Có tới 62,71% chương trình liên kết đại học nước ngoài không được xếp hạng
(Dân trí) - Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có 62,71% cơ sở giáo dục đại học đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới.
Con số trên được Bộ GD-ĐT công bố tại hội nghị tự chủ đại học vừa qua. Thực tế này đã làm mất đi ý nghĩa và sứ mệnh của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam như sau:
Một trong những phương thức tăng cường quốc tế hóa giáo dục đại học (GDĐH) mà Bộ GD&ĐT đề ra là đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở GDĐH quốc tế có uy tín thông qua việc thực hiện các chương trình liên kết đào tạo (LKĐT) với các trường đại học trên thế giới, chương trình đào tạo tiên tiến.
Từ khi Luật số 34 có hiệu lực thi hành, các cơ sở GDĐH trong cả nước nếu đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật được tự chủ mở ngành đào tạo và mở chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài (LKĐTVNN).
Trừ một số ngành đặc biệt cần sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước (các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe và ngành đào tạo giáo viên), việc mở ngành đào tạo mới, mở chương trình LKĐTVNN mới do các cơ sở GDĐH tự quyết định khi đáp ứng điều kiện mà không cần trình cơ quan quản lý xin chủ trương và cấp phép như trước đây.
Tính đến tháng 12/2021, cả nước có 408 chương trình LKĐTVNN đang hoạt động. Trong đó, các trường tự chủ (ĐHQG, ĐH vùng, thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, theo Luật số 34) phê duyệt tổng cộng 186 chương trình LKĐTVNN, trong đó có 124 chương trình ở trình độ đại học, 58 chương trình ở trình độ thạc sĩ và 04 chương trình ở trình độ tiến sĩ.
408 chương trình phân loại theo quốc gia chủ yếu vẫn là các chương trình LKĐT với các cơ sở GDĐH tại Vương quốc Anh (101 chương trình), Hoa Kỳ (59 chương trình), Cộng hòa Pháp (53 chương trình), Australia (37 chương trình) và Hàn Quốc (27 chương trình); các nước có nền GDĐH phát triển và các cơ sở GDĐH uy tín, xếp thứ hạng cao trên thế giới như New Zealand (16 chương trình), CHLB Đức (10 chương trình) và Vương quốc Bỉ (10 chương trình).
Phân loại các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam theo nhóm ngành đào tạo như sau:
Phân loại các chương trình LKĐTVNN theo nhóm ngành đào tạo, tỷ lệ các chương trình đào tạo trong nhóm ngành kinh tế và quản lý vẫn chiếm đa số với 64% (trong đó có 85/408 chương trình đào tạo ngành quản trị kinh doanh).
Các chương trình đào tạo các ngành trong nhóm ngành khoa học và công nghệ chiếm 25%; trong nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn chiếm 8% và các ngành khác (như Y khoa, Dược, Luật) chỉ chiếm 3%.
Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT hoạt động LKĐTVNN đang có một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, hạn chế trong việc lựa chọn cơ sở GDĐH đối tác nước ngoài; có 62,71% cơ sở GDĐH đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới (theo QS Ranking và THE năm 2021), 6,21% cơ sở xếp hạng 1.000+, 9,04% số cơ sở xếp hạng 501-1.000, 9,04% số cơ sở xếp hạng 301-500, 9,6% số cơ sở xếp hạng 100-299 (17 cơ sở).
Thứ hai, hạn chế trong chất lượng tuyển sinh đầu vào (năng lực ngoại ngữ, kết quả học bạ và thi THPT tương đối thấp).
Thứ ba, hạn chế về tác động lan tỏa. Hệ thống GDĐH của Việt Nam không thu được những tác động tích cực từ các chương trình LKĐTVNN, cụ thể các chương trình LKĐT không lan tỏa được chất lượng đào tạo cho các chương trình trong nước, không nâng cao được năng lực chuyên môn và ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên.
"Thực tế này đã làm mất đi ý nghĩa và sứ mệnh của các chương trình LKĐTVNN, không được như các chương trình đào tạo tiên tiến trong giai đoạn 2008-2015" - Bộ GD&ĐT nhận định.
Chế tài xử phạt
Bộ GD&ĐT cho biết, Luật quy định rõ những chế tài áp dụng nếu các cơ sở GDĐH lạm dụng hay cố tình mở ngành, chương trình LKĐTVNN khi chưa đủ điều kiện. Hơn nữa, sau khi thực hiện tự chủ mở ngành, phê duyệt các chương trình LKĐTVNN, các cơ sở GDĐH phải thực hiện trách nhiệm giải trình và trách nhiệm bảo đảm chất lượng chương trình mới mở; phải thực hiện đánh giá và kiểm định chất lượng ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và bị áp dụng chế tài nếu vi phạm các quy định về mở ngành đào tạo.
Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở ngành đào tạo khi chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định thì bị đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành đào tạo đó và không được tự chủ mở ngành đào tạo trong thời hạn 05 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (khoản 4 Điều 33 Luật Giáo dục đại học).
Trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định theo quy định của Luật này.
Trường hợp không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bảo đảm quyền lợi cho người học.