Đằng sau quyết định “buộc nghỉ việc” với cô giáo đánh học trò

(Dân trí) - Ngày 22/10, cô giáo đánh, kéo tai trẻ trong một clip quay lén tại TPHCM đã nhận quyết định buộc thôi việc khi chỉ vài năm nữa là cô đến tuổi về hưu.

Trong quá trình theo dòng thông tin sự việc cô N.H.H, giáo viên Trường tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TPHCM đánh, kéo tai học trò rồi bị clip đặt lén quay lại, tôi đã gặp, nói chuyện qua điện thoại với cô. 

Đằng sau quyết định “buộc nghỉ việc” với cô giáo đánh học trò - 1

N.H.H, cô giáo trong sự việc đánh, kéo tai học trò mà clip đặt lén quay lại 

Về hành vi cô đánh, tát, kéo tai trẻ ngay trong tuần đầu đến trường, khi cô trò vừa nhận lớp, ra mắt... là điều không thể chấp nhận được. Cho dù, cô lý lẽ là vì các em quậy phá, cô nóng vội muốn ổn định nề nếp. 

Khi báo chí, dư luận thông tin về sự việc, các cấp quản lý vào cuộc chỉ đạo xử lý nghiêm với quan điểm không thể chấp nhận hành vi của cô giáo, phải cho ra khỏi ngành... là ít nhiều đã có thể đoán được "số phận" của cô H. 

Cô H. nói trong bất lực tận cùng: "Cô bây giờ thảm lắm, xem như xong rồi! Dư luận họ chửi những điều mình không dám nghe. Chắc họ sẽ đuổi việc cô!".

Cũng có người nói cô hãy chủ động viết đơn xin nghỉ việc, nhưng đó không phải là điều cô muốn. Cô vẫn hy vọng mình còn một cơ hội.

Lúc đó, tôi chỉ biết nói với cô: "Mong cô bình tâm để đối diện với những điều tệ nhất có thể đến với mình". Cô sai trong nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp nhưng phía sau cô còn con, gia đình, còn cuộc sống, còn các mối quan hệ.

Đằng sau quyết định “buộc nghỉ việc” với cô giáo đánh học trò - 2

Quyết định buộc thôi việc đối với cô N.H.H.

Một quyết định buộc thôi việc - chỉ nằm trên một tờ A4 nhẹ tênh - nhưng nó đè nặng lên người trong cuộc, lên một đời người đã có hàng chục năm gắn bó với nghề. Tiếc rằng, có thể cô đã chọn sai nghề hoặc yêu nghề sai cách.  

Từ khủng hoảng bị dư luận ném đá, thêm áp lực từ chỉ đạo "xử lý nghiêm" từ các cấp quản lý, cô H. đã muốn vớt vát, tìm một cơ hội khi viết đơn xin cứu xét.

Cô H. nhận trách nhiệm, chỉ mong muốn mình được xem xét xử lý kỷ luật một cách công tâm, đúng mức độ sai phạm. Chứ không phải xử lý theo sự phẫn nộ của dư luận!

Vậy nên, khi UBND quận Tân Phú ra quyết định buộc thôi việc cô N.H.H. đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người đồng tình nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng, mức kỷ luật quá nặng, lẽ ra có thể đình chỉ 1 năm.

Xin gác lại tranh cãi về mức kỷ luật đối với cô H., nhưng từ quyết định buộc thôi việc này, có nhiều vấn đề đáng suy ngẫm cho tất cả mọi người.

Quyết định kỷ luật buộc thôi việc đó là bài học cho những giáo viên mặc định giáo dục là phải dùng đòn roi, lên lớp phải đánh, véo học trò... cho dù lý lẽ, bao biện vì tốt cho các em. 

Họ vừa đáng giận nhưng cũng là những người đáng thương. Nói như một chuyên gia tâm lý, những người dựa vào bạo lực với hy vọng dạy dỗ người khác thì họ là người yếu kém và tội nghiệp nhất. Họ bảo vệ bạo lực, không tin và khước từ những biện pháp giáo dục tích cực khác, đồng nghĩa với việc từ chối những điều tốt đẹp đến với mình và với học trò. 

Giáo viên cần nhìn thẳng: Bạo hành học trò thì có thể bị kỷ luật, có thể phải nhận quyết định "buộc thôi việc".

Không thể đưa lý lẽ đánh vì tốt, vì thương học trò để bảo vệ mình. Bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến học sinh mà có thể là một bản án đeo đẳng cả đời, ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của chính giáo viên.

Đằng sau quyết định “buộc nghỉ việc” với cô giáo đánh học trò - 3

Việc đánh học sinh có thể để lại hậu quả đối với chính giáo viên 

Và đây còn là bài học cho các nhà quản lý. Quá trình dạy học của cô H. và còn nhiều trường hợp giáo viên khác đánh đập, bạo hành học sinh, những vị hiệu trưởng, những nhà quản lý ở đâu? 

Họ biết việc giáo viên đánh học sinh ngay trong lớp, trong trường do mình quản lý hay không? Nếu không biết thì trách nhiệm của họ ở trường là gì? Còn nếu biết, họ đã có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ đối với cả thầy và trò chưa? Hay là mặc kệ, để rồi cho đến khi một clip bị tung ra trên mạng.

Trước khi có một quyết định buộc thôi việc là cả một hành trình. Mà hành trình này, mỗi người liên quan cần có sự tỉnh táo, trách nhiệm và cần cả tình yêu thương, sự nhân văn. 

Hoài Nam