Đại sứ kỹ năng nghề giúp người thực vật giao tiếp bằng mắt
(Dân trí) - Trần Văn Phúc là Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam 2022. Ngoài thành tích trong những cuộc thi tay nghề Việt Nam và thế giới, Phúc còn nghiên cứu ra hệ thống giúp người thực vật giao tiếp bằng mắt.
Yêu nghề từ sở thích giải mã máy móc
Trần Văn Phúc quê ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, nơi được mệnh danh là "đất võ, trời văn". Năm 2020, Phúc tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp TPHCM, nhận tấm bằng loại Giỏi chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm. Phúc hiện đang là Kỹ sư phần mềm tại một công ty phần mềm ở TPHCM.
Giữa tháng 7 vừa qua, Trần Văn Phúc từ TPHCM ra Hà Nội để nhận quyết định bổ nhiệm Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam năm 2022. Đồng thời, Phúc còn được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo. Phúc cùng một người bạn là hai đại sứ nghề trẻ nhất năm nay, cùng sinh năm 1997.
"Trở thành đại sứ nghề là một vinh hạnh với tôi, không phải một gánh nặng. Với danh hiệu này, tôi có cơ hội tham gia nhiều sự kiện để học hỏi từ các anh chị đi trước, đồng thời chia sẻ những trải nghiệm của tôi với các bạn trẻ hơn", Phúc nói.
Đại sứ Trần Văn Phúc từng giành Huy chương Đồng nghề Giải pháp phần mềm CNTT tại Kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2018; Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc nghề Giải pháp phần mềm CNTT tại Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019.
Phúc mơ ước theo đuổi ngành Công nghệ thông tin (CNTT) từ khi còn là học sinh cấp 3. Cậu tò mò, thích tìm hiểu cấu trúc và cách vận hành của các loại máy móc, đồ công nghệ. Bất cứ cái gì hoạt động một cách máy móc, theo chu kỳ, Phúc đều thắc mắc tại sao nó có thể lặp lại mà không bao giờ bị lỗi. Phúc bắt đầu tìm hiểu và giải quyết những câu hỏi đó.
Cuối năm lớp 11, cô giáo của Phúc mong muốn xây dựng một website cho câu lạc bộ tiếng Anh, cậu xung phong thực hiện. Phúc lên mạng xem các video hướng dẫn và bắt chước theo. Website đầu tiên của cậu được hoàn thành một cách đơn giản. Có khi Phúc tò mò về những thiết bị tự động bật, tắt, cậu về nhà chế bằng được bóng đèn tự động, lập trình những mạch đèn led hình trái tim với đủ các hiệu ứng.
Phúc có nhiều trải nghiệm quý báu từ khi còn là sinh viên Kỹ thuật phần mềm. Năm thứ 2 đại học, Phúc đã được thầy cô mời đi trợ giảng một số môn chuyên ngành CNTT tại trường. Hiếm sinh viên nào có cơ hội đó. Năm 3 đại học, Phúc tham gia Cuộc thi lập trình quốc tế ACM/ICPC từ vòng loại miền Nam và dừng chân ở giải châu Á.
Phúc còn nhớ, ngày cuối cùng của kỳ thi học kỳ 1 năm 3 đại học, một người anh rủ Phúc tham gia kỳ thi tay nghề cấp trường, cậu đồng ý. Từ đó, Phúc dấn thân vào các cuộc thi tay nghề trong nước và quốc tế. Kết thúc cuộc thi Kỹ năng nghề thế giới năm 2019, Phúc tiếp tục thử sức tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp.
Phúc vận dụng 70% kiến thức học được từ trường lớp và 30% kiến thức tự học vào các cuộc thi. Đại sứ nghề tự học hoàn toàn trên mạng.
"Ví dụ khi gặp một bài toán yêu cầu kỹ năng mà tôi còn thiếu, tôi sẽ lên mạng tìm và bổ sung cho mình. Trước một vấn đề, nếu tôi tự giải quyết thì chỉ biết một cách giải, nhưng khi tự học trên mạng, tôi học được vô số cách khác nhau từ những người đi trước và chọn ra cách giải hay nhất", Phúc nói.
Đến với ngành CNTT, Phúc không gặp rào cản gì vì chọn đúng ngành ngay từ đầu. Phúc quan niệm, học ở trường nào không quan trọng, cố gắng hết sức để thi vào trường tốt nhất trong khả năng của mình. Học đại học hay cao đẳng không quan trọng bằng việc chọn đúng ngành.
Sau khi ra trường với tấm bằng Giỏi, Phúc được thầy cô giới thiệu vào làm việc tại một số công ty nhưng cậu xin từ chối. Phúc muốn thử sức mình nên đã tự đi xin việc. Ngành CNTT có nhu cầu nhân lực rất cao, quá trình từ khi Phúc gửi hồ sơ xin việc đến lúc trở thành nhân viên chính thức chỉ mất 1 tuần.
