Quảng Nam:

Doanh nghiệp nhận hết sinh viên trường Trung cấp nghề vừa tốt nghiệp

Công Bính

(Dân trí) - Tại buổi tốt nghiệp của 100 sinh viên trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc - Miền núi Quảng Nam vào ngày 31/3, đã có 4 doanh nghiệp kí hợp đồng nhận ngay các sinh viên này về làm việc.

Trong niên khóa 2019-2021, trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc - Miền núi Quảng Nam (đóng tại xã Cà Dy, huyện Nam Giang, Quảng Nam) được bố trí biên chế 4 lớp, gồm 1 lớp nghề hàn, 1 lớp nghề mộc xây dựng và trang trí nội thất và 2 lớp nghề may thời trang với tổng số 106 sinh viên.

Doanh nghiệp nhận hết sinh viên trường Trung cấp nghề vừa tốt nghiệp - 1

Các sinh viên trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc - Miền núi Quảng Nam nhận bằng tốt nghiệp ngày 31/3.

Tại lễ bế giảng ngày 31/3, đã có 100 sinh viên được công nhận tốt nghiệp. Cũng tại buổi lễ bế giảng này, có 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam kí hợp đồng nhận ngay các sinh viên này về làm việc cho đơn vị mình.

Ông Phan Văn Bình - Phó Hiệu trưởng phụ trách trường cho biết, trường được phân nhiệm vụ đào tạo các em học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang…

Khi đào tạo các em, nhà trường đã thực hiện đầy đủ và đúng các quy định đối chính sách học sinh học nghề nội trú như tiếp nhận ngân sách nhà nước và thực hiện chế độ miễn học phí, cung cấp văn phòng phẩm phục vụ học tập...; chi phí bố trí ăn ở tập trung và trang bị đồ dùng sinh hoạt thiết và thực hiện chi trả tiền chế độ nội trú cho học sinh kịp thời và đúng quy định.

Doanh nghiệp nhận hết sinh viên trường Trung cấp nghề vừa tốt nghiệp - 2

Các doanh nghiệp kí hợp đồng tiếp nhận sinh viên về công ty mình làm việc.

Trong quá trình học, nhà trường còn chủ động liên hệ với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng phù hợp với ngành nghề đào tạo tại trường như Công ty CP ô tô Trường Hải, Công ty TNHH MTV Xây dựng năng lượng VNECO, Công ty TNHH MTV Phan Ngọc Wood, Công ty Cổ phần Cẩm Hà, Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng… để các em có nơi thực hành.

Bên cạnh đó, mặc dù nhà trường đóng trên địa bàn miền núi, nhưng để đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã chủ động đề xuất ngân sách nhà nước mua sắm trang thiết bị thực hành hiện đại; xây dựng mới, sửa chữa nhà xưởng… Nhà trường đã bố trí giáo viên cơ hữu, hợp đồng giáo viên thỉnh giảng đảm bảo thực hiện kế hoạch đào tạo xuyên suốt.

"Dù gặp nhiều khó khăn do mưa lũ, dịch Covid-19, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động nhiều nhưng trong buổi lễ bế giảng này, các doanh nghiệp đã nhận hết các em sinh viên tốt nghiệp là niềm vui rất lớn đối với nhà trường cũng như các em sinh viên", ông Phan Văn Bình cho hay.

Em Za Râm Thị Thảo (sinh viên lớp nghề may 19) vui mừng chia sẻ: "Các thầy cô ngoài việc dạy nghề, chỉ bảo sinh hoạt trong suốt thời gian ở trường, các thầy cô đã làm việc với các doanh nghiệp để tìm kiếm việc làm sau khi học nghề. Chúng em rất vui vì tất cả các bạn tốt nghiệp và sau lễ bế giảng hôm nay đều có công ty tiếp nhận đi làm việc".

Ông Trần Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cho hay, với mục tiêu phấn đấu sớm đưa Quảng Nam cơ bản thành tỉnh công nghiệp, tỉnh Quảng Nam xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2016-2020 cũng như giai đoạn 2020-2021 sắp đến.

Trong đó phát triển nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp chiếm giữ một vai trò hết sức quan trọng, bởi vì giáo dục nghề nghiệp có nhiệm vụ đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, trong khi đó đội ngũ nhân lực trực tiếp chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng nguồn nhân lực các ngành, lĩnh vực.

"Chính vì vậy, thời gian qua, công tác giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chương trình, đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp", ông Trần Văn Chiến cho biết.

Cũng theo ông Chiến, hàng năm bình quân có khoảng 35 nghìn người được tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả này đã góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 50,06% vào năm 2016 lên 65% vào cuối năm 2020.