Đề nghị Lịch sử là môn bắt buộc: Mong sớm quyết định để giáo viên bớt lo

Xuân Sinh

(Dân trí) - Việc Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị đưa Lịch sử thành môn học bắt buộc khiến nhiều giáo viên không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Theo quy định ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Từ lớp 10, học sinh sẽ học các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.

Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh sẽ lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm cụ thể: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để đáp ứng nhu cầu người học vừa đảm bảo phù hợp điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các nhà trường.

Tuy nhiên, năm học mới 2022-2023 chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu thì mới đây, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc.

Việc đề nghị điều chỉnh vào phút chót đối với môn Lịch sử cũng khiến nhiều giáo viên không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Đề nghị Lịch sử là môn bắt buộc: Mong sớm quyết định để giáo viên bớt lo - 1

Nhiều hiệu trưởng, giáo viên ở Hà Tĩnh mong sớm có quyết định cuối cùng về "số phận" môn Lịch sử để tránh bị phân tâm đối với học sinh.

Cô N.T.V. giáo viên dạy môn Lịch sử đang công tác tại một trường THPT ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) mong môn Lịch sử sẽ được trả về đúng với giá trị của nó.

Cô giáo này cho biết, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Lịch sử được xây dựng theo phương pháp đồng tâm và đường thẳng, nên học sinh từ lớp một đến lớp 9 được dạy xong chương trình cơ bản. Đến cấp THPT nếu học sinh tiếp tục được lựa chọn môn Lịch sử sẽ góp phần vào việc giáo dục truyền thống và bồi đắp tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ. Còn không được lựa chọn thì việc giáo dục và bồi đắp tinh thần yêu nước sẽ được lồng ghép trong các bộ môn khác như: Quốc phòng, văn học, giáo dục địa phương, cùng các hoạt động trải nghiệm, giáo dục khác.

"Việc lựa chọn môn học có thể sẽ làm xáo trộn, ảnh hưởng đến việc sắp xếp đội ngũ giáo viên. Ví dụ môn học sinh chọn nhiều sẽ dẫn tới thiếu giáo viên và ngược lại. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng vào quyết định của Bộ và các ban ngành. Còn những người làm công tác chuyên môn như chúng tôi thì luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng", cô V. chia sẻ.

Còn thầy N.V.T., một giáo viên dạy môn Lịch sử đang công tác tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cũng chia sẻ, những ngày vừa qua thầy cùng nhiều đồng nghiệp trong bộ môn Lịch sử theo dõi khá sát diễn biến về quyết định "số phận" của môn học này.

"Tôi ủng hộ phương án đưa Lịch sử thành bộ môn bắt buộc. Giáo dục về truyền thống yêu nước thì đa dạng, có nhiều hình thức. Tuy nhiên, đặt vào vị trí, vai trò của môn Lịch sử sẽ hợp lý hơn. Vì trong độ tuổi THPT, các em có sự trưởng thành về nhận thức nên việc truyền đạt, cũng như tiếp nhận sẽ tốt hơn. Việc điều chỉnh Lịch sử thành môn bắt buộc ít nhiều sẽ có ảnh hưởng, làm thay đổi cấu trúc và phải điều chỉnh lại chương trình học, tuy nhiên nó cũng không ảnh hưởng nhiều", thầy T. chia sẻ.

Còn thầy N.M.Đ., hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Tĩnh cho biết, thời điểm xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đã lấy ý kiến các trường học, giáo viên 2 lần.

"Thực ra những cái căn bản và cốt lỗi thì đã được dạy từ lớp một đến lớp 9. Còn muốn nâng cao hay chuyên sâu thì bắt đầu từ lớp 10. Vừa rồi chúng tôi cũng thực hiện cuộc khảo sát đối với những học sinh lớp 9 có mong muốn vào trường chúng tôi thì có khoảng 50% học sinh đăng ký môn Lịch sử", thầy N.M.Đ. cho biết.

Cũng theo vị này, chưa nên vội vàng đánh giá có nên đưa Lịch sử vào môn tự chọn hay bắt buộc mà triển khai một năm sau khảo sát để đưa ra phương án. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, nhà trường đã chuẩn bị cả 2 phương án, nên dù có quyết định Lịch sử là môn tự chọn hay bắt buộc cũng không ảnh hưởng gì.

"Bây giờ điều mà chúng tôi mong muốn là các Bộ, ngành phải sớm đưa ra quyết định Lịch sử thành môn bắt buộc hay tự chọn để cho học sinh đỡ bị phân tâm. Còn phía đội ngũ giáo viên như trường tôi thì đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình".

"Hiện tại thì tất cả mọi việc đang diễn ra bình thường", một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh nói và cho biết hiện đang chờ chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.