Chuyển đổi số để kiến tạo trường học thông minh

PGS.TS Chu Cẩm Thơ

(Dân trí) - Tại thời điểm hiện tại, ứng dụng công nghệ là con đường dẫn tới trường học thông minh, có thể dẫn đến sự đồng nhất các khái niệm: Trường học thông minh - Trường học công nghệ - Trường học số.

Sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0 với sự thay đổi các nền tảng công nghệ tác động rất lớn đến giáo dục. Những năm cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21, công nghệ trong giáo dục là quá trình thay đổi phần cứng, ứng dụng phần mềm trong dạy học, trong quản lí.

Chuyển đổi số trong giáo dục thực hiện yêu cầu chuyển đổi mô hình nhà trường để giáo dục nhà trường theo kịp những thay đổi mới nhất của kỉ nguyên tin học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu đào tạo công dân cho thời đại mới. Trong những năm tháng đó, ước mơ về một trường học thông minh, lớp học thông minh cũng đã được hình thành, tập trung đưa những ứng dụng đa phương tiện vào giờ dạy.

Ngày nay, trường học thông minh là một ẩn dụ ám chỉ trường học vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực trên nền tảng ứng dụng tiến bộ công nghệ kĩ thuật số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong đào tạo thế hệ trẻ hướng tới tự vận hành.

Ở cấp độ thấp, trường học thông minh là trường học có xu thế thông minh hóa các mối quan hệ, quy trình, chiến lược để đạt được mục tiêu - sứ mệnh tự thân của nó là Giáo dục - Đào tạo. Xu thế thông minh hóa được hiểu là giảm đầu vào, tăng tối đa đầu ra dự trên thay đổi các quy trình (tự động hóa theo quy trình, tự điều chỉnh và đưa ra quyết định).

Tại thời điểm hiện tại, ứng dụng công nghệ là con đường dẫn tới trường học thông minh, có thể dẫn đến sự đồng nhất các khái niệm: Trường học thông minh - Trường học công nghệ - Trường học số.

Đặc điểm của trường học thông minh

-Trường học thông minh chuẩn bị và thúc đẩy lực lượng lao động - chủ nhân của thế kỉ XXI có những kiến thức và kĩ năng để đáp ứng nhu cầu và thách thức của xã hội công nghệ hiện đại;

- Người học là trung tâm, được cung cấp các dịch vụ học tập hiện đại và chất lượng; được học phù hợp theo nhu cầu và tốc độ, đặc điểm và hoàn cảnh cá nhân;

- Tính chất thông minh của nhà trường hướng tới tính linh hoạt, thích ứng, hiện đại và phát triển liên tục - cân bằng động với sự phát triển của thế giới công nghệ hiện đại;

- Công nghệ thông minh (phần cứng và phần mềm) đóng vai trò quan trọng để xây dựng và duy trì môi trường giáo dục thông minh đó.

Chuyển đổi số để kiến tạo trường học thông minh - 1

Chuyển đổi số để kiến tạo trường học thông minh.

Chuyển đổi số để kiến tạo một trường học thông minh

Các thông tin từ thực tiễn cho thấy, các trường học của chúng ta rất dễ tiếp cận với công nghệ, các thiết bị thông minh trong dạy và học. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều năm qua, chúng ta vẫn có nhiều lầm tưởng về quá trình này.

Chúng ta mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, mua sắm trang thiết bị, … và kết quả là đội ngũ của chúng ta chưa được nâng cao thực sự về nhận thức và kĩ năng dạy học, các ứng dụng rất nhỏ chứ chưa nói đến đáp ứng được mục tiêu giáo dục;

Chúng ta kì vọng quá nhiều vào phần mềm mà quên tính hệ thống, nên các ứng dụng vụn vặt, chỉ thiên về cải tiến; Các áp dụng lại không chủ động ở người trong cuộc, tức là các "bài toán giáo dục" chưa phải là trọng tâm, là xuất phát điểm để phát kiến công nghệ;

Đặc biệt là hệ sinh thái để thực thi giáo dục hệ thống trên trụ cột: kĩ năng số của nhân lực, dữ liệu số và quản trị chất lượng. Cách hiểu phiến diện về "trường học thông minh" dựa trên dấu hiệu cơ sở vật chất, công nghệ, khiến chúng ta quên mất "con người luôn là chủ thể mang tính quyết định cho sự tồn tại và hiệu quả của mỗi mô hình".

Chính vì vậy, chuyển đổi số trong trường học không hề dễ. Để có một "bản sao số trong trường học", chúng ta cần thấy tầm nhìn kiến tạo trường học thông minh, để chuyển đổi số là quá trình tay đổi cả mô hình vận hành và năng lực thích ứng của trường học. Hài hòa giữa các yếu tố: Con Người + Quy trình thực hiện + Công nghệ; Tầm nhìn vì con người: đội ngũ và học sinh; Vận hành: Sáng tạo, thích ứng nhanh.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Năm 2021, bà cùng các cộng sự sáng lập Mạng lưới Quản lí giáo dục không biên giới với sự kiện hàng năm "Thắp lửa cùng tiến lên" dành cho các nhà quản lí giáo dục tích cực.

Năm 2022,  bà mở phiên thảo luận về "Trường học thông minh trong bối cảnh biến đổi".