Đắk Nông: Nhiều trường học "trắng" môn tin học

Đặng Dương

(Dân trí) - Bắt đầu từ năm học 2022-2023, tin học trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3. Tuy nhiên, dù đã hết học kỳ I, nhiều trường học tại Đắk Nông vẫn chưa thể tổ chức dạy học môn này.

Năm học 2022-2023, trường Tiểu học Thăng Long (phường Nghĩa Đức, TP Gia Nghĩa) có hơn 150 học sinh lớp 3. Theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, tin học là môn học bắt buộc đối với khối lớp này. Thế nhưng, từ đầu năm học tới nay, nhà trường vẫn chưa tổ chức dạy học được do thiếu giáo viên.

Để khắc phục việc "chậm tiến độ", trong học kỳ I, nhà trường linh động bố trí thời khóa biểu theo hình thức dạy "cuốn chiếu" đối với các môn đảm bảo giáo viên.

Đến học kỳ II, nhà trường mới sắp xếp được thời gian dạy tin học cho các em. Tuy nhiên, giáo viên đứng lớp là giáo viên bậc THCS, được ngành giáo dục thành phố điều động tới dạy học.

Đắk Nông: Nhiều trường học trắng môn tin học - 1

Nhiều trường học chưa thể triển khai dạy Tin học do thiếu giáo viên (Ảnh: Đặng Dương).

Tương tự, trường Tiểu học Vừ A Dinh (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) hiện có 150 học sinh khối 3, trong đó gần 100% là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Năm đầu tiên thực hiện việc dạy tin học, trường này cũng gặp tình trạng thiếu giáo viên, buộc phải khắc phục tạm thời.

Ông Hoàng Văn Quyết, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Tiểu học Vừ A Dính cho biết: "Toàn xã có 3 trường tiểu học nhưng chỉ có một giáo viên dạy tin học. Phòng GD&ĐT huyện đã phân công giáo viên này phụ trách dạy học tại cả 3 trường. Thực sự rất vất vả và thiệt thòi, áp lực cho cô giáo".

Đắk Nông: Nhiều trường học trắng môn tin học - 2

Trong khi đó, nhiều trường ở vùng sâu còn gặp khó khăn vì không đủ máy tính để dạy học (Ảnh: Đặng Dương).

Thiếu giáo viên nên việc dạy tin học cũng chỉ dừng ở mức "cho học sinh làm quen". Ngoài phần lớn thời gian học lý thuyết và làm quen với máy tính qua sách giáo khoa, hình ảnh trình chiếu của giáo viên, học sinh chỉ có 2-3 tiết được thực hành trên máy tính nên chất lượng môn dạy học này vẫn chưa thực sự cao.

Ông Hoàng Văn Quyết cho biết thêm: "Nhà trường có 750 học sinh các cấp, nhưng chỉ có 7 chiếc máy tính cũ phục vụ việc dạy tin học. Đây là hạn chế rất lớn trong triển khai Chương trình GDPT 2018. Việc huy động xã hội hóa, ủng hộ mua máy tính mới cũng rất khó vì địa bàn chủ yếu là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn".

Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa) cũng  gặp tình trạng tương tự. Hiện tại, nhà trường đã có những phương án bố trí thời khóa biểu, đảm bảo cho các tiết tin học đối với học sinh khối lớp 3. Song vấn đề nan giải đối với nhà trường là điều kiện trang thiết bị phục vụ môn học này không thể đáp ứng.

Đắk Nông: Nhiều trường học trắng môn tin học - 3

Phần lớn hiện nay việc triển khai dạy học tin học chỉ dừng lại ở việc học lý thuyết (Ảnh: Đặng Dương).

Hiện phòng máy tính của nhà trường có khoảng 10 máy, toàn bộ số máy này được đầu tư khá lâu, xuống cấp, hư hỏng, không thể khởi động được.

Trước đó, Ban giám hiệu nhà trường đã huy động từ các nguồn tài trợ khác nhau nhưng không thể đáp ứng, việc huy động phụ huynh không thể thực hiện do điều kiện kinh tế của phụ huynh rất khó khăn.

Theo báo cáo sơ bộ, trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục TP Gia Nghĩa có 11 trường tiểu học, 3 trường tiểu học và trung học cơ sở. Kết thúc học kỳ I, chỉ có 3 trường TH-THCS đã tổ chức dạy tin học cho học sinh khối lớp 3 theo tiến độ chương trình năm học. Còn lại 11 trường tiểu học chưa tổ chức dạy tin học do thiếu giáo viên.

Đắk Nông: Nhiều trường học trắng môn tin học - 4

Trước đó, Đắk Nông vẫn chưa thực hiện xong chương trình "Sóng và máy tính cho em", hơn 32 tỷ đồng vẫn nằm trong ngân hàng (Ảnh: Đặng Dương).

Bà Phạm Thị Hà, Trưởng phòng GD&ĐT TP Gia Nghĩa, cho biết theo quy định, ngành giáo dục thành phố Gia Nghĩa cần 9 biên chế giáo viên tin học các trường tiểu học và 5 biên chế giáo viên tin học thuộc các trường THCS.

Theo Luật Giáo dục 2019, người dự tuyển vị trí này phải đảm bảo trình độ Đại học sư phạm chuyên ngành tin học. Ngành giáo TP Gia Nghĩa gặp khó khăn do nguồn tuyển dụng không đảm bảo.

Riêng đối với trang thiết bị dạy học, trong điều kiện kinh phí đầu tư hạn chế, ngành giáo dục định hướng các trường xây dựng kế hoạch khai thác sử dụng hiệu quả phòng máy tính theo hình thức liên trường, liên cấp đối với các tiết thực hành thuận lợi, khả thi, an toàn, hiệu quả trong dạy học.

"Ngành giáo dục Gia Nghĩa có phương án bố trí giáo viên tin học bậc THCS đảm nhận dạy môn tin học cho các em khối lớp 3, với 35 tiết/ năm học. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, không thể kéo dài", bà Phạm Thị Hà thông tin.