"Môi trường làm việc ngành CNTT không có sự phân biệt bằng cấp. Những người cảm thấy học đại học phù hợp với mình thì học đại học, không thì học cao đẳng hoặc trung cấp. Các doanh nghiệp cần nhân lực có trình độ, kinh nghiệm và thái độ làm việc tốt. Những bạn học cao đẳng có thuận lợi là được ra trường và làm nghề sớm", Phúc nói.
Để học tốt ngành CNTT, Phúc cho rằng người học không cần quá thông minh, chỉ cần đam mê để gắn bó với nghề. Người yêu nghề và kiên trì sẽ có 8 - 12 tiếng mỗi ngày để vui vẻ với công việc.
Giúp người thực vật giao tiếp bằng mắt
Năm 2019, khi đang là sinh viên năm cuối, Phúc đã kết hợp với Trần Đăng Khoa (một người em khóa dưới) nghiên cứu ra hệ thống giúp người thực vật giao tiếp bằng đôi mắt. Đây là một nghiên cứu phi lợi nhuận, nhằm giúp đỡ những người mắc hội chứng Locked-in syndrome.
Locked-in syndrome còn được gọi là Hội chứng Khóa trong. Bệnh nhân còn ý thức nhưng không thể di chuyển hoặc giao tiếp bằng lời nói do tê liệt hoàn toàn thần kinh trong cơ thể, ngoại trừ mắt.
Sản phẩm này đã đoạt giải Ba tại Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2019 do Trung tâm Khoa học Công nghệ trẻ TP.HCM tổ chức.
Đây là sản phẩm bắt nguồn từ sự đồng cảm, chia sẻ của Phúc và Khoa với những bệnh nhân có đời sống thực vật. Phúc nhớ mãi câu chuyện về 2 em nhỏ có mẹ là người mắc Hội chứng Khóa trong. Mơ ước của 2 em chỉ là biết được mẹ nóng hay lạnh, đói hay no nhưng không thể thực hiện được.
Phúc hiểu những người này rất khó chịu và bất lực khi không thể giao tiếp, cử động được mà chỉ thể hiện bằng cử động mắt. Nếu không được giao tiếp, bệnh nhân sẽ có nguy cơ chết não. Những người thân cũng không thể biết bệnh nhân muốn gì để chăm sóc.
Phúc và cộng sự bắt đầu thực hiện đề tài với vốn liếng là kiến thức học được từ nhà trường và trên mạng. Hai bạn đã đối mặt với nhiều khó khăn trong việc lập trình, tiếp cận các phần mềm tự động hóa, công nghệ xử lý ảnh, thị giác máy tính,…và những kiến thức Y học chắp vá từ nhiều nguồn.
Phúc và Khoa đã thường xuyên đến các bệnh viện để xin ý kiến chuyên môn từ các bác sĩ, nắm bắt tình trạng người bệnh. Quá trình tìm kiếm bệnh nhân thích hợp để thử nghiệm thiết bị yêu cầu hai bạn phải đến khảo sát tại nhiều bệnh viện.
Sau hơn 1 năm nghiên cứu, hệ thống giúp người thực vật giao tiếp bằng mắt đã được hoàn thành. Hệ thống được thiết kế gồm một màn hình giao diện, có kích cỡ giống với màn hình máy tính bảng hoặc máy tính bàn, tùy vào vị trí chăm sóc bệnh nhân.
Bằng những cử động mắt, hệ thống sẽ nhận diện những chuyển động của con ngươi, công nghệ thị giác máy tính phân tích cử động mắt, chuyển thành tín hiệu điều khiển. Người bệnh có thể biểu đạt cảm nhận, suy nghĩ và nhu cầu của mình với người thân. Khi bệnh nhân có thể giao tiếp cơ bản, khả năng phục hồi sẽ cao hơn.
Một số thành tích nổi bật của Trần Văn Phúc:
Chứng chỉ Kỹ năng nghề Xuất sắc nghề Giải pháp phần mềm CNTT thế giới tổ chức tại Nga năm 2019.
Huy chương Đồng nghề Giải pháp phần mềm CNTT Đông Nam Á năm 2018.
Huy chương Vàng Giải pháp phần mềm CNTT toàn quốc năm 2018.
Giải Nhất Giải pháp phần mềm CNTT Bộ Công Thương năm 2018Giải thưởng Tài năng trẻ lĩnh vực Khoa học - Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh năm 2019.
Giải Khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ Seeding your idea - Ươm mầm ý tưởng năm 2019 do VinTech City tổ chức.
Giải thưởng "Người thợ trẻ giỏi" toàn quốc của Trung ương Đoàn thanh niên Việt Nam năm 2020.
Bằng khen Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2020.
Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Nam năm 2022.
Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam năm 2022.