỏa. Mới đây, UBND thành phố đã bổ sung thêm 4 khu tái định cư để bố trí đất ở thực tế cho dân sau khi di dời giải tỏa. Khi biết được thông tin này, người dân rất phấn khởi.
Ông Hoàng đề xuất với Chính phủ tiếp tục đốc thúc giải phóng 31,4ha còn lại vì người dân đã trông chờ quá lâu